VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 6)

VNTB – Trích hồi ký sắp xuất bản của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ( Kỳ 6)

Đoàn Viết Hoạt

 

(VNTB) – Vượt qua mọi thách đố, vươn lên chung hưởng ánh sáng văn minh nhân loại, mà vẫn phát huy được bản sắc Việt của mình

 

Nhân đây tôi cũng xin ghi thêm một vài điều tôi có cơ duyên được biết về Lý Ðông A, một nhân vật mà tôi cho là đặc biệt nhất của Việt Nam từ 1940 tới nay, và chắc chắn sẽ là một trong những nhân vật được tìm hiểu nhiều nhất trong một tương lai không xa, trong thời kỳ Việt Nam hậu cộng sản. Như tôi đã nói trong một chương trước, trong tài liệu mang tựa đề Giới Thiệu, Lý Ðông A viết một câu mà tôi nhớ gần như nguyên văn như sau: “Ta sơ thảo bộ chủ nghĩa này vào năm 1937, tu chỉnh và hoàn tất nó ở xứ người”. Tôi đã được đọc tài liệu này trước năm 1975. Tôi đã học thuộc lòng câu này vì có ghi rõ năm 1937 là năm Lý Tiên Sinh mới có 17 tuổi. Hiện nay tôi chưa tìm lại được tài liệu này. Tôi hy vọng tài liệu vẫn còn được lưu giữ. “Xứ người” mà Lý Ðông A nói đến đây chắc chắn là Hoa Nam. Năm 1940 sau khi hoạt động với Trần Trung Lập trong phong trào Phục Việt không thành công, Lý Ðông A bỏ sang Hoa Nam. Thân phụ tôi kể với tôi rằng trong một lần tiếp xúc với cụ Lý, cụ có cho thầy tôi biết quan hệ của cụ với một số nhà cách mạng Việt Nam ở Hoa Nam trước khi cụ trở về Việt Nam năm 1943. Lý Ðông A thường gặp gỡ và trao đổi về học thuyết Duy Dân với các vị Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ. Nhờ đó các vị này đã đồng ý lấy Duy Dân làm học thuyết chung cho phe cách mạng quốc gia không cộng sản. 

     Khi vào tù gặp ông Như Phong Lê Văn Tiến, ông xác nhận điều này. Ông Như Phong cho biết chính Nguyễn Tường Tam đã tự tay viết văn kiện Ký Trình, cùng ký tên với ông, ngoài Lý Ðông A, còn có Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ. Văn kiện quan trọng này được chính Lý Ðông A mang về Việt Nam, giao cho Nguyễn Tường Long, tức Hoàng Ðạo để tìm Trương Tử Anh ký tên. Lúc đó Trương Tử Anh đang phải lẩn tránh vì cộng sản tìm giết ông, do đó cử một ngưởi đại diện ông ký tên vào bản Ký Trình. Bản Ký Trình có đủ 5 chữ ký. Sau đó ông Hoàng Ðạo giao cho ông Như Phong Lê Văn Tiến cất giữ. Ông Như Phong đem theo vào Sài Gòn khi di cư, cất giữ cẩn thận trong một hộp sắt nhỏ, dấu trong viên gạch trong phòng ngủ của ông. Ngay trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đã đưa cho người con út của Nguyễn Tường Tam, là Nguyễn Tường Thiết, mang đi khi người này di tản trước ngày cộng sản chiếm miền Nam. Hiện nay bản gốc Ký Trình với thủ bút của Nguyễn Tường Tam, được Nguyễn Tường Thiết cất giữ nơi bàn thờ ông Nguyễn Tường Tam tại nhà riêng ở Seatle, Hoa Kỳ. Lần đầu tiên tài liệu lịch sử này đã được công bố trong cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Tường Bách nhưng không có bản chụp. Năm 2014, bản chụp Ký Trình đã được công bố trong cuốn Kỷ Yếu Triển Lãm và Hôi Thảo do Ngưởi Việt xuất bản. Hiện nay bản chụp lại Ký Trình cũng có trên trang nhà Thắng Nghĩa Lý Đông A (thangnghia.org).

      Thầy tôi cũng kể rằng ngay sau khi Nguyễn Tường Tam tham gia chính phủ liên hiệp với Hồ chí Minh, Lý Ðông A đã gửi cho Nguyễn Tường Tam một bức thư phản đối. Thân phụ tôi cũng kể rằng cụ Lý đã cho biết cụ được tin Hồ chí Minh đã đặc biệt chú ý tới cụ và đã hạ lệnh nếu bắt được Lý Ðông A phải giết ngay. Chắc trong thời gian ở Hoa Nam Hồ Chí Minh đã biết và chú ý tới Lý Đông A rồi.

Bởi vì trong những người cộng sản Việt Nam có hai thứ: cái thủ đoạn và nhẫn tâm của trường đấu tranh cộng sản quốc tế, và cái chất thông minh tinh ma vặt vãnh của người Việt –cái tinh ma do hoàn cảnh sinh tồn bắt buộc phải có của một dân tộc nhỏ yếu luôn bị đe dọa diệt vong. Chính nhờ cái chất thứ hai đặc thù dân tộc này mà cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại. Dù đang phải lột xác (thuế biến) rất nhiều và sẽ tiếp tục bị buộc phải “đương biến, tiệm biến và thuế biến” ngày càng mãnh liệt hơn. Ðể đến ngày N nào đó không xa nữa sẽ gặp phải cơn “đột biến” không kiểm soát được và sẽ không còn là chính họ nữa. Như quy luật về chuyển biến xã hội mà Lý Tiên sinh đã thấy.

      Trước một đối thủ tinh ma lão luyện như thế không thể dùng thủ đoạn để đối phó. Mà phải khai quật dậy cáí “dũng của thánh nhân”, cái khát vọng “sống như một Con Người” vẫn luôn tiềm ẩn một cách trong sáng và giản dị trong mỗi con người bình thường. Cái mà Lý Ðông A gọi là “phi thường trong bình thường”, những công việc của thánh nhân mà làm bởi những “bố cu mẹ đĩ”.  Ðúng, chính thời gian ở tù, va chạm với đủ mọi đa dạng khác biệt, đã giúp tôi hiểu được những từ của Lý Đông A diễn đạt các hình thái chuyển biến trong xã hội, từ những phẩm chất cao quí nhất của con người –những phẩm chất tự nhiên thường đột nhiên bừng nở ra vào một lúc không trông đợi nhất– đến những tệ mạt nhất của con người và xã hội –những tệ mạt lại cũng thường đột nhiên xuất hiện ở những lúc và ở những con người ta không thể ngờ được nhất– vâng, chính thời gian ở tù gần 20 năm qua đã cho tôi hiểu, thật hiểu, thật “nắm được” (“bả ác”) thế nào là “phi thường nằm trong bình thường”, là những công việc của thánh với vương mà làm bởi những “bố cu mẹ đĩ” (***). Cộng sản đã xụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu cũng chỉ vì những hành đông rất “phi thường” của những con người thật bình thường. Những “bố cu mẹ đĩ” đó đã sống dưới chế độ cộng sản suốt gần một thế kỷ, chịu bao đầy đọa, khổ nhục, vượt qua bao cố gắng của giới cầm quyền, từ thô bạo đến tinh vi, để biến họ thành những “con người mới xã hội chủ nghĩa”, mà thật sự chỉ là những con người không phải Con Người. Nhưng họ vẫn như thế, vẫn thản nhiên tiếp tục “là Người”, đơn thuần, giản dị và trong sáng “là Người” và “làm Người”. Ðể đến khi có thời cơ, có điều kiện, họ cũng thản nhiên, giản dị và trong sáng đứng dậy, rũ nhẹ khỏi người họ tất cả thế kỷ cộng sản, và tiếp tục thanh thản tiến bước trên con đường “là Người và làm Người” muôn thuở của những Con Người, và như những Con Người bình thường không cần phải là thánh với vương.

      Dân tộc Việt cũng đã trải qua nhiều lần thử thách như thế. Và đã sản sinh ra những vũ khí tinh thần giản dị và trong sáng như thế để thắng lướt được nghịch cảnh và tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay, với những vũ khí đương nhiên tự có của mỗi con người.

                       Đem đại nghĩa để thắng hung tàn

                       Lấy chí nhân mà thay cường bạo.    

                                                 Nguyễn Trãi

      Ngày nay dân tộc Việt cũng đang đứng trước một thử thách lớn. Một trăm năm nay dân tộc Việt đã bắt buộc phải mở ra với một thế giới hoàn toàn mới lạ, khác hẳn với thế giới Trung Hoa và Ðông phương quen thuộc. Nếu năm 1000 cha ông chúng ta đã thành công phục hưng đựơc dân tộc sau 10 thế kỷ đen tối, thì vào thời đại 2000 này chúng ta có thực hiện được một cuộc phục hoạt Việt mới hay không? Trước cơn sóng thời đại toàn cầu đã và đang tràn vào đất nước ta, từ hơn 100 năm nay, cả quốc tế tư bản và quốc tế cộng sản? Và sẽ tiếp tục tràn vào mãnh liệt hơn, ồ ạt hơn, trong thời đại của internet và nền kinh tế tư bản của thời đại toàn cầu hóa? Cơn sóng trào này đã và đang tiếp tục mang theo vào đất nước Việt bao nhiêu chất liệu và cơ hộị tiến hóa chưa từng có. Ðồng thời cũng mang theo những thách đố cũng vô cùng cam go và trở ngại.Hơn 100 năm qua dân tộc ta đã vượt qua đươc nhiều cam go thử thách.Chế độ cộngsản hiên nay chỉ là một trong những thách đố cuối cùng còn lại. Dân tộc ta chắc chắn cũng sẽ vượt qua được thách đố này. Nhưng cái thách đố lớn nhất của thời đai 2000 vẫn còn đó, vẫn nằm chờ đợi chúng ta, đằng sau mọi thách đố, và ngay đằng sau thách đố cộng sản. Cũng như trước đây, cái thách đố cộng sản đã nằm phục sẵn chờ đợi chúng ta ngay đằng sau thách đố thực dân.

      Thách đố lớn nhất trong thời đai 2000 này đối với dân tộc Việt là: Dân tộc chúng ta sẽ ra sao, sẽ đi về đâu trước sóng trào nhân loại và thời đại toàn cầu? 

      Chúng ta chỉ có thể đối phó thành công với thách đố này bằng một tiền đề căn bản: Dân tộc Việt chỉ tiến hóa được khi nhanh chóng hội nhập hoàn toàn vào giòng thác tiến hóa chung của nhân loại mà vẫn không mất bản sắc Việt của mình. Và câu hỏi lớn nhất là trước thế giới toàn cầu mà nước Việt phải hội nhập thì bản sắc Việt còn lại là gì? Mà toàn cầu là của toàn nhân loại chứ không phải theo riêng một trào lưu tiến bộ cực quyền nào, dù mỗi trào lưu cực quyền đó đều có những điểm tinh túy riêng của nó, đóng góp vào sự tiến bộ chung của toàn nhân loại.

      Thời đại 2000 đang đem lại cho dân tộc ta một cơ may lạ lùng, rất phù hợp với bản chất dân bản và nhân bản trong truyền thống đạo lý dân gian của dân tộc ta, truyền thống đạo lý “vô danh là gốc đạo”. Ðó là: đã đến lúc dân tộc và nhân loại có thể hòa hợp thành một. Tiến hóa của mỗi dân tộc, của mỗi trào lưu văn minh, dù Tây hay Ðông, dù Mỹ hay Nga, tới nay đều có cơ hội và điều kiện để hòa nhập vào dòng tiến hóa chung của cả nhân loại, thành tài sản trí tuệ chung cho mọi dân tộc. Dân tộc ta vốn có được truyền thống và khả năng –do hoàn cảnh địa lý chính trị hun đúc lên—dung hợp được mọi yếu tố văn hóa dị biệt vào dòng văn hóa đặc thù của dân tộc để tồn tại mà không bị hòa tan. Dân tộc ta đã thực hiện được điều này với nền văn hóa Đông Phương, Trung Hoa và Ấn Độ, để tạo nên thời hưng thịnh 1,000 với hai triều đại Lý Trần. Nay trong thời đại toàn cầu 2,000 hiện nay, dân tộc ta đang gặp được môi trường thuận lợi mới để phát huy truyền thống và khả nănng văn hóa ấy, để thực hiện cuộc đại hòa hợp văn hóa, văn minh Ðông Tây, kim cổ, dân tộc và nhân loại. Ðể vừa mở ra thời hưng thịnh 2,000 cho riêng dân tộc mình, và cũng góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa nhân loại cho mọi dân tộc. Ðấy phải là Tầm nhìn và Lý tưởng của mọi người Việt cho tương lai Viêt Nam. Sức mạnh của tiến bộ toàn cầu, của toàn thế giới, của cả nhân loại, phải được chuyển thành sức mạnh, thành cái vốn cho dân tộc ta. Chỉ ở đó dân tộc Việt mới có đủ sức mạnh vươn mình dậy, phục hưng lên nhanh chóng và toàn diện. Việt Nam phải là một con rồng văn hóa, không phải là con rồng hay con hổ kinh tế. Ðể vượt qua mọi thách đố, vươn lên chung hưởng ánh sáng văn minh nhân loại, mà vẫn phát huy được bản sắc Việt của mình, trong thời đại 2000. Như Tầm nhìn mà Lý Đông A đã đưa ra.

________________________________

(*) Tiểu Sử Lý Đông A, ghi chú số 11, https://thangnghia.org/ly-dong-a/tieu-su/

(**) Tuyển Tập Lý Đông A:  https://thangnghia.org/tuyen-tap-ly-dong-a/

(***) Tiểu Luận Thắng Nghĩa, tr. 64:

         https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2020/05/tieu-luan-thang-nghia.pdf


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)