Minh Quân
(VNTB) – Bài toán xử lý thặng dư giao dịch thương mại đối ngoại của Việt Nam đang một lần nữa chịu nguy cơ “hóc xương” khi có thêm một dẫn chứng cho vấn nạn nhập siêu: Hàn Quốc.
Từ năm 2016 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Hàn Quốc cao dần. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ này trở nên rất cao khiến nhập siêu từ Hàn Quốc lần đầu tiên vượt Trung Quốc.
Những con số từ Tổng cục Thống kê mô tả trong sáu tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ. Hàn Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nhưng có mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao nhất (thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc có mức tăng 16,8%). Các mặt hàng nhập khẩu lớn từ Hàn Quốc gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%… Với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường này 15,9 tỷ USD.
Giới chuyên gia và báo chí nhà nước đã phải thừa nhận rằng FTA (hiệp định thương mại tự do) mà Việt Nam ký với Hàn Quốc đang tạo điều kiện cho hàng loạt loại hàng hóa của quốc gia này vào Việt Nam như xăng dầu, nông sản, hàng tiêu dùng, rau quả… với giá cạnh tranh do mức thuế nhập khẩu giảm mạnh. Chất lượng hàng Hàn Quốc nhập khẩu tương đối tốt. Trong khi cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đang có xu hướng thờ ơ với hàng hóa, nguyên phụ liệu xuất xứ từ Trung Quốc thì hàng hóa từ Hàn Quốc dễ dàng được lựa chọn để thay thế.
Hồi đầu năm nay, sau khi Hiệp định TPP hầu như tan vỡ, giới quan chức Việt Nam vẫn cố tự an ủi rằng “chưa có vấn đề gì lớn”. Khi đó, Tổng Bí thư Trọng còn biểu tả “triển vọng phát triển còn tốt lắm”.
Triển vọng phát triển còn tốt lắm !
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Đỗ Thắng Hải làm tiếp việc liệt kê: “Xét cả về cấp độ phạm vi và quy mô hội nhập, TPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Ngoài TPP, Việt Nam còn có 10 FTA khác đã ký và đã có hiệu lực, 4 FTA đang đàm phán và 1 FTA đã kết thúc đàm phán nhưng chưa ký kết. Các FTA này bao gồm hầu như tất cả các đối tác thương mại chính của Việt Nam (như ASEAN, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia…).
Tức nếu không có TPP, Việt Nam vẫn còn đến 15 FTA khác để hưởng lợi!
Song những thông tin thương mại song phương trong thời gian gần đây vẫn phác họa một bức tranh hầu như chưa có gì sáng sủa. Ngay cả FTA với Hàn Quốc mà trong quá trình đàm phán đã khiến giới quan chức Việt phải “mất ngủ” vì thương thảo cả chuyện nhập khẩu… tỏi và ớt, ký xong mới thấy hình như hàng của Hàn nhập vào Việt Nam nhiều hơn và hiệu quả hơn là hàng Việt xuất sang Hàn.
Còn Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ và luôn giúp Việt Nam xuất siêu đến 20 tỷ USD hàng năm chứ không phải thường nhập siêu đến hơn 50 tỷ USD mỗi năm (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch) như thương mại song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc – thì sao?
Vẫn mịt mờ chân mây. Đã một năm rưỡi tính từ thời điểm tháng 12/2015 khi EVFTA được ký kết chính thức, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Kinh tế Việt Nam cũng bởi thế vẫn chưa có gì được coi là “hưởng lợi” từ EVFTA.
Không chỉ chậm triển khai bởi những nguyên nhân kỹ thuật, EVFTA còn đặt cho giới chóp bu Việt Nam một câu hỏi mới toanh: nhân quyền.
Còn FTA với Trung Quốc thì khỏi nói, vì mỗi năm Việt Nam lại phải nhập siêu từ Trung Quốc đến 37 tỷ USD theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch.
Thực trạng tương quan về thương mại song phương với các quốc gia như trên chính là một kiểu lạm phát FTA mà dẫn đến cảnh trạng “lắm mối tối nằm không”, đồng thời dẫn đến cảnh nạn thâm thủng nhanh kho dự trữ ngoại hối mỏng manh của Việt Nam.