Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Cộng chưa thể thay thế Mỹ tại Ả Rập Saudi

 

Ts. Phan Quang Trọng

 

(VNTB) – Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng sáng kiến Một vành đai Một con đường, với những điều kiện ưu đãi từ khối Ả Rập nhờ không chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Saudi như các nước Phương Tây.

Cuối năm 2020, trong khi kinh tế của Âu, Mỹ suy trầm thì Trung Cộng (TC) xem ra khá bình yên. Bộ máy xuất khẩu năng động hơn bao giờ hết với vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài qua mặt cả Hoa Kỳ.

Đây là thời điểm mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa và nhiều nhà phân tích phương Tây tưởng rằng Bắc Kinh đang đến gần giấc mơ qua mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một toàn cầu trước năm 2030. Tiếc thay, hai siêu vi biến thể Covid Delta vào mùa hè 2021 và Omicron đầu 2022 bị phá hỏng tham vọng đó. Sau đó, thế giới được dịp mục kích một bộ máy điều hành tai ương và y tế yếu kém của nhà cầm quyền Trung Cộng và gần đây trước phản ứng khắp nơi của người dân chiến lược zero covid mà họ tự hào đã được nới lỏng và có thể bãi bỏ. Hình ảnh Tập Cẩm Bình trước đại hội đảng 2022 xiết chặt quyền kiểm soát và tăng cường lãnh đạo tuyệt đối của cá nhân cho thấy việc tranh dành quyền lực trong nội bộ đảng không kém quyết liệt giữa các phe phái. Giữa những khó khăn chồng chất về kinh tế, y tế, và chính trị nội bộ, bộ máy tuyên truyền của đảng CS Trung Hoa trong đầu tháng 12 được cơ hội đánh bóng thành quả ngoại giao của họ Tập trong hội nghị thượng định với Ả Rập Saudi và 6 nước thuộc Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Co-operation Council – GCC). Nhưng liệu sự kiện được cho là thành quả ngoại giao “vô tiền khoáng hậu” này có thật là một thành công chiến lược giúp Trung Cộng thay thế vai trò chiến lược của Hoa Kỳ trong vịnh Ba Tư?

Trong khi quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi ngày càng trở nên lạnh nhạt hơn đi từ những năm cao điểm dưới thời TT Nixon xuống thấp dần đến thời TT Obama và gần đây TT Biden thì quan hệ ngoại giao giữa Trung Cộng và Ả Rập Saudi ngày càng có dấu hiệu nồng ấm hơn làm nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Cộng đang thay thế Mỹ. Chuyến công du của ông Tập Cẩm Bình đến quốc gia Ả Rập vào đầu tháng 12 vừa qua được xem như là điểm cao nhất trong mối quan hệ ngoại giao giữa họ. Đến nỗi phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng không ngần ngại cho đây là “sự kiện ngoại giao cao cấp nhất và lớn nhất giữa Trung Cộng và thế giới Ả Rập kể từ ngày Cộng hòa Nhân dân Trung hoa được thành lập”. Gần như đồng thuận với quan điểm của BNG TC, Ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (the International Strategic Studies Association) còn cho chuyến viếng thăm của họ Tập đánh dấu một bước thụt lùi của Hoa Kỳ trong khu vực và ngược lại Trung Cộng đang đạt được những thành quả chưa từng có kể từ những thành tựu của TT Nixon trong đầu thập niên 70 tại quốc gia Ả Rập này. Ả Rập Saudi là nơi có trữ lượng dầu mỏ và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cho nên quan hệ ngoại giao này ảnh hưởng không ít đến thị trường dầu thô và ảnh hưởng nhất định đến thị trường kinh tế thế giới và khu vực. Ả Rập Saudi cũng được xem là nước lãnh đạo liên minh các quốc gia theo đạo Hồi trong vùng, vì vậy quan hệ với Ả Rập Saudi ảnh hưởng không ít đến quan hệ với nhiều quốc gia trong khối Ả rập.

Việc mối quan hệ Ả Rập Saudi và Mỹ đi đến tình trạng căng thẳng, lạnh nhạt là cơ hội để Trung Cộng tìm cách xen vào chi phối và gây ra những căng thẳng mới trong khu vực. Nhìn vào lợi tức kinh tế, Ả Rập Saudi là quốc gia mua vũ khí của Hoa Kỳ nhiều nhất. Nếu trong tương lai các hợp đồng tương tự rơi vào tay TC sẽ dẫn đến một cục diện chính trị mới trong khu vực thay đổi cán cân quyền lực cũng như liên minh các cường quốc trên thế giới như liên minh Nga – Iran. Hiện nay, Ả Rập Saudi đang duy trì các mối quan hệ quốc phòng đa dạng để có các trang bị quân sự mới như máy bay không người lái và mới đây nhất là hệ thống tên lửa đạn đạo mua từ Trung Cộng. Họ cũng đang tái định vị lại vị thế quân sự như là một trung tâm đầu tư toàn cầu và theo đuổi mục tiêu gia tăng vũ trang quân sự đa dạng hơn ngoài vũ khí mua của Mỹ. Điều này khiến cho Mỹ có thể không được hưởng vai trò đặc quyền mà họ đã có tại thị trường Ả Rập Saudi trong bối cảnh thị trường này ngày càng mở rộng và đặc biệt là việc Trung Cộng đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Ả Rập.

Đài truyền hình Ả Rập Al-Ekhbariya, cho biết khoảng 20 hợp đồng trị giá khoảng 27,8 tỉ euro được ký kết trong ngày hội nghị thượng định 08/12. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Cộng cũng có thể được tham gia vào một số hợp đồng lớn trong nhiều dự án đang được khai triển tại Ả Rập Saudi, trong đó có dự án thành phố tương lai NEOM có tổng kinh phí lên đến 500 tỉ Mỹ kim. Trên bề mặt, đây là những dự án béo bở cho Trung Cộng đang khát nhiên liệu và đầu tư. Chính ông Tập Cận Bình đã hồ hởi đánh giá chuyến công du của ông sẽ “mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Trung Cộng và thế giới Ả Rập vùng Vịnh.” Bên Ả Rập Saudi cũng nhấn mạnh hai bên “sẽ tiếp tục đề cao nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ” của nhau. Hoàng tử Mohammed Ben Salman, người bị Mỹ chỉ trích đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, đã từng lên tiếng phản đối “mọi can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Cộng nhân danh bảo vệ nhân quyền”. Như chúng ta biết, vi phạm nhân quyền là điều mà chính quyền Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích cả hai nước Trung Cộng và Ả Rập Saudi trong nhiều năm qua. Đưa ra điều này cho thấy thỏa thuận của hai bên nhấn mạnh tránh những bất hòa do quan điểm khác biệt về chính trị, tôn giáo, vv. để đặt trọng tâm vào kinh tế và thương mại có lợi cho cả hai bất chấp các vi phạm về nhân quyền.

Trong ngày làm việc thứ hai của ông Tập Cận Bình, Quốc vương Salman và ông Tập đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, hãng thông tấn nhà nước Saudi Press Agency cho biết các công ty Ả Rập Saudi và Trung Cộng đã ký 34 thỏa thuận đầu tư vào nhiều mặt như năng lượng xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ mây điện toán (cloud computing), vận tải, hậu cần, công nghiệp, y tế, và xây dựng. Dù tổng trị giá không được công bố chính thức nhưng giới chuyên gia dự báo vào khoảng gần 30 tỉ Mỹ kim. Trước đó, bộ trưởng Năng Lượng Saudi khẳng định Riyadh luôn là đối tác năng lượng tin cậy của Bắc Kinh. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về các chuỗi cung ứng năng lượng thông qua việc lập một trung tâm cấp vùng tại Saudi cho các nhà máy Trung Cộng. Xem qua hai mặt quan trọng của những thỏa thuận song phương là năng lượng và quân sự để thấy tầm ảnh hưởng của quan hệ chiến lược này.

Như chúng ta biết, Trung Cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Saudi, với thương mại song phương trị giá 87.3 tỷ MK vào năm 2021. Xuất khẩu của Trung Cộng sang Ả Rập Saudi đạt 30.3 tỷ MK, trong khi nhập khẩu của Trung Cộng từ vương quốc này đạt tổng cộng 57 tỷ MK. Ngược lại, Ả Rập Saudi cũng là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Cộng, chiếm 18% tổng lượng dầu thô mua của Bắc Kinh, với tổng lượng nhập khẩu là 73.54 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2022, trị giá 55.5 tỷ MK (theo dữ liệu hải quan Trung Cộng). Công ty Hệ thống Điện tử và Truyền thông Saudi viết tắt là ACES đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Cộng để sản xuất kỹ thuật và hệ thống làm máy bay không người lái ở Saudi như báo tiếng Anh Arab News và Saudi Gazette đưa tin vào tháng Ba. Nói chung các thỏa thuận về kinh tế, thương mại là bước đầu cho các đầu tư khác của Trung Cộng trong lành vực kỹ thuật và xây dựng trong điều kiện kinh tế và y tế Trung Cộng đang gặp nhiều khó khăn tại là thắng lợi trước mắt của họ Tập tại hội nghị.

Mặc dù Ả Rập Saudi từ sau thế chiến II là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, nhưng mối quan hệ của Saudi với Trung Cộng đang được củng cố nhanh chóng. Mối quan hệ chủ yếu dựa trên năng lượng này dần trở thành một mối quan hệ phức tạp hơn liên quan đến việc mua bán trao đổi vũ khí, chuyển giao công nghệ quốc phòng và các dự án cơ sở hạ tầng. Thay đổi đó đã và đang được định hình trước người lãnh đạo mới của Saudi là Hoàng tử Salman, người thừa kế ngai vàng vào năm 2017 đang bị Tây Phương nghi ngờ khả năng lãnh đạo cũng như quan điểm về nhân quyền. Nhìn vào các trao đổi thương mại, Trung Cộng đã vượt Hoa Kỳ với tư cách là đối tác thương mại chính của Ả Rập Saudi nhiều năm trước trong lúc Saudi đang đi tìm thế độc lập, đa dạng. Hoàng tử Salman tăng nỗ lực đa dạng hóa các liên minh của Ả Rập Saudi, cố gắng vượt ra khỏi sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ với tư cách là quốc gia bảo đảm an ninh và nhà cung cấp vũ khí chính cho Saudi hơn 70 năm qua để hy vọng tạo ra một con đường phát triển độc lập hơn. Ngoài ra, các quan chức, học giả và doanh nhân ở Ả Rập Saudi và khối Trung Đông đang có khuynh hướng cho là Hoa Kỳ, bây giờ độc lập hơn về năng lượng, đã không quan tâm đến khu vực như trước kia như việc Hoa Kỳ đột ngột rút khỏi A Phú Hãn gần đây, biến cố 9/11, rồi quan hệ của Hoa Kỳ và Iran (được xem như kẻ thù chính của Saudi bên cạnh Do thái) dưới thời Obama, và những chỉ trích gần đây của TT Biden với chính quyền Riyahd. Người đang thủ lợi cho mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Saudi này là Trung Cộng, tuy nhiên nhìn vào mối quan hệ lâu dài và những đầu tư cũng như ký kết quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi trong nhiều năm qua, Trung Cộng sẽ còn phải đi một bước khá dài để có thể cho là thay thế Hoa Kỳ trở thành một đồng minh chiến lược thực sự với Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng có nhiều lý do để lo ngại và buộc tìm cách cải thiện quan hệ với nhà nước Ả Rập Saudi. Từ biến cố 9/11 chúng ta thấy đa số các tay khủng bố đến từ Saudi và một phần nào đó đã quy kết trách nhiệm cho Hoa Kỳ về sự hình thành và duy trì nhà nước độc tài này. Vì vậy, Hoa Kỳ buộc phải đo lường và chọn lựa giữa quyền lợi kinh tế và lý tưởng tự do, tôn trọng nhân quyền. Trong khi, Trung Cộng chỉ quan tâm đến ổn định và an ninh địa chiến lược vì chúng là đòn bẩy cho các lợi ích kinh tế đang rất cần của Bắc Kinh. Trung Cộng xem ra không chủ trương thay đổi hiện trạng, mà chỉ đầu tư vào hệ thống an ninh, kinh tế khu vực đã do Hoa Kỳ xây dựng và làm chủ. Trung Cộng có thể kiểm soát nguồn dầu thô mua từ khối Ả Rập, nhưng không bảo đảm các chuyến hàng dầu thô đến các cảng của Trung Cộng an toàn nếu xảy ra xung đột trong khu vực. Các tuyến đường vận chuyển hàng hải vùng Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương vẫn do quân đội Hoa Kỳ thống trị. Cho nên khó có thể xem các thỏa thuận kinh tế đang được phô trương mang tầm chiến lược. Ả Rập Saudi còn lệ thuộc nhiều vào Mỹ nhất là mặt an ninh quân sự. Mặc dù khối Trung đông đang còn lưỡng lự với các món hàng kỹ thuật giá rẻ của Trung Cộng, Hoa Kỳ cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của những hợp tác giữa Trung Cộng và 6 nước vùng vịnh trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và ngoại giao. Trên đường dài các hợp tác này sẽ dần trở thành tiềm năng chiến lược giá trị cho Trung Cộng.

Ngoài năng lượng, hai nước Trung Cộng và Ả Rập Saudi xem ra dần thắt chặt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng sáng kiến Một vành đai Một con đường, với những điều kiện ưu đãi từ khối Ả Rập nhờ không chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Saudi như các nước Phương Tây. Ngược lại, Ả Rập Saudi cũng đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc thế giới, trong đó có Trung Cộng, phục vụ cho chính sách “Ả Rập Saudi trước tiên” của Riyadh. Ngoài các lợi ích kinh tế, Saudi phải đối mặt với những bất cập về kinh tế và chiến lược khi tăng cấp quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Cộng.

Cách hành xử của hoàng tử Salman như chúng ta đề cập ở trên nhằm gắn bó thêm mối quan hệ với các quốc gia như Trung Cộng, Nga và Nam Hàn một phần được thúc đẩy bởi mong muốn đổi hướng để thành một cường quốc theo đúng nghĩa của nó, thay vì đi tìm một quan hệ khác thay thế Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, cuộc tiếp rước trọng thể ông Tập là một tín hiệu đối với người dân trong nước và khu vực cũng như đối với Hoa Kỳ. Nhiều nhà chức trách vùng Vịnh đang chuẩn bị cho một thế giới đa cực đang nổi lên mà các quốc gia khác trong đó có Trung Cộng đang đóng vai trò quan trọng hơn. Thêm nữa, Hoàng tử Salman muốn đa dạng hóa kinh tế của vương quốc phụ thuộc vào dầu mỏ như phát triển chương trình hạt nhân dân sự và xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng địa phương vững mạnh. Giới lãnh đạo Ả Rập Saudi đang đặt tin tưởng vào công nghệ từ Trung Cộng là chìa khóa cho những mục tiêu canh tân đó và các chuyên gia Ả Rập thường so sánh chuyển đổi kinh tế của vương quốc này với Trung Cộng những thập kỷ trước, nhưng chiếc chìa khóa này qua kinh nghiệm các nước có liên hệ với Trung Cộng chưa chứng tỏ là một chọn lựa vạn năng, Saudi hiểu rõ điều này.

Thêm một lo ngại ngắn hạn từ phía Saudi giải nghĩa động cơ việc tăng cường quan hệ năng lượng với Trung Cộng, là vì Ả Rập Saudi lo sợ mất thị phần từ Trung Cộng khi đối mặt với cơn sóng giảm giá dầu thô từ Nga và Iran. Mục tiêu của họ là làm sao bảo đảm Trung Cộng vẫn là khách hàng trung thành ngay cả khi các đối thủ cung cấp dầu thô khác đưa ra giá rẻ hơn họ. Đây là lý do Salman trải thảm đỏ đón họ Tập với các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ vi tính, quốc phòng, vv. hy vọng giữ chân Trung Cộng là khách hàng dầu thô lớn nhất.

Ngoài ra Ả Rập Saudi đang tung một món lợi chiến lược khác để nhử Bắc Kinh và nếu chuyện này thật sự xảy ra thì rất đáng lo ngại. Theo một nguồn tin của Báo Wall Street, Riyadh đàm phán với Bắc Kinh để bán dầu và nhận lại bằng đồng nhân dân tệ, thay vì Mỹ Kim. Đây là thỏa thuận nhắm câu tham vọng của Bắc Kinh mong mở rộng ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ trên toàn cầu. Nếu thực hiện, việc trao đổi này sẽ gây tổn hại đến thỏa thuận lâu dài giữa Ả Rập Saudi và Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ đã yêu cầu Ả Rập Saudi chỉ bán dầu của mình bằng Mỹ Kim và giữ một phần dự trữ trong Ngân khố Hoa Kỳ. Tất cả để được Hoa Kỳ bảo đảm an ninh. “Hệ thống đồng Mỹ Kim dầu mỏ” này đã giúp duy trì vị thế của đồng Mỹ kim với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu hàng đầu và là phương tiện mua bán dầu thô, khí đốt và các hàng hóa khác. Mặc dù Bắc Kinh và Riyadh chưa bao giờ xác nhận có cuộc đàm phán về tiền tệ như báo Wall Street lên tiếng, nhưng các nhà phân tích cho rằng hai bên có thể sẽ bàn đến thỏa thuận này. Nếu việc này xảy ra, rạn nứt giữa Hoa Thịnh Đốn và Riyahd sẽ trầm trọng hơn và Bắc Kinh thật sự đạt được thành tựu chiến lược tại Ả Rập Saudi, nhưng thay thế Mỹ kim không phải việc dễ dàng và nhanh chóng.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chiến lược mới của Hoa Kỳ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương

Do Van Tien

VNTB – Thư số 135: gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Làm thế nào để buộc Bắc Kinh nhận trách nhiệm về đại dịch virus corona

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 06.01.2023 4:22 at 04:22

Không sao . Nếu Trung Cộng thay thế Mỹ ở Việt Cộng thì Trung Cộng đã có được 2/3 thế giới rôi

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo