VNTB – Trung Quốc dự định lập khu ADIZ tại biển Đông

Võ Long Triều


Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hoa Xuân Oánh tuyên bố ngày 8-5-2015 nguyên văn như sau : “Trung Quốc có quyền lập ADIZ, quyết định về việc nầy tùy thuộc vào hiện trạng an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và bị đe dọa tới mức nào”. ADIZ là chữ tắt của Air Defence Identification Zone nghĩa là vùng nhận dạng phòng không buộc các phi cơ bay ngang vùng phải thông báo và tuân theo lệnh kiểm soát của Trung Quốc.

Hai chữ “tùy thuộc” của ông Hoa Xuân Oánh là một quả bóng dò đường, xem phản ứng của thế giới như thế nào. Đó là thủ thuật của Trung Quốc, từ từ lấn bước kiểu tằm ăn lên, từ khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên ‘đường chín đoạn” hay cái “lưởi bò” liếm trọn 80% vùng biển Đông. Kiểm điểm lại thủ thuật và hảnh động lấn bước của Trung Quốc người ta nhìn lại quá khứ. Thoạt đầu Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Garma của Việt Nam 1988,  các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và các cường quốc trên thế giới im hơi, xem đó là chuyện nội bộ của Trung Quốc-Việt Nam.

Thời gian ngắn sau đó, Bắc Kinh đụng chìm ngư thuyền Việt Nam, cấm đánh bắt cá trong vùng, kể cả đối với ngư phủ Philippines. Rồi ngang nhiên ra lệnh cấm đánh bắt kể từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 01 tháng 8 năm 2012, bao trùm các khu vực từ vĩ tuyến 12 ngược lên phía Bắc. Lệnh cấm  có giá trị đối với mọi quốc gia. Các cường quốc trên thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ, phê bình lấy lệ và tuyên bố không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Được nước, Bắc Kinh ngang ngược hơn, cắt dây cáp hai tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, Bình Minh và Viking II, rồi lại kéo giàn khoan HD 981 của mình đặt trong vùng tranh chấp Hoàng Sa. Thế giới chỉ trích mạnh mẻ, Bắc Kinh xuống nước, chờ cho mọi chuyện lắng diệu. Ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc công bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ bao trùm biển Đông và cả khu tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Đại Hàn. Các quốc gia Châu Á lo ngại, thế giới xôn xao nghi ngờ hành động gai cấn nầy phương hại đến an ninh và hòa bình trong vùng. Dư luận đặt nhiều dấu hỏi. Rốt cuộc Mỹ cũng khuyên các phi cơ dân sự của mình nên thông báo khi bay qua vùng phòng không để tránh mọi đụng chạm có thể gây tai họa lớn.

Đo lường được thế mạnh của mình, Trung Quốc ra công bồi đắp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa biến thành những hòn đảo nhỏ và đặt cơ sở quân sự có bến cảng và sân bay. Theo báo cáo của bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã bồi đắp “với tốc độ nhanh và quy mô lớn” các bãi đá thành đảo nhỏ, tổng cộng hơn 800 mẩu tây tại Trường Sa. Những bãi đá thuộc chủ quyền của các nước khác, nay Bắc Kinh nhận của mình vì chính họ bồi đắp. Riêng Tại bãi đá Chữ Thập, sân bay và hải cảng quân sự được thành lập vững chắc cùng với các hệ thống truyền tin đầy đủ, khiến dư luận thế giới tiên đoán rồi đây khi kiện toàn mọi hệ thống kiểm soát, Trung quốc có thể tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ. Điều mà chính phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh công bố ngày 8-5-2015 vừa qua.

Thế giới lo ngại, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn, đe dọa an ninh hòa bình thế giới. Ngoại trưởng Úc Châu, bà Julie Bishop tuyên bố “Trung Quốc không nên thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại biển Đông”. Bà Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh, “Các nước Đông Nam Á hết sức lo ngại” trước dự định của Bắc Kinh.

Nhiều phản ứng khắp nơi khiến bộ Ngoại giao Trung Quốc tạm thời xuống nước. Ngày 8-5, phát ngôn viên của bộ lên tiếng bác bỏ tin tức cho rằng Bắc Kinh dự định lập vùng ADIZ ở biển Đông. Dù bác bỏ nhưng bộ Ngoại giao vẫn khẳng định Bắc Kinh có quyền làm như vậy nếu cần. Một sự phản ứng phân hai, một là để làm giảm bớt những sự chỉ trích phê bình quyết liệt đang xôn xao trên trường quốc tế, hai là vẫn mở ngỏ sẽ hành động theo dự tính của mình nếu cần. Sư nhún nhường giả tạo của Bắc Kinh còn thể hiện qua lời đề nghị Hoa Kỳ được quyền sử dụng sân bay hải cảng tại Trường Sa, Hoàng Sa với mục đích cứu nạn khi cần. Dĩ nhiên Hoa Kỳ lập tức từ chối, biết rằng nếu thuận là công khai nhìn nhận hành động phi pháp của Bắc Kinh.

Giáo sư Richard Heydarian, người Philippines và là chuyên gia về biển Đông, cho rằng “cái sườn” của vùng phòng không đã được thiết lập dựa trên các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc. Ông nhận xét đúng, chắc rồi đây Trung Quốc sẽ công khai tuyên bố lập khu ADIZ tại biển Đông, vấn đề chỉ là thời gian chờ xem phản ứng lơ là hay quyết liệt của Hoa Kỳ và đồng minh. Trong khi nhiều biến cố đang trói tay Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu như, giặc khủng bố của Hồi giáo IS, quân ly khai của Ukraine được Nga ủng hộ, các vấn đề Iran, Iraq, Israel, Afganistan, Syria chưa cho phép Hoa Kỳ thực hiện chính sách xoay trục về Á Châu. Riêng nhật, Úc, Ấn Độ dù có liên minh cũng chưa sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc. Thực tế Bắc Kinh có thể một mình múa gậy vườn hoan tại vùng Châu Á.

Cho dù mới đây Lầu Năm Góc có loan báo, “đang xem xét phương án gởi chiến đấu cơ và chiến hạm của Mỹ đến vùng biển Đông để bảo đảm quyền tư do lưu thông hàng hải”, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc bồi đấp các đảo đang tranh chấp. Thật ra chỉ là một sự lên tiếng cầm chừng của Mỹ, hay là một sự thấu cấy suông, bởi vì nếu làm thật Lầu Năm Góc không cần lót hay chữ “xem xét”. Cũng như tháng 11 năm 2013 Trung Quốc tuyên bố lập khu ADIZ, Hoa Kỳ liền cho hai chiếc B52 bay qua mà không cần thông báo, rồi cũng thôi, đâu vào đó. Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tiến từng bước theo đúng thủ thuật của mình.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, Việt Nam chỉ hô hào gượng gạo để làm giảm bớt tinh thần chống Trung Quốc xâm lăng, kỳ thật Hà Nội đã ngả vào tay Bắc Kinh từ lâu. Đài Loan có chiều hướng sẽ tái nhập với Lục Địa, còn lại Philippines, Brunei, Malaysia không đáng kể so với chủ trương bành trướng bằng vũ lực của Bắc Kinh. Do đó cái lưỡi bò của Trung Quốc sẽ liếm trọn biển Đông dù phải chờ đợi thời gian để gậm nhấm từng phần, dù phải giả dại qua ải, để tránh sự can thiệp trực tiếp của các cường quốc Tây phương.

Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ thực hiện giấc mơ Trung Quốc, ông đang cũng cố nội bộ, thắt chặt quyền hành, ung đúc chủ nghĩa dân tộc, kích thích lòng dân, cho đến khi Bắc Kinh trở thành cường quốc manh nhứt về kinh tế và quân sự, chừng đó sẽ có một sự áp đặt trật tự thế giới mới của kẻ mạnh. Sẽ có một loại “sen đầm quốc tế” theo kiểu Hoa Kỳ hành sử giữa thế kỷ XX. Chừng đó các cường quốc không cùng phe với Trung Quốc sẽ nhồi nắn thành một liên minh đối trọng với Bắc Kinh. Giống như hai phe cộng sản và tư bản đối chọi nhau thời chiến tranh lạnh từ sau đệ nhị thế chiến đến hết thế kỷ XX. Cũng có lúc thế giới run sợ chiến tranh lạnh có thể trở thành nóng, như vụ Nikita Kroutchev chuyển hỏa tiển sang Cuba, hay vụ chiến tranh trên các vì sao.

Trong tương lai hai khối Trung Quốc và Tây phương kình chống nhau trên biển Đông và Thái Bình Dương, nếu không may có nổ súng cục bộ, vì một bên hà hiếp quá đáng, vì mất hòa khí, hay vì bất cẩn xẩy ra tai nạn, tất cả đều có thể gây ra thế chiến thứ ba. Chừng đó các quốc gia sẽ tự ủy diệt đất nước và môi trường sống của mình bằng những vũ khí nguyên tử của nhiều nước đang chất đầy kho. Mong rằng các nhà lãnh đạo thế giới không vì tranh giành quyền lợi vật chất quá đáng, không vì tranh mạnh yếu hơn thua, mà vô tình thiêu đốt dân tộc mình đồng thời ủy diệt đất nước mình đang sống.  

California May 13-2015    
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)