Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trung Quốc lật kèo: xả lũ ngập bắc bộ

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Hứa là không xả lũ các đập đầu nguồn sông Hồng, nhưng Trung Quốc lại xả lũ đập đầu nguồn sông Lô, một phụ lưu của sông Hồng.

 

Ba ngày sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, mưa lớn khắp miền bắc và lũ quét, sạt lở khắp nơi. Việt Nam liên tục xả lũ các đập thủy điện để bảo vệ đập Thụy Điển. Hầu như các đập đầu nguồn phía bắc đều đã mở hết công suất để xả lũ. Nếu các đập phía Trung Quốc cũng mở cửa xả lũ thì Việt Nam sẽ chịu cảnh lũ chồng lũ.

Chính vì vậy, ngày 9/9, nhà nước Việt Nam đã có công hàm đề nghị phía Trung Quốc đóng cửa xả tại các đập thượng nguồn để giúp hạ nguồn giảm thiểu rủi ro. Ngày 10/9, Trung Quốc đã trả lời chắc chắn sẽ không xả lũ ở hai nhà máy thủy điện đầu nguồn sông Hồng. Các nhà máy thủy điện này đã dừng vận hành để ngăn lũ, tích nước. (1)

Vậy nhưng,  tin vào Trung Quốc thì khác nào giao trứng cho ác. Mà đúng là giao trứng cho ác thật. Hứa không xả đập sông Hồng, Trung Quốc cho xả đập sông Lô. Chiều ngày 11/9, Trung Quốc bất ngờ thông báo sẽ xả lũ đập thuỷ điện Ma Lù Thàng (Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam). Khối lượng xả tối đa là 250m3/giây. Nên nhớ, sông Lô là một phụ lưu tả ngạn của sông Hồng. Vậy thì lời hứa không xả đập sông Hồng coi như chẳng có giá trị gì.

Khá bất ngờ trước quyết định xả lũ của Trung Quốc, phía Việt Nam đã lập tức liên hệ và được Trung Quốc giảm từ 250m3/giây xuống còn 200m3/giây và lùi thời gian xả từ 15h xuống 16h30 ngày 11/9. 

Lỡ nhịn rồi thì đành phải chịu nhục vậy, các bài báo về việc Trung Quốc xả đập sông Lô trưa ngày 11/9 đều bị xóa gấp để không mất lòng “bạn tốt 16 chữ vàng”. Tới chiều ngày 11/9, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn phải đăng đàn giải thích là “Trung Quốc xả lũ thủy điện không tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, “Trung Quốc cũng đã có văn bản thông báo cho phía Việt Nam từ sớm để lên các phương án chuẩn bị. Lưu lượng xả cũng nhỏ, nên có tác động, nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn tới lũ hạ du Việt Nam”. (2)

Cần lưu ý rằng lý do Trung Quốc xả lũ là vì hiện nay mực nước tại các đập đầu nguồn đang rất cao, có nguy cơ vỡ đập. Có nghĩa là áp lực nước lên đập đầu nguồn đang rất lớn mới phải xả lũ khẩn cấp. Cho nên nói Trung Quốc xả đập không gây ảnh hưởng lớn tới Việt Nam là nói dối, chỉ là trấn an dư luận.

Nhưng nếu tìm cách mị dân, trấn an dư luận kiểu này thì không thể giải quyết được tình hình, thậm chí còn tạo tâm lý ỷ lại, nguy cơ thiệt hại còn nặng nề hơn. Việc xả lũ từ đầu nguồn phía Trung Quốc sẽ tạo hiệu ứng domino. Chỉ tính riêng sông Lô ở phía Việt Nam đã có 8 nhà máy thủy điện được xây dựng theo dạng bậc thang dọc theo con sông. Nếu đầu nguồn Trung Quốc xả đập thì các đập phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực rất lớn và buộc phải xả theo. 

Chưa kể hai phụ lưu lớn của sông Lô là sông Chảy và sông Gâm cũng có nhiều đập thủy điện. Cho nên áp lực dòng chảy sẽ rất mạnh và nguy cơ xảy ra thảm họa là rất lớn. Trên thực tế là tối ngày 10/9, đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã bị vỡ 10 mét. Tại thời điểm viết bài thì vẫn chưa thể đắp lại. Hiện tại vẫn tiếp tục có mưa và việc phục hồi nguyên hiện trạng đê sông Lô này sẽ không thể nhanh chóng trong thời gian trước mắt.

Với áp lực xả lũ này thì nếu chỉ vá víu là chắc chắn không thể nào an toàn được. Cách tốt nhất là phải cập nhật tin tức nhanh và chính xác, phải nói sự thật để dân chuẩn bị tâm lý. Việc lấp liếm để không mích lòng với Trung Quốc thì chỉ là hại dân hại nước, và càng tăng thêm nguy hiểm nếu các đập ở hạ lưu không có phương án phù hợp với thực tế.

 

____________________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/de-nghi-trung-quoc-phoi-hop-khong-xa-lu-thuy-dien-thuong-nguon-song-hong-20240910161820933.htm

(2) https://vtv.vn/xa-hoi/trung-quoc-tien-hanh-xa-lu-thuy-dien-toi-song-lo-20240911123059433.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Day mặt đặt tên Siêu Vi Trung Cộng.

Phan Thanh Hung

VNTB – Kinh tế có thể vượt qua cơn bão Covid-19?

Phan Thanh Hung

VNTB – Vạn lý trường “làng” của Trung Quốc

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo