Việt Nam Thời Báo

VNTB- Trung tâm bảo trợ xã hội hay nơi giam giữ để trả thù?

J.B Nguyễn Hữu Vinh


(VNTB) – Tôi cùng mọi người ra về mà cứ nghĩ mãi một điều: Liệu đây đã là trò hèn hạ cuối cùng để đối phó với những con người yêu nước hay chưa?
Images intégrées 1
Một bà cụ bị bắt giam bởi tội ‘đi lang thang’
Bắt vì tội yêu nước?

Ngày 3/6/2016, cụ Tạ Trí Hải, nghệ sĩ đường phố bất ngờ bị bắt vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 – Hà Nội.

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải

Có thể nói rằng việc nhiều người yêu nước, đi biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình bảo vệ môi trường sống, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa và cuộc chiến Biên giới phía Bắc dưới bom đạn kẻ thù dân tộc là bọn bành trướng bá quyền Trung Cộng bị nhà cầm quyền Việt Nam đưa vào trại “phục hồi nhân phẩm”, vào đồn Công an, đánh đập, làm khó dễ… là chuyện không hiếm. Khi một nhà nước đã cam tâm kết bạn vàng với kẻ thù của đất nước thì chuyện bắt bớ trấn áp công dân yêu nước là bình thường.

Thế nhưng, việc bắt một người yêu nước, thường tham gia các cuộc tuần hành và tưởng niệm những người hy sinh vì Tổ Quốc vào cái gọi là Trung Tâm bảo trợ xã hội” là điều mà nhiều người dù đầu óc tưởng tượng phong phú mấy cũng không thể nghĩ tới.

Việc nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải bị bắt và nhốt vào Trung tâm Bảo trợ số 1 (TTBTXH) Hà Nội, đã được các facebooker đưa dồn dập trên các trang mạng Internet mấy ngày qua. Không chỉ thế, khi người ta vào tìm cụ Tạ Trí Hải, người ta còn biết được một số trường hợp khác đang đi làm ăn bình thường, đi đòi công lý… đã cũng bị bắt, bị nhốt vào đó trái với nguyện vọng của bản thân họ cũng như gia đình.

Những thông tin đó đã kéo dư luận chú ý vào một cơ sở tưởng là nhân đạo, phục vụ xã hội mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhưng có nhiều khuất tất cần bàn và xã hội cần biết.
Tìm các thông tin trên mạng, người ta thấy hiện lên cái TTBTXH này với những vấn đề được báo chí nhắc đến mà người dân không khỏi phải cảnh giác. Đó là chuyện cách đây hơn 1 năm,ba người đàn ông bỗng dưng bắt cóc hai trẻ em đi trên phố với bố các cháu lên ô tô giữa ban ngày gây hoảng hốt và xôn xao dư luận. Điều tra ra mới biết, đó là ba nhân viên của TTBTXH này đi “thu gom” người về nhốt. Người ta không hiểu lý do vì sao các nhân viên TTBTXH này hành động nhiệt tình như bọn bắt cóc tống tiền vậy? – chắc là cho đủ chỉ tiêu? Mãi sau mới rõ khi người tra đọc được cái quyết định về kinh phí “thu gom” cho mỗi trường hợp cả tiền bắt và tiền xăng là khoảng 600.000 đồng. Phải chăng, đây là nguyên nhân?

Theo dự án về TTBTXH, ở đó người được thu gom về được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, được học nghề… Tuy nhiên, nhìn vào những hình ảnh nơi học nghề của TTBTXH số 1 Hà Nội, người ta biết nó hoạt đông ra sao.

Đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội

Cụ Tạ Trí Hải bị bắt nhốt tại Trung tâm mấy ngày, thì anh em, bạn bè và người thân mới biết nơi cụ ở và sang đòi để đưa cụ về. Cụ về với bà con nhưng TTBTXH vẫn giữ tài sản của cụ chưa chịu trả. Số tiền ky cóp và dụng cụ âm nhạc của cụ vẫn bị giữ, vậy là cụ hết đường sống.

Anh em đưa cụ sang lấy lại tài sản vào sáng 8/6/2016. Thế là cụ bị giữ lại đó luôn.

Chiều 8/6/2016 tôi đến Trung tâm Bảo trợ số 1 Hà Nội tại thông Đồng Dầu, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách nội thành Hà Nội khoảng hơn ba chục km.

Cơ sở này nằm trong ngõ của một con đường nhỏ, tấm biển chỉ vào Trung tâm bị lá cây che khuất từ lâu. Đầu ngõ là một cơ sở chế biến gỗ, một tấm bảng nhỏ chỉ đường vào Trung Tâm.

Khi chúng tôi đến đây, một số người là bạn bè, người thân quen của cụ Tạ Trí Hải đã đến đây từ sáng để đưa cụ đến nhận lại tài sản. Thế nhưng, cán bộ trại “mời” cụ vào trại hát một bài giao lưu với trại viên để chia tay rồi nhận tài sản về.

Tưởng các cán bộ nói thật, mấy người bà con để cụ vào trong đó.

Thế rồi cụ bị  giữ lại luôn không cho ra nữa.

Thế rồi công an xã được lệnh tập trung đông đúc tại TTBTXH này.

Thế rồi xe công an Thành phố, An ninh xuống dày đặc, xe cộ chạy đến liên miên vào ra trung tâm.

Thế rồi Trung tâm bận họp và bàn.

Và anh em cứ ngồi ngoài chờ đợi.

Khi tôi đến, một số anh em, bà con đang đứng ở ngoài, phía trong một người đang ngồi chờ giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Lưu hẹn nói chuyện. Cậu bảo vệ TT mở cửa cho tôi vào, đập vào mắt người đến đây là tấm biển: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cậu bảo vệ bắt chuyện với tôi:

– Bọn cháu chỉ trực đây thôi, còn chú nếu muốn làm việc thì gọi Giám đốc TT chứ bọn cháu chẳng biết chuyện gì.

Hỏi anh bạn trẻ bảo vệ tình hình ở đây, anh cho biết: Trung tâm này được lập ra từ lâu, có khoảng 50 nhân viên, còn “đối tượng” thì cũng khoảng 50 người, lương của anh bạn chỉ 3 triệu/tháng làm giờ hành chính, cũng may mà chưa có vợ con. Ở đây chỉ là nơi đầu vào cung cấp các trại viên cho các nơi khác thôi, đối tượng được thu gom về đây phân loại rồi đưa về các nơi.

Tôi gọi điện thoại cho Giám đốc TT, ông Lưu cho biết đang họp  hẹn khoảng 15-20 phút nữa mới họp xong thì sẽ gặp.

Tôi ngồi ở hàng ghế đá gần cửa vào, lượt web, chợt nhìn thấy một vài ô tô chay vào, và nhiều khuôn mặt an ninh quen thuộc ở Bờ Hồ, ở các cuộc biểu tình chống Tàu, tưởng niệm… xuất hiện. Bên ngoài, các anh chị em đứng chờ vẻ sốt ruột. Một vài chú an ninh ra vào phòng bảo vệ. Bỗng chú bảo vệ trẻ mang cái biển Cấm quay phim, chụp ảnh ra đặt cạnh lối đi.

Một cậu mang áo công an xã đến quát:

– Anh chụp ảnh phải không? Anh không được chụp ảnh!

– Này, cậu ăn nói cẩn thận, cậu biết tớ đang làm gì không? Mà chụp ảnh thì sao?

– Ở đây có biển cấm.

Tôi thừa biết ai đã mớm cho cậu này câu đó, nhưng cãi nhau với cậu ấy chỉ thêm mất thời gian. Một chú mang thường phục vừa đứng trao đổi với mấy cậu an ninh, giọng chú ấy đầy vẻ uy lực và mưu kế: “Có gì đâu đám này, tôi cho mấy thằng côn đồ nó đập bỏ mẹ nó đi là biết thằng nào mà điều tra”. Chừng như thấy cậu công an xã quá hỗn và lố trước tôi, chú này đi đến: “Mời anh vào nhà kia uống nước”. Ừ, thì vào.

Chú giới thiệu mình là Phó công an xã, đang ngồi uống rượu thì thấy gọi chạy vào đây. Tôi bảo: “Lẽ ra chú đi làm, thì phải mặc quần áo công an vào”. Chú bảo ngay: “Không cần đâu anh, ở đây là xã mà chứ có phải phường đâu, xã cử dân bầu mà anh. Có điều em hô một tiếng thì lũ đàn em là nó làm đám ngoài kia ngay, đập rồi chạy làm sao điều tra được”. Tôi chỉ cười: “Làm gì, thì cũng phải theo luật pháp mới ổn, chú ạ”. Chú ta đồng tình: “Em thích tính anh rồi đấy, cũng thẳng thắn như em”.

Cơn mưa đột ngột đổ xuống rồi tạnh khá nhanh, tôi đang ngồi phòng bên với chú Phó Công an xã thì ông Giám đốc Lưu xuống ngồi bên cạnh và anh ta bảo tôi sang nói chuyện. Một người thân của cụ Tạ Trí Hải đã ngồi đó và anh ta đang nói chuyện. Tôi có ý kiến:

– Thưa anh, xin anh cho biết chức năng của Trung tâm này là gì? Những đối tượng nào thì được vào đây?

– Chức năng của Trung tâm này là nơi Bảo trợ xã hội, ở đây gom các đối tượng như ăn xin, vô gia cư, trẻ em bị bỏ rơi… về tập trung nuôi dưỡng thời gian đầu rồi sau đó phân loại đưa đi các trại hoặc trả về địa phương theo Quyết định số 90 của Ủy ban Thành phố.

– Tôi vừa đi vắng về, nghe tin cụ Tạ Trí Hải bị bắt vào đây mà tôi không rõ lý do. Cụ ấy là người thân của chúng tôi, nên chúng tôi đến hỏi lý do vì sao mà cụ ấy lại bị bắt vào đây?

– Chúng tôi đã làm việc với công an Phường Hàng Bạc, và họ có nói là có chứng cứ về việc ông Hải thuộc đối tượng ăn xin lang thang.

– Anh có thể cho chúng tôi xem những chứng cứ mà công an đưa ra bảo cụ Hải là người ăn xin lang thang không?

– Chứng cứ chúng tôi chỉ cung cấp cho cấp trên mà thôi.

– Chúng tôi là người thân, chúng tôi khẳng định cụ Tạ Trí Hải là một nghệ sĩ đường phố, cụ có giấy tờ tùy thân đầy  đủ, có nhà cửa ở Sài Gòn hẳn hoi, cụ ra đây theo nghề nghiệp của cụ đòi hỏi. Ra đây cụ có chỗ ở, tự sống không cần ai trợ giúp, cụ không hề bị tâm thần hoặc bất cứ điều gì? Ai đề nghị hoặc đưa cụ ấy về đây giao cho các anh và giao cho các anh với lý do gì? Nếu không thuộc đối tượng của Trung tâm các anh, đề nghị anh đưa cụ ra đây để về với chúng tôi.

– Cái này bên Công an  đưa sang và giờ đối tượng này không thuộc thẩm quyền của tôi mà là cấp trên.

– Anh cho biết cấp trên của anh là ai? Còn anh, anh là Giám đốc Trung tâm, anh phải chịu trách nhiệm về những việc anh làm, cụ thể là việc giữ người trái luật pháp.

– Thì chúng tôi vừa họp với bên Công an Thành phố và các cơ quan. Trường hợp này công an đưa về đây.

– Anh phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và những cơ sở pháp luật để làm việc, chứ không thể nói là do cấp trên là xong. Cấp trên mà ra lệnh không đúng pháp luật quy định, anh có quyền không chấp hành. Anh có biết cấp trên thế nào không? Đến Đại tá Dương Tự Trọng, nguyên PGĐ Công an Hải Phòng, Cục phó cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội còn phải ra tòa vì vi phạm pháp luật đấy. Đến Thứ trưởng bộ Công an Phạm Quý Ngọ còn bị tố cáo nhận hối lộ cả triệu đola phải khởi tố ngay tại tòa đấy. Vậy dù là cấp nào, thì anh vẫn phải căn cứ vào pháp luật mà làm việc chứ.

– Nhưng thôi, tôi cũng đã nói chuyện với anh đây từ sáng. Trường hợp này, muốn đưa về thì có cách là người nhà đứng ra bảo lãnh để ông ấy được ra.

– Tại sao lại bảo lãnh? Tôi chưa thấy một ai lại làm cái trò bắt một người bình thường, không có tội tình gì, không ăn bám ai, không bị bệnh tật mất khả năng dân sự bình thường vào mộ cái trại rồi bắt người nhà, con cháu đến bảo lãnh là sao? Tôi hỏi anh, nếu một ca sĩ nào đó ra bờ hồ ngắm cảnh, hát một bài mệt quá ngồi tựa lưng nghế đá nghỉ ngơi, anh cũng có thể cho chụp ảnh rồi đưa vào đây giam giữ bắt con cháu đến bảo lãnh à?

– Nhưng, công an bảo có chứng cứ đây là đối tượng lang thang ăn xin.

– Ai bảo anh là Cụ Tạ Trí Hải ăn xin? Mà ăn xin thì có tội gì? Có luật nào cấm ăn xin không? Xin nói với anh, là nếu có luật cấm ăn xin, thì có lẽ đảng và nhà nước này phải bị bắt đầu tiên. Mỗi năm Việt Nam nhận hơn 5.000 tỷ đồng tiền viện trợ, đó là gì? Ông Thủ tướng Phan Văn Khải gặp BillGate nói rằng: chúng tôi cũng có yêu cầu thứ hai là ông và gia đình ông làm từ thiện nổi tiếng trên thế giới, nên cũng mong rằng ông đi để ông thấy chúng tôi cũng là một đất nước đáng cho ông giúp đỡ từ thiện. Vậy đó có phải là đi ăn xin không? Sao không đưa vào đây nhốt đi rồi bắt bảo lãnh?

– Thôi, bây giờ tranh cãi thì cũng mất thời gian, đơn giản nhất là như tôi đã nói với anh đây, anh làm cái giấy bảo lãnh rồi xác nhận của chính quyền địa phương và đưa sang đây sớm để chúng tôi giao ông ấy về.

– Tại sao lại phải có chứng nhận của chính quyền địa phương? Đây là công dân hẳn hoi, có chứng minh nhân dân, có đầy đủ tư cách công dân vậy sao còn phải ai chứng nhận cái gì nữa?

Một cậu trẻ hơn, được giới thiệu là Quảng, phó  giám đốc nói chen vào:

– Phải có xác nhận chứ, bây giờ giấy tờ giả đầy ra không xác nhận sao biết được?

– Việc giấy tờ giả hay thật, là việc của công an. Chúng tôi chỉ biết có giấy, do công an cấp là được. Nếu nói như chú, thì sau khi có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, thì cần có cấp nào xác nhận rằng cái giấy xác nhận đó không phải là giấy giả? Và lúc nãy, công an đến đây cả bầy, chú có kiểm tra xem giấy tờ nào là giả hay thật không?

Ông Lưu, phó Giám đốc chen vào:

– Giấy Chứng minh nhân dân cũng cần có xác nhận của địa phuong chứ.

– Theo anh việc gì bây giờ là quan trọng  nhất? Có phải việc khó nhất, quan trọng và cẩn thận nhất là lấy tiền ra khỏi ngân hàng nhà nước không?

– Đúng rồi.

– Vậy mà khi vào rút hàng tỷ đồng, người ta cũng chỉ cần chứng minh nhân dân mà không cần qua phường nào xác nhận. Vậy tại sao ở đây các anh lại bày trò ra thế?

– Thì lâu dài tiến bộ hơn thì đúng như anh nói, nhưng giờ thì đây là quy định, nên anh đây về làm và sang đưa chúng tôi để đón cụ về sớm nhé.

Tôi chán ngán đứng dậy, vì biết có nói nữa cũng vô ích. Tôi giục anh bạn kia đi về. Một người khác đang hướng dẫn anh ta về việc làm đơn. Tôi bước ra ngoài.

Ông Giám đốc TTBTXH bước theo ra:

– Ở đây, chúng tôi quy định là làm việc không được quay phim chụp ảnh hay ghi âm gì đấy nhé.

– Này anh, tôi  lại phải nói cho anh biết: Việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh là việc đương nhiên công dân được làm khi làm việc với cán bộ ăn lương của dân. Để làm gì anh biết không? Để giám sát anh làm có đúng luật pháp không, có đòi hối lộ tham nhũng không. Chẳng ai tự ra quy định đó được nếu không phù hợp luật pháp anh nhé. Ngay cả cái việc anh đặt cái biển cấm quay phim chụp ảnh ở đây nữa, anh biết khi muốn đặt biển này cần điều kiện gì không?

– Điều kiện gì?

– Anh muốn đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh ở đây, anh phải có quyết định cua Chủ tịch Ủy ban Thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chủ tịch Tỉnh ký vào đó là khu vực này cấm quay phim, chụp ảnh nhé. Cứ ai cũng đặt được như anh, thì bọn hút chít, nghiện ngập, mại dâm ma túy nó đặt biển như thế này vào là thoải mái hành sự mà không ai làm gì có hình ảnh của chúng được, đúng không? Tôi nói với anh là hôm nay, tôi không thèm ghi, dù tôi có quyền, nhưng tôi sẽ nhớ từng lời anh nói.

Anh ta im lặng. Tôi nói thêm:

– Việc các anh bắt người tự động giữ người trái pháp luật ở đây, các anh phải chịu trách nhiệm. Nếu không thả cụ ấy ra, chúng tôi sẽ mời luật sư và sử dụng đến biện pháp pháp luật khác.

Còn việc này, anh bảo là bên công an nọ kia, tôi nói thẳng nhé: Cụ Hải chứng đó tuổi rồi nhưng là người vẫn hay đi tham dự các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược lãnh thổ, lãnh hải. Cụ ấy cũng là người biểu tình đòi môi trường sống trong sạch cho con cháu, cụ ấy là người biết tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Nếu vì những hành động ấy mà bắt cụ ấy vào đây không thả, thì đó là hành động trả thù hèn hạ.

Và đó là hành vì phản động, phản lại lợi ích của đất nước này, dân tộc này. Tôi nói để anh biết vậy và giờ thì chúng tôi về.

Tôi cùng mọi người ra về mà cứ nghĩ mãi một điều: Liệu đây đã là trò hèn hạ cuối cùng để đối phó với những con người yêu nước hay chưa?

Tin bài liên quan:

VNTB – Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị chặn sinh hoạt: Họ làm vậy để làm gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- Cuộc chiến Formosa: Phát súng mở đầu đã nổ !

Phan Thanh Hung

VNTB – ‘Giai cấp tiên phong’ đến đường cùng, lãnh thổ mặc ‘bạn vàng’ quản lý

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo