Hồng Dân
(VNTB) – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay năm 2023 sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm. Đồng thời xây dựng lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2024.
Với tuyên bố trên cho thấy kết thúc Chính phủ Quốc hội khóa XV (2021 – 2026) sẽ nhận tiếng vỗ tay tán thưởng của người lao động về chuyện tiền lương bắt đầu tăng dần.
Và tân Chính phủ của khóa tiếp theo sẽ nhận phần trách nhiệm của gánh nặng tài chính, vì thông thường ở Việt Nam luôn có cái gọi là “độ trễ chính sách” – tức quy hoạch lộ trình từ năm 2024, đồng nghĩa việc từ lúc “khởi động làm nóng” đến khi “guồng máy vận hành suôn sẻ” thường cũng… vài năm sau đó.
Độ trễ chính sách nhìn từ… “ba đột phá”
Có thể hình dung về “độ trễ chính sách” qua việc bà Phạm Thị Thanh Trà ở hôm gặp mặt cán bộ, công chức tại Bộ Nội Vụ (Hà Nội) đầu Xuân Quý Mão, đang đưa ra cho thuộc cấp về yêu cầu của “ba đột phá”.
Cụ thể đột phá thứ nhất là tập trung hoàn thiện thể chế. Thứ hai là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế. Thứ ba là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Cùng với đó là bốn trọng tâm gồm công vụ, công chức, cải cách hành chính, thanh tra, pháp chế và thực hiện cho bằng được hiệu quả chuyển đổi số của Bộ Nội vụ để đem lại thành công chung cho bộ, ngành nội vụ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần chú ý, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện sớm, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng được giao.
Công việc ưu tiên hàng đầu là trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội bộ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Đồng thời báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu thuộc cấp khẩn trương hoàn tất soạn thảo để bà ký ban hành bộ cơ chế, chính sách cho việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số theo yêu cầu của Ban chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó tập trung thúc đẩy cải cách hành chính, trong đó theo bà Phạm Thị Thanh Trà thì có nhiều nhiệm vụ cần triển khai, đồng thời sớm tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào cuối quý 1 – 2023.
Hoạch định từ năm 2018
Liên quan “độ trễ chính sách” trong chuyện “cải cách tiền lương”, có thể tìm hiểu thêm qua Thông báo số 374/TB-VPCP ngày 11-12-2022 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về cơ chế quản lý tài chính gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Theo thông báo trên, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, Cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngay khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Nghị quyết số 27-NQ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày ngày 21 tháng 5 năm 2018, có đoạn như sau:
“Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030
a) Đối với khu vực công
– Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
– Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
– Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
– Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
– Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
b) Đối với khu vực doanh nghiệp
– Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
– Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030”.
…Nhìn tổng thể thì ở nhiệm kỳ tới của Chính phủ cũng sẽ là nhiệm kỳ có tân Tổng bí thư, liệu các hoạch định của tiền nhiệm có tiếp tục thực thi hay lại điều chỉnh, thì đó còn là vấn đề đáng bàn luận khác nữa trong chính thể “nay đúng – mai sai – ngày kia lại trúng” rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam.
1 comment
đổi mới thực chất nhất là đổi ĐCS qua ĐXH thực tế loại cương lĩnh công nông lảnh đạo chọn trí thức kỹ năng chuyên môn theo HP pháp luật kỹ cương rõ minh bạch cụ thể qua toàn dân phúc quyết sẽ rút gọn thể chế 0 song trùng Đ-CP như hiện nay nâng trách nhiệm vào ra cụ thể dân biết bàn kiễm tra cảnh báo ĐSHK đừng nghe những gì CS nói phãi nhìn việc CS làm cụ thể đổi thể chế dứt khoát 0 nghe hứa vì rất đểu sẽ trở mặt có thực mới vực được đạo tử tế làm người uy tín tôn trọng