Trần Thế Kỷ
1. Theo VOA, Sài Gòn mỗi năm sụt lún trên 16mm, đứng đầu cuộc khảo sát của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore nghiên cứu dữ liệu vệ tinh từ 48 thành phố ven biển lớn trên thế giới.
Theo nhiều vị, Sài Gòn sụt lún là vì mật độ xây dựng quá dầy, nhà cao tầng quá nhiều, đất không có chân vững chắc, khai thác nước ngầm quá nhiều…
Có người nói vui rằng Sài Gòn rơi vào tình cảnh này là do bị đổi tên thành TPHCM.
Trước tình hình Sài Gòn có thể biến mất một ngày nào đó, người dân mong mỏi những người có tâm, có tài sẽ có biện pháp ngăn chặn sự chìm dần của thành phố từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Thật ngao ngán khi phải nói rằng ở VN hiện thời, kẻ có quyền thì không có tâm, có tài. Còn người có tâm, có tài thì lại không có quyền!
2. Bên ly cà phê, Năm Sài Gòn trò chuyện với hai bạn đọc của VOA là Minh Đức và Phúc VC. Năm Sài Gòn mở đầu:
– VN muốn tăng gấp đôi số tỷ phú đô la cho đến năm 2030.
Và đây là ý kiến của hai vị trên:
– Lại bênh thành tích, hoành tráng bề ngoài mà trong thúi hoắc. Số người nghèo sẽ tăng gấp 1.000 (Phuc VC)
– Lo có nhiều tỷ phú là chỉ lo cái ngọn. Lo cho dân sống đủ đầy mới là lo cái gốc (Minh Đức)
Năm Sài Gòn nói tiếp:
-Hiện có nhiều di dân VN và TQ đổ xô tới Mỹ để tìm cuộc sống mới.
Và đây là ý kiến của Minh Đức :
-Người dân xứ độc tài không thể biểu tình phản đối để chính quyền thay đổi chính sách. Họ chỉ còn cách bỏ nước ra đi.
Vậy là trong khi phi hành gia TQ bay lên Mặt trăng thì dân TQ đổ xô đến Mỹ!
3. Việc phân lô bán nền sẽ bị cấm một khi luật đất đai mới được thông qua.
Theo các chuyên gia, động thái siết phân lô đất nền sẽ tác động lớn đến thị trường ngắn hạn khi 90% nguồn cung phân khúc này là từ các cá nhân phân lô tự do.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhận xét: “Việc siết phân lô, tách thửa có thể làm giảm hoạt động mua bán đất nền trong ngắn hạn, giá đất phân lô, tách thửa đang có sẵn có thể bị đẩy lên cao… nhưng về dài sẽ giúp thị trường này phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất…”
Có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Nhưng ý kiến sau có lẽ là đáng suy ngẫm nhất:
– Chưa có luật cấm phân lô bán mồ. Với nền kinh tế hiện nay, sẽ có nhiều người nhảy cầu nên quy hoạch đất nghĩa trang là… trúng! (AnhHoang)
4. VN xem xét gia nhập khối BRICS.
Được thành lập năm 2009, BRICS là từ viết tắt của các nước Brazil, Russia, India, China và South Africa, chiếm gần 40% dân số thế giới và 26% tổng sản lương toàn cầu.
Nga từng đề nghị thiết lập một đồng tiền BRICS để thay thế đồng USD trong các giao dịch giữa các nước trong khối. BRICS cũng thành lập ngân hàng NDB (New Development Bank) nhưng gặp nhiều khó khăn. Chính giám đốc ngân hàng này thừa nhận: “Chúng ta không thể bước ra khỏi thế giới của đồng USD”.
BRICS bị Phương Tây xem là khối liên kết trên lý thuyết hơn là trên thực tế. Chính sách đối ngoại của các nước trong khối này khác nhau, khó đồng thuận cho một lối đi chung. Nói đền BRICS, nhiều người thường nghĩ tới từ “BRIC – À – BRAC” trong tiếng Pháp, nghĩa là “Đồ lặt vặt, đồ trang trí nhỏ, không có giá trị đáng kể”.
Hiểu nôm na là “Đồ tào lao, đồ vớ vẩn”!