VNTB – Truyện cười: ép là ép thế nào?

Trần Thế Kỷ (VNTB) 

1. Tư Hà Nội bảo Năm Sài gòn:
– Với việc Hà Nội khởi tố vụ bắt giữ 38 cán bộ ở Đồng Tâm, dân không còn chút niềm tin vào chế độ.
– Lẽ nào chữ ký của ngài chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung không có giá trị gì?
– Ông Chung bảo là do bị dân Đồng Tâm ép ký.
– Ép là ép thế nào? Miệng quan trôn trẻ.
– Rõ là quan lật lọng chứ không chịu thua dân.
– Chịu thua dân mới là đại trượng phu. Tráo trở với dân chỉ là kẻ tiểu nhân hạ đẳng.
– Luật sư Nguyễn Đình Hà bảo sau vụ khởi tố này, ông Chung đã mất rất nhiều.
– Theo tớ, luật sư Hà nói thế là còn nhẹ. Cho chính xác, phải nói rằng ông Chung đã mất tất cả.
– Và Đảng cũng mất tất cả!
2. Cụ Lê Đình Kình bảo Nguyễn Đức Chung:
– Cậu là tên tráo trở. 
– Đó là vì tôi bị dân Đồng Tâm ép ký.
– Ép là ép thế nào? Chẳng phải đó là cuộc nói chuyện nghiêm túc giữa dân với cán bộ, có sự làm chứng của hai vị đại biểu quốc hội hay sao.
– Các ông Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng chỉ đi làm kiểng.
– Vậy cậu đi là chính, đúng không?
– Đúng vậy.
– Thế cậu đi để làm gì?
– Thì để ký cho vui. Ký một cái nào có mất gì.
– Hóa ra cuộc gặp của chúng ta hôm nọ chỉ là cuộc trò chuyện giữa một ông già với một đứa trẻ ranh. Vậy là hôm đó tôi đã quên.
– Quên cái gì?
– Quên mời cậu ngồi bô và đút vào mồm cậu một cây cà lem!
3. Năm Xích lô bảo Tư Xe ôm :
– Cậu nghĩ gì khi ngài Tổng Trọng xử tội đồng chí Đinh La To?
– Nói theo một bạn đọc Dân Làm Báo, đó là câu chuyện thằng đểu tụt quần một thằng đểu khác, làm cho nó xấu hổ.
– Liệu đồng chí Đinh La To có xấu hổ không ?
– Tớ không biết, chỉ biết là kẻ tụt quần lẫn kẻ bị tụt quần đều là những con chuột béo tròn béo nục vì đục khoét quá nhiều của cải nhân dân.
– Đức Đà Lai Lạt ma thật chí lý khi nói rằng: “Người CS làm cách mạng không phải đem hạnh phúc đến cho nhân dân, mà để nhân dân mang lại hạnh phúc cho họ”!
Chợt có tiếng của đồng chí Đinh La To từ trong bùi rậm:
– Xin làm ơn!
– Sao cậu không ra đây? Anh Năm hỏi.
– Không được, xấu hổ lắm.
– Tại sao thế?
– Làm ơn mang cho tớ cái quần! 
4. Sáng nọ, Năm Sài gòn còn lơ mơ ngủ thì nghe có tiếng gọi mình. Anh Năm liền bừng dậy và thấy ngay trước cổng một chú voi bự chảng đang vẫy đuôi và ngồi trên lưng nó chính là đồng chí Đinh La Thăng.
– Ý trời! Anh Năm thốt lên. Bác Thăng chơi nổi à nghe.
– Chứ sao. Đinh La Thăng cười hề hề. Chú voi này tớ mang ở Châu Phi về, hôm nay cỡi lấy le với bà con.
Rồi đồng chí Thăng quất voi đi thẳng. Một tháng sau, đang ngồi uống nước chè thì anh Năm nghe tiếng chó sủa um ngoài cổng. Nhìn ra thì thấy một con chó ốm nhách, người đầy ghẻ và ngồi trên lưng nó chẳng phải ai khác mà vẫn là Đinh La Thăng.
– Bác Thăng sao ra nông nổi này? Anh Năm áy náy. Con voi đâu rồi?
– Tiêu rồi. Đinh La Thăng đáp, mặt méo xẹo. Tổng Lú cuỗm nó rồi quẳng cho tớ con chó ghẻ này. Từ nay thiên hạ cứ gọi tớ là Đinh La Giáng!
5. Đang đọc báo, Tom bỗng cười ha hả. Tin hỏi:
– Cậu cười chuyện gì thế?
– Vừa xảy ra vụ Yên Bái, chết 3 mạng. Vui quá!
Vừa dứt lời thì sét nổ vang trời và liền sau đó là tiếng thét của Tổng Trọng.
– Hình như sét đánh vào Bộ chính trị.
Tin nói. Tom cười:
– Nếu vậy thì phen này toi đủ 19 mạng!
6. Trời bất ngờ mưa rất to làm ngập gần hết ngôi nhà tranh, chỉ phần mái là chưa đụng tới. Chuột đen và chuột trắng liền leo lên mái để khỏi chết đuối. Nước lũ làm ngôi nhà rung lắc dữ dội. Chuột đen bèn nói:
– Tại bọn mình nặng quá nên mới như vầy. Nhà mà sập thì chết cả hai. Vậy cậu nên nhảy xuống nước để nhà khỏi sập.
– Cậu nặng hơn tớ, vậy cậu nên xuống đi.
Chuột trắng nói. Chuột đen lắc đầu:
– Cậu chỉ nói bậy. Chính cậu nặng hơn tớ.
– Chắc chắn là cậu nặng hơn tớ.
– Tốt nhất là mình nên đem cái cân lên đây để xem ai nặng hơn.
– Cái cân rất nặng và lại nằm dưới nước thì làm sao mang lên?
– Cả hai đứa mình cùng xuống mang nó lên.
Đoạn hai con chuột nhảy ùm xuống nước. Ngay sau đó ngôi nhà tranh bị nước lũ cuốn trôi. Con chuột đen ngao ngán:
– Tớ nói có sai đâu. Giá mà cậu chịu xuống thì nhà đâu có sập!
7. Me xừ Đoàn Ngọc Hải vung cao hai tay:
– Quyết tâm giành lại vỉa hè!
Năm Sài gòn cười:
– Quan quyết tâm giành lại vỉa hè nhưng có quyết tâm giành lại Hoàng Sa không ?
– Vỉa hè với biển đảo thì mắc mớ gì với nhau. Hoàng Sa là của Tàu rồi, làm sao mà lấy lại.
– Của Tàu hồi nào? Quan chỉ nói bậy. Ăn hiếp dân nghèo thì giỏi mà nói tới thằng Tàu thì sợ đái ra quần.
– Mày mới nói bậy. Nhìn kỹ xem, quần ta đâu có ướt.
– Biển đảo là chuyện hệ trọng của dân tộc thì không quan tâm, chỉ quan tâm chuyện tủn mủn. Một ông Phó chủ tịch quận mà tối ngày lê la ở vỉa hè thì khác nào tên ma cà bông !
Nghe thế, Đoàn Ngọc Hải ngửa cổ than :
– Đời sao đáng chán. Hôm qua còn là ngôi sao mà hôm nay lại biến thành ma!
8. Thạc sĩ Tủn bảo Năm Sài gòn :
– Bài viết về học sinh Nguyễn Khuyến ra trường rất hay. Có điều tác giả dùng chữ “Xả” thì có vẻ thô kệch.
– Tớ lại cho rằng tác giả dùng chữ “xả” là khá chuẩn. Bao nhiêu tâm tư dồn nén bấy lâu, bây giờ mang ra “xả”!
– Theo tớ, nên dùng chữ khác hay hơn.
– Chữ khác là chữ nào?
– Tớ chưa biết.
– Cậu là thạc sĩ mà một chữ cũng không nghĩ được còn bày đặt sửa người khác.
– Vậy thì dùng chữ “xả” cũng được. Thôi, tớ đi xả đây.
– Ủa, cậu đâu phải là học sinh ra trường mà “xả”?
Thạc sĩ Tủn không đáp một lời, ôm bụng chạy một mạch ra cầu tiêu.
9. Năm Sài gòn bảo Nguyễn Thông : 
– Đồng chí Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vừa phát biểu : “Kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo ra phát triển ngoạn mục cho đất nước” .
– Chí lý, chí lý. Rất ngoạn mục!
– Ngoạn mục ở chỗ nào ?
– Ở chỗ là người CS ở nước ta độc tôn cầm quyền suốt nửa thế kỷ mà đất nước vẫn cứ lẹt đẹt trong đói nghèo. Trong khi chừng ấy năm, thậm chí ít hơn, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… đã tiến được rất xa.
– Ngoạn mục thế nào nữa ?
– Thì là chỗ đạo đức xã hội xuống cấp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan, môi trường bị tàn phá, tài nguyên kiệt quệ, nông dân bị cướp đất.
– Rất đúng, nhưng vẫn còn thiếu.
– Thiếu cái gì ? 
– Chính là nợ công.
– Ừ nhỉ. Nợ công khủng khiếp, tới nỗi một đứa bé vừa chào đời ở xứ ta cũng phải cõng trên lưng khoản nợ ba mươi triệu đồng.
– Chính xác. Nợ công khủng này mà vỡ thì sẽ còn ngoạn mục đến chừng nào !
10. Anh Năm bảo Anh Tư :
– Nghĩ mà buồn. Hễ giở báo ra đọc thì y như rằng lại thấy đăng tin nơi này, nơi kia có người bị ngộ độc thực phẩm.
– Đúng vậy. Mà đa phần là công nhân.
– Thảy đều do bữa ăn của họ quá tệ bạc: Cá ươn, thịt thối, rau nhiễm thuốc trừ sâu… Bữa ăn của công nhân nhiều khi còn tệ hơn bữa ăn cho chó.
– Bao nhiêu năm nay công nhân thì ngộ độc thực phẩm, nông dân thì ca đi ca lại bài “Được giá mất mùa, được mùa mất giá”.
Rồi anh Năm vung tay lên, hô to y như Chủ tịch Nước :
– Muôn năm giai cấp công nông!
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)