VNTB- Truyền thông thời nước mắm: Ai đứng sau Masan?

Nguyễn Cao

(VNTB) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ‘chống lưng’ cho Masan trong vụ việc này?

Cuối giờ sáng hôm 2-11, tại trụ sở của UBND huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong khuôn khổ một hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm”, bất ngờ đại diện của Masan đăng đàn…
Thời điểm này mà nhắc tiếp về câu chuyện nước mắm trên báo chí, nói kiểu rặt Nam bộ, coi như tác giả bài báo ấy đã uống thuốc liều. Thế nhưng bài học nhập môn khi bước vào nghề viết lách, chắc ai cũng nằm lòng, đó là phải tôn trọng sự thật trên những chứng cứ minh bạch.

   Nước mắm truyền thống đóng chai tại một nhà thùng ở Phú Quốc. (ảnh: PV)
Nước mắm công nghiệp: chỉ sợ trò bá đạo
Mấy bài báo dùng từ “nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen”, thật ra chẳng làm ai chú ý. Chỉ khi những tác giả/ biên tập viên của các bài báo này mở ngoặc giải thích rằng “asen” còn được gọi là “thạch tín” thì người dân mới phát hoảng.
Sao lại không la làng cho được, vì lâu nay coi phim lê thê nhiều tập trên truyền hình, người Việt nghe kể chuyện thiên hạ bên Tàu hay chơi trò đầu độc nhau bằng một chất gọi là thạch tín.
Người Hà Nội thì liên tưởng đến vụ án đầu thập niên 60 thế kỷ trước, giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương (khi đó Bệnh viện Nhi nằm ở đường Trần Hưng Đạo sau đó mới chuyển về đường Đê La Thành như bây giờ), là bác sỹ Vưu Hữu Chánh đã đầu độc vợ bằng thạch tín. Vụ án này rất đình đám, vì bác sĩ Chánh là bác sĩ đầu ngành về Nhi ở Hà Nội. Như vậy, dùng nước mắm có chứa thạch tín lâu ngày dài tháng thì có khác gì mình tự đầu độc mình?
Thật ra thì không hẳn như vậy. Tuy nhiên lại có quá ít bài báo nói rõ một cách dễ hiểu nhất là nước mắm truyền thống và công nghiệp, khác nhau chỗ nào?
Trước năm 1975, ở miền Nam có nước mắm tĩn. Nước mắm hồi đó đựng trong những tĩn sành, giống như trái bưởi cắt phẳng hai đầu, nhưng to hơn, dung tích cỡ 3 lít. Tĩn có quai dây cói để xách, nắp bằng đất nung, khằn tĩn bằng hồ vôi trộn với đường, rồi mới dán nhãn ở nắp, giống như niêm phong vậy.
Giờ thì nước mắm được đóng chai với nhiều kiểu dáng khác nhau, nhìn khó biết nước mắm nào là theo kiểu chượp ướp ròng rả cả năm trời, loại nào là sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp trong nhà máy.
Nước mắm truyền thống cũng năm ba, bảy đường ngon dỡ. Nước mắm của ông bà truyền lại chỉ làm từ cá và muối, thời gian chượp kéo dài cả năm để có hương và vị tự nhiên đặc trưng của nước mắm. Sau đó rút ra nước mắm nhất, nhì, ba,…, rồi trộn lại để có nhiều loại nước mắm mắc rẻ khác nhau.
Còn nước mắm công nghiệp thì nhà sản xuất ký hợp đồng mua nước mắm nhất nhì ba gì đó không rõ, sau đó pha loãng theo một tỉ lệ (có trời biết!), rồi cho thêm phụ gia tạo màu, tạo sệt, tạo vị, tạo hương, bảo quản… và cũng không loại trừ tăng độ đạm giả tạo.
Chuyên gia sinh học Vũ Thế Thành có viết rất dễ hiểu như vầy: “Thế những loại hóa chất thêm vào nước mắm công nghiệp có hại cho sức khỏe không? Xin trả lời luôn là: Không, nếu những phụ gia thêm vào nằm trong danh mục của Bộ Y tế, và sử dụng không quá liều lượng cho phép. Về khoản này, tôi tin Masan chơi đúng luật, nghĩa là nước mắm Chinsu và Nam Ngư của họ có thể là an toàn cho sức khỏe người dùng.
Nhưng thị trường không chỉ có Masan, nhiều doanh nghiệp, cá nhân nhỏ lẻ cũng làm nước mắm công nghiệp bỏ mối cho các chợ hay các quán ăn, quán nhậu,… Đánh du kích kiểu này cũng dư tiền chợ (chưa kể tiền gửi ngân hàng). Vì nhỏ lẻ nên ít ai để ý, nên các tay phù thủy nước mắm ấy, chơi lắm trò bá đạo, thêm những hóa chất gì vào nước mắm thì đến nay khoa học theo chưa kịp. Nước mắm loại này đem thử có khi âm tính với arsenic tổng…”.

Ai đứng sau Masan?
Những gì xảy ra hôm 2-11 tại hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống gắn với bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi cá cơm”, cho thấy vấn đề ở đây không còn trong phạm vi “truyền thống” hay “công nghiệp”, mà là của câu chuyện dường như chính Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ‘chống lưng’ cho Masan trong vụ việc này. Điều đó càng củng cố ngờ vực một trong những ông trùm lớn đứng đằng sau tập đoàn Masan, có lẽ đúng là nhân vật hay được gọi là “Anh Ba”, người cũng ở xứ nước mắm Kiên Giang.
Ngay lúc khai mạc, chủ trì hội nghị là thứ trưởng Vũ Văn Tám của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNN), đã rào trước đón sau rằng, ngoài các đại biểu được mời đa số là chuyên gia, cán bộ quản lý cùng đại diện các đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống, thì có một số đơn vị khác quan tâm đến dự.
Bất ngờ diễn ra là trong báo cáo của Viện nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ NN-PTNN về kết quả thực hiện đề tài “Chất lượng và khả năng khai thác bền vững cá cơm ở vùng biển Kiên Giang” theo các quy chuẩn của tổ chức Liên Hiệp Quốc và tổ chức Tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới, lại được đại diện của Masan đăng đàn trình bày.
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc phát triển sản phẩm cao cấp của công ty Masan cho biết, bà đại diện cho Công ty cổ phần Masan – là thành viên Hội nước mắm Phú Quốc cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện được tham dự hội nghị.
Vị đại diện Masan phát biểu: “Số liệu ghi nhận của công ty chúng tôi theo thời gian thì cá cơm than (loại cá có lượng đạm cao nhất) đang giảm trong khi cá cơm đỏ tăng lên và kích thước cá giảm xuống. Trước 2013, độ đạm của cá cơm vào khoảng 40g/kg nhưng gần đây chỉ khoảng 30 – 35g/kg. Điều đó kéo theo những lô nước mắm nhĩ gần đây có độ đạm không vượt quá 35g/lít. (…) Trữ lượng cũng như sản lượng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ giảm nhiều trong những năm qua. Về trữ lượng cá cơm, từ 172.000 tấn trong giai đoạn 2004 – 2005, còn 130.000-152.000 tấn ở giai đoạn 2012-2015. Sản lượng khai thác từ 120.000 tấn/năm ở giai đoạn 2004-2006, xuống còn 83.000 tấn/năm ở giai đoạn 2014-2015. Tính ra, trữ lượng và sản lượng khai thác đã giảm 20%-30% chỉ trong 10 năm…”.
Vị đại diện Masan nói thêm, từ 2010 đến 2013, công ty này kết hợp với Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện đề tài “Chất lượng và khả năng khai thác bền vững cá cơm ở vùng biển Kiên Giang” như đã trình bày tại hội nghị này.
Kịch tính đẩy lên đỉnh điểm khi bà Nguyễn Thị Tịnh, cựu chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc kể ngay tại hội nghị, rằng (trích): Tôi có tham dự hội nghị ngày 10-10 của Hội Nghề cá, chính cô Nga (đại diện Masan tại hội nghị) đã phát biểu rằng, nước mắm cao đạm không phải ngon, nước mắm cao đạm không phải tốt và muối cao không phải là vệ sinh an toàn. Cô Nga còn nói nước mắm cao đạm có arsen thạch tín. Chúng tôi ngày hôm đó muốn phản đối nhưng chủ tọa không cho vì lý do… hết thời gian.
Bà Tịnh nói rằng sang ngày 11-10, Chính phủ yêu cầu kiểm tra vì có thông tin nước mắm công nghiệp có phụ gia hóa chất, thì ngay hôm sau 12-10, Masan đề nghị kiểm tra tổng thể nước mắm và chỉ luôn ra rằng trong nước mắm có arsen, có thạch tín. Năm hôm sau, ngày 17-10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố trong nước mắm cao đạm có arsen thạch tín và toàn bộ danh sách thương hiệu (nghi sản xuất nước mắm có arsen thạch tín) bị nêu lên đều là các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.
Ngày 29-10, phía VINASTAS có văn bản nói rằng (trích): “Theo đúng trình tự, sau khi có kết quả khảo sát chúng tôi đã  trực tiếp gặp và thông tin về các kết quả khảo sát này cho các cơ quan quản lý an toàn, chất lượng của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và nhận được sự ủng hộ của các cơ quan này.
Báo cáo khảo sát cũng đã được gửi tới các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công Nghệ, Liên hiệp Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý Cạnh Tranh và Cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Sau các phát biểu này, thứ trưởng Vũ Văn Tám giành quyền chủ tọa hội nghị, yêu cầu tập trung bàn về giải pháp bảo vệ nước mắm truyền thống và bảo tồn nguồn cá cơm bền vững, không có thời gian bàn ngoài vấn đề.
“Sự xuất hiện của Masan thì ban tổ chức không mời, nhưng có thể có sự quan tâm nên các đại biểu đến đây đều được hoan nghênh. Chúng ta nên cởi mở lắng nghe lẫn nhau còn vấn đề liên quan đến nội bộ, vì Masan cũng là thành viên hội. thì có những buổi họp riêng để tháo gỡ chứ đừng đưa ra đây ảnh hưởng hội nghị”, ông Tám nói.

Xin kết bài viết này bằng một nhận xét của chuyên gia Vũ Thế Thành – người có tham luận “Nước mắm truyền thống biến thành nước mắm công nghiệp như thế nào?” nhưng đã bị thứ trưởng Vũ Văn Tám ngăn không cho trình bày với lý do hết giờ: “Đừng phiền nước mắm công nghiệp. Một sản phẩm an toàn, hợp khẩu vị, và rẻ, đáp ứng được nhu cầu của một phân khúc nào đó trên thị trường thì đâu có đáng bị tẩy chay. Nhưng quảng cáo rằng nước mắm công nghiệp là “an toàn thạch tín” thì khó nghe quá. Vấn đề này thì khoa học rõ ràng lắm rồi!”.

Masan chính là chủ nhân của quảng cáo khó nghe ấy.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)