Châu Nam Việt
(VNTB) – Lễ hội chọi trâu và chém lợn không thể coi là những sự kiện văn hóa, mà đó là nơi bạo hành động vật.
Trong một thế giới ngày càng phát triển và tiến bộ, việc từ bỏ các hủ tục và truyền thống không còn phù hợp đã trở thành một vấn đề cần thiết và quan trọng. Các hành động này không chỉ thể hiện sự sẵn lòng chấp nhận thay đổi mà còn đem lại nhiều lợi ích và tiềm năng cho cả cá nhân và cộng đồng. Trong bối cảnh này, việc từ bỏ các hủ tục và truyền thống cũ kỹ không còn phù hợp là cách để thích nghi và đồng bộ với sự thay đổi, giúp cá nhân và xã hội phát triển bền vững.
Nhìn ra các nước trong khu vực để tìm hiểu, sẽ dễ dàng nhận thấy họ đã sẵn lòng từ bỏ các hủ tục và truyền thống lạc hậu, để có thể xây dựng một xã hội cởi mở, nhân văn, và tiến bộ hơn.
Vừa qua Hàn Quốc đã thông qua luật cấm giết mổ và bán thịt chó có hiệu lực từ năm 2027, chấm dứt tập tục gây tranh cãi hàng thế kỷ khi ngày càng nhiều người ủng hộ quyền động vật. Mặc cho món ăn thịt chó từng được coi là “món ăn quốc hồn quốc tuý” của đất nước này.
Theo luật mới này của Hàn Quốc, bất cứ người nào giết chó lấy thịt sẽ bị kết án đến 3 năm tù giam và chịu phạt 30 triệu won ( hay 23.000 USD). Ngay cả người nuôi chó giết thịt, người tham gia chuyên chở, cất giữ hay bán thịt chó và các sản phẩm từ thịt chó cũng sẽ nhận trách nhiệm hình sự.
Ở Thái lan, lễ hội Elephants hay còn được biết đến với tên gọi “Surin Elephant Round-up,” trước đây từng là một lễ hội quan trọng để tôn vinh loài voi, một loài vật có ý nghĩa lịch sử và văn hóa đặc biệt ở Thái Lan. Tuy nhiên, do các vấn đề liên quan đến đạo đức và bảo vệ động vật cùng áp lực quốc tế, lễ hội này đã bị ngừng tổ chức. Cơ quan quản lý và tỉnh Surin đã chọn chuyển đổi hướng lễ hội sang những hoạt động du lịch sinh thái nhằm giúp bảo tồn đàn voi và tăng cường nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.
Lễ hội chọi trâu, chém lợn những hủ tục cần loại bỏ
Những năm gần đây, mỗi dịp tháng giêng cùng với nhiều hoạt động lễ hội khác như cầu ấn, đi chùa đã làm nên một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Những lễ hội dường như đang rời xa bước tiến văn minh có thể kể tới như lễ hội chọi trâu, chém lợn vẫn còn được duy trì, thậm chí còn được xem là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020 của Việt Nam“. Những loại lễ hội này cũng có thể được coi là những hủ tục cần được xem xét và thay đổi trong xã hội ngày nay.
Trong thực tế, lễ hội chọi trâu và chém lợn không thể coi là những sự kiện văn hóa, mà đó là nơi bạo hành động vật. Trong quá trình diễn ra cũng như chuẩn bị cho giải đấu, các chú trâu chọi, vốn là người bạn của nhà nông, thường phải chịu đựng sự hành hạ và bạo lực từ con người.
Lễ hội chọi trâu thường mang tính chất cạnh tranh bạo lực, không phản ánh được tinh thần thể thao lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau, tương tự như môn “đá gà” đã thường xuyên bị cấm đoán và được coi là không hợp pháp.
Bên cạnh đó, lễ hội chọi trâu chỉ tạo ra một không khí phấn khích trong chốc lát. Ấn tượng để lại là bạo lực, và hành hạ động vật tới đổ máu chỉ để thoả mãn sự kích động tức thời của một bộ phận nhỏ trong cộng đồng. Trâu chọi mua vui xong, dù thắng hay thua lại trở thành món thịt trâu tế thần. Sau khi làm lễ tế, thịt trâu vô địch sẽ được khao cho nhân dân địa phương và người được thưởng thức những món ăn làm từ thịt trâu vô địch sẽ được may mắn trong cả năm. Vì vậy giá thịt trâu lên tới vài triệu đồng một ký vẫn có người tranh nhau mua.
Việc nêu ra những điểm tối của lễ hội chọi trâu, chém lợn nhằm thúc đẩy sự ý thức và thay đổi từ phía cộng đồng. Chúng ta cần hướng tới một môi trường văn minh, cố suý các giá trị cao đẹp, nhân văn. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các hình thức giải trí và lễ hội thú vị khác, không gây hại đến môi trường và động vật, là một hướng đi cần được khuyến khích hơn.