Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tự chủ bệnh viện và các kiến nghị để bệnh viện phát triển bền vững

Ngọc Lan (ghi)

 

(VNTB) – Sở Y tế TP.HCM đề xuất 6 kiến nghị gỡ khó cho các bệnh viện công lập tự chủ.

 

Theo văn bản kiến nghị này, thì qua đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động từ ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên của các bệnh viện công lập, ngành Y tế Thành phố khẳng định cơ chế tự chủ trong thời gian qua đã giúp một số bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố phát triển khá toàn diện về mọi mặt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Những ghi nhận qua 20 năm

Ở chiều ngược lại, không ít bệnh viện gặp khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh viện, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, từ đó khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch Covid-19, …

Đây là nhận định quan trọng đầu tiên giúp các nhà hoạch định chính sách và những ai đang tham gia công tác quản lý nhà nước chuyên ngành y tế phải suy nghĩ và đề xuất các kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để giúp các bệnh viện đang gặp khó khăn có cơ hội phát triển bền vững.

Một nhận định quan trọng thứ hai chính là chính cơ chế tự chủ đang vận hành trong thời gian qua đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng rõ nét giữa các bệnh viện công lập với nhau, trong đó, khoảng cách về thu nhập chính đáng của nhân viên y tế công lập ngày càng rõ nét và ngày càng cách biệt có thể dẫn đến tình trạng mất công bình về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập với nhau cho dù nhiệt huyết và sức lao động là như nhau.

Khoảng cách thứ hai cũng đáng suy ngẫm chính là khoảng cách ngày càng lớn về quỹ phát triển sự nghiệp giữ các bệnh viện công lập, các bệnh viện chuyên khoa dường như thuận lợi hơn nhiều so với các bệnh viện đa khoa về việc trích lập quỹ quan trọng này, quỹ cần thiết cho sự phát triển của bệnh viện.

Nhiều bệnh viện tự chủ chi thường xuyên tại TP.HCM than gặp khó khăn trong quá trình phát triển

 

Một nhận định thứ ba cũng đáng quan tâm, cũng là bài học kinh nghiệm của các nước về đổi mới quản trị bệnh viện công lập theo hướng tự chủ, đó là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính gắn liền với đổi mới cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện, như mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp (Cộng hoà Síp và một số nước).

Theo đó, Hội đồng quản trị bệnh viện (Board of Directors – BOD) là hội đồng cao nhất, ngoài Chủ tịch và Phó chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên là đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các Giám đốc và Phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện.

Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện (Executive Board) bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay. Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp các nhà quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư, …

Bệnh viện cần cơ chế để ‘sống’

Trước các nhận định trên, sau khi tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh viện của ngành Y tế Thành phố thực hiện, Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị lãnh đạo Thành phố một số nội dung nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và sớm có một số giải pháp quan trọng giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững.

Các kiến nghị cụ thể đó là:

(1) Kiến nghị Thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi (không đủ nguồn để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên) giúp cho nhân viên y tế an tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch Covid-19.

(2) Kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong thời gian chờ bổ sung thì ngân sách hỗ trợ các bệnh viện công lập đóng khoản tiền thuế đất theo quy định của Luật số 45/2013/QH13 về Luật đất đai năm 2013.

(3) Kiến nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện như bãi giữ xe, căn tin, …, bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này, bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện.

(4) Kiến nghị Thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện, và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.

(5) Kiến nghị Thành phố thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện đồng thời tham mưu lãnh đạo Thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện. Thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp ,…

(6) Kiến nghị Thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện, cụ thể như hội đồng quản lý 2 cấp thay vì chỉ có ban giám đốc bệnh viện như hiện nay có thể chọn bệnh viện Mắt triển khai thí điểm mô hình này sau khi đã thí điểm thi tuyển chức danh giám đốc bệnh viện.

Đề xuất “Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện” để tránh vấn nạn hình sự hóa

Ngày 13-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến thời điểm hiện nay, hầu hết các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế (45/50 bệnh viện) đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh chỉ mới kết cấu hai trong bốn yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải).

Các chi phí khác vẫn chưa được đưa vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin, chi phí quản lý, chi phí đào tạo…). Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ.

Thực tế, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện mà thiếu tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư…

Như vậy, nếu chuyển sang mô hình quản lý mới (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách được giao) thì bệnh viện luôn trong tình trạng có nhiều nguy cơ và rủi ro.

Do vậy Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện, hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện.

Đồng thời, hội đồng này cũng tham mưu UBND TP.HM các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện, thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành (Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tư pháp…).


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bảo vệ an ninh quốc gia theo yêu cầu của đảng cộng sản Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy

Phan Thanh Hung

VNTB – Khủng hoảng vật tư y tế ở TP.HCM

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo