Nguyễn Nam
(VNTB) -Không cần tốn tiền mua, chỉ cần để báo chí có đầy đủ quyền trên cơ sở luật hiến pháp, là đủ nguồn tin để phòng, chống tham nhũng.
Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải vừa thay mặt Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM ký ban hành quy định về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Quy định này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền; quyền, nghĩa vụ của người cung cấp thông tin; trách nhiệm của người tiếp nhận, xử lý thông tin và trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin để chi trả, hỗ trợ (gọi tắt là mua tin) cho người cung cấp thông tin phản ảnh về hành vi tham nhũng, tiêu cực với Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC TP.HCM để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn TP.HCM.
Người cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sinh sống, làm việc và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; không bao gồm tổ chức, cá nhân chuyên trách trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, công chức, nhân viên tại cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền tiếp nhận thông tin.
Người tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP; các thành viên trong Ban Chỉ đạo; Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Thành ủy.
Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM giải thích rõ, mua tin không phải là một giao dịch dân sự. Đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc tiếp nhận, xử lý thông tin và mua tin đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc tiếp nhận thông tin của người cung cấp tin theo nguyên tắc “đơn tuyến”, nghĩa là người cung cấp thông tin chỉ gặp gỡ, trao đổi, làm việc, cung cấp thông tin trực tiếp cho người tiếp nhận thông tin, không thông qua trung gian. Danh tính của người cung cấp thông tin được ký hiệu bằng mã số.
Thật ra thì chuyện mua tin với giá 10 triệu đồng đã được Bộ Tài chính ‘bật đèn xanh’ từ tháng 2 năm 2008 với Thông tư số 20/2008/TT-BTC: “Chi mua tin: Tối đa không quá 10.000.000 đồng/tin. Trường hợp yêu cầu thực tế phải chi cao hơn mức chi này do Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng xem xét quyết định” – trích Điều II.2.a.
Tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc mua tin từ đầu tháng 6-2014. “Tùy theo tính chất vụ việc và chất lượng thông tin, tài liệu mà mỗi tin sẽ được mua với mức từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng. Người bán tin có thể trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thông tin đến Ban bằng các hình thức như: lời nói, văn bản, file ghi âm, ghi hình, điện thoại (0633.826379), fax (0633.820379)…
Mọi thông tin cá nhân, họ tên, địa chỉ, bút tích của người cung cấp thông tin sẽ được giữ bí mật tuyệt đối, thậm chí lãnh đạo Ban Nội chính có thể cử người ký nhận tiền thay cho người cung cấp tin” – trích thông cáo của Chánh văn phòng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng.
Nhiều ý kiến ghi nhận từ các nhà báo đã hồi hưu ở Sài Gòn là nếu thực sự Thành ủy TP.HCM cầu thị về tin tức cho việc chống tham nhũng, thì nên kiến nghị Trung ương cấp tốc tu chỉnh Luật Báo chí theo hướng không giới hạn quyền được làm báo của tất cả mọi đối tượng; tức có báo chí tư nhân với đầy đủ các quyền mà Xứ ủy Trung kỳ, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phan Đăng Lưu từng lên tiếng trên báo Dân Tiến, số phát hành ngày 10-11-1938 – tờ báo này hiện lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội (*):
“1. Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
3. Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi”.
___________
Tham khảo: