Việt Nam Thời Báo

VNTB – Từ Đồng Tâm: Làm thế nào để chống cướp đất hợp pháp?

Kỳ Lâm (VNTB) Không chỉ sự kiện Đồng Tâm (Hà Nội), Vọng Đông (Bắc Ninh) gây xáo động cộng đồng mà trước đó còn có vụ Ecopark (Văn Giang – Hưng Yên) từng ít nhiều gây chấn động chính quyền và dư luận. Vấn đề đặt ra là nên bảo vệ đất đai như thế nào trước những nhà đầu tư lớn?


Chống cướp đất hợp pháp


Blogger Phạm Lê Vương Các trong một chia sẻ được mô tả là: “Bàn về phương pháp bảo vệ đất đai ở Việt Nam” đã đề ra cách thức để chống lại cướp đất hợp pháp.

Theo đó, để đấu tranh chống lại điều trên, cần nhắm vào đối tượng được coi là yếu nhất của nhóm lợi ích là các tập đoàn kinh tế. Bởi, theo blogger này, các tập đoàn này thường huy động vốn để tái sản xuất và sản phẩm cần được bán trên thị trường.

Do đó, đặt trong giả thuyết nếu tập đoàn A cấu kết với chính quyền để thu hồi đất rẻ mạt, và để thực hiện dự án này cần vay tiền từ Ngân hàng thế giới (WB). Trường hợp này nếu có báo cáo chi tiết, đầy đủ liên quan đến cướp đất hợp pháp, và vận động một tổ chức NGO uy tín gửi tố cáo đến WB sẽ tạo ra một tác động đáng kể. Thứ nữa, cũng theo ông Phạm Lê Vương Các, “cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng có thủ tục Báo cáo viên đặc biệt của LHQ (SR) về ‘Quyền nhà ở thích đáng’, có nhiệm vụ ngăn chặn việc cưỡng chế di dời và bồi thường không thỏa đáng”.

“Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức Xã hội Dân sự chuyên môn về lĩnh vực bảo vệ đất đai cho người dân,” ông chia sẻ.

Facebook Bui Uyên cho biết trong một chia sẻ, khi cô tham gia một hội thảo quốc tế tại Paris về biến đổi các vùng ngoại thành Đông Nam Á dưới áp lực phát triển đô thị, câu chuyện trưng thu đất tại Văn Giang để xây dựng dự án khu đô thị “sinh thái” Ecopark được một nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về vai trò của các tổ chức dân sự trong những vấn đề này như thế nào?

Xã hội dân sự làm gì?

Đúng như blogger Phạm Lê Vương Các cho biết, cái khó ở Việt Nam hiện nay vẫn là chưa có một tổ chức chuyên về giải quyết mặt đất đai, do đó ngay cả khi xác định đúng các tập đoàn kinh tế là mấu chốt trong nhóm lợi ích – thì vẫn chưa đủ điều kiện để buộc họ dừng lại việc “cướp đất hợp pháp”.

Vấn đề tiếp theo là lâu nay, xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề tù nhân chính trị, hoặc các nhà đấu tranh nhân quyền, nhưng trận chiến về mặt pháp lý đối với lĩnh vực đất đai vẫn mang tính rời rạc (hiện vẫn ở mô-tuýp hỗ trợ dân oan). Sự hiện diện yếu tố pháp lý chỉ có đúng một tổ chức làm là Mạng lưới blogger Việt Nam thông qua báo cáo về tình trạng sử dụng bạo lực của công an Việt Nam và những khuyến nghị kèm theo để ngăn chặn tình trạng này lại. Trong khi đó, vấn đề đất đai hiện nay, cùng với môi trường là hai vấn đề nóng sốt, nó diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Điều này không phải là lý thuyết, bởi ngay trong tuần vừa qua khi sự kiện Đồng Tâm chưa chấm dứt, thì tại Lai Châu những hộ gia đình giữ đất đã sử dụng súng tự chế để chống lại đoàn cưỡng chế; và một hộ gia đình khác tại huyện đảo Phú Quốc đã sử dụng bom xăng để bảo vệ đất đai của họ. 


Điều đó cho thấy rằng, mâu thuẫn xã hội này diễn ra rất sâu, và nếu có một nhóm hội đứng ra làm trách nhiệm pháp lý, thì dễ dàng đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của người nông dân, tập hợp họ lại và gây áp lực thay đổi chính sách của nhà cầm quyền dựa trên cơ sở chính quyền trưng thu đất đai bất hợp lý trên khái niệm sở hữu toàn dân.

Điều quan trọng, đây sẽ là một tổ chức pháp lý – học thuật, mục tiêu là theo đuổi lâu dài việc làm rõ sự phi lý, mơ hồ của khái niệm sở hữu toàn dân (cần nhấn mạnh ngay cả Trung Quốc, khái niệm này không hề tồn tại khi đề cập đến đất đai), thay vào đó là áp dụng có hệ thống những luận chứng để đưa khái niệm “sở hữu quốc gia” vào thay thế dưới các hình thức khuyến nghị, ký tên, tổ chức tọa đàm – hội thảo,…

Còn đối với sự vận động tẩy chay về kinh tế đối các các doanh nghiệp liên kết với nhóm quyền lực để cướp đất hợp pháp, thì điều này hoàn toàn không khả thi. Nhất là khi các dự án cướp đất hiện nay chủ yếu để đưa đến dự án sân golf, nhà chung cư trung và cao cấp,… tức đối tượng của các dự án là nằm ở tầng lớp trung lưu trở lên. Những đối tượng này thường không quan tâm nhiều lắm đối với lịch sử vùng đất, mà họ chủ yếu quan tâm đến tiện nghi và dịch vụ mang lại của giới đầu tư nhiều hơn.

Nhìn ra thế giới?

Đất đai không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà hầu hết các nước đều từng gặp. Và nhiều hội đoàn đã ra đời nhiều hỗ trợ cho nhóm người yếu thế (nông dân) hoặc trở thành một trung gian làm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân.

Lấy ví dụ như, tại Bangladesh có Hiệp hội cải cách và phát triển đất (ALRD) thành lập năm 1991, là cơ quan hoạt động nhằm thiết lập quyền sử dụng đất, quyền được ăn và sinh kế, cũng như cải cách ruộng đất. Trong đó bao gồm, cải cách hành chính và tư pháp một cách có hiệu quả liên quan đến quản lý đất đai, và giải quyết tranh chấp đất đai. Phối hợp với Chính phủ để thực hiện cải cách ruộng, và bản thân Chính phủ phải có sự tham vấn của tổ chức này đã cho ra những chính sách về đất, tránh tình trạng nông dân mất đi tư liệu sản xuất. Ngoài ra, nước này còn có tổ chức SSKS (Samata Samaj Kalyan Samity) là một tổ chức giúp đỡ người không có ruộng đất, tổ chức này giáo dục và đào tạo để nâng cao kiến thức của người nông dân – để họ có thể tham gia tích cực vào các chương trình cải cách nông nghiệp của chính phủ.

Trong khi đó, tại Indonesia, nhờ những nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự chuyên về môi trường và đất đai, mà chính quyền Kapuas Hulu ở Tây Kalimantan đã sửa đổi kế hoạch sử dụng đất vào năm 2010, liên quan đến sự đấu tranh chống nhượng bộ của chính phủ qua khai thác gỗ và dầu cọ, tàn phá môi sinh và sinh kế người dân. Đồng thời, nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng đã gia tăng hoạt động tăng cường nhận thức về quyền sử dụng đất của cộng đồng.

Cuộc cưỡng chế lên quan đến Ecopark thuộc dự án Ecopark được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt và Công ty Việt Hưng làm chủ đầu tư. Tháng 4/2012, các cơ quan chức năng đã cưỡng chế thu hồi 5,8ha đất của 166 hộ dân tại xã Xuân Quan và đã xảy ra xô xát vì người dân cho rằng mức bồi thường quá thấp.

Với mức giá đền bù chênh lệch đáng kể so với các dự án gần đấy nhưng thuộc “đất Hà Nội”, người dân Văn Giang đã liên tục tiến hành khiếu kiện đông người tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan Trung ương và địa phương. Quá trình khiếu kiện được tập trung vào 10 nhóm vấn đề, như cho rằng có sự sai lệch giấy tờ; đề nghị giảm diện tích dự án; tố cáo cưỡng chế trái pháp luật; thậm chí tố cáo hành vi trả thù người tố cáo… Đến chiều 5/10/2014, Công ty Việt Hưng đang tổ chức san ủi tại cánh đồng thôn Hạ, xã Cửu Cao thì có 500 người dân kéo để giữ đất và dẫn đến xô xát lớn.

Mới đây nhất, vào ngày 20/04, sự kiện cưỡng chế đất lại diễn ra tại thôn Vọng Đông (Bắc Ninh). Gần 1000 người gồm công an và lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế thu hồi 14 mẫu đất tại thôn Vọng Đông (xã Yên Trung huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Trước đó, vào ngày 19/4/2017, chính quyền đã cử nhiều công an về làng và đe dọa sẽ cưỡng chế vào ngày hôm sau. Trước tình hình căng thẳng, chính quyền dùng biện pháp mời dân đến họp để thương lượng, sau đó hơn 500 cảnh sát cơ động vào cưỡng chế người dân mà không có thông báo. Đụng độ giữa nông dân và chính quyền lần này cũng liên quan đến việc người dân không đồng ý giá đền bù vì cho rằng nó quá thâp.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ngân hàng vô phép và lỗ hổng lý lẽ

Phan Thanh Hung

VNTB – Thực sự có nên lạc quan về nền kinh tế VN qua “15 ông Cố vấn”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hạn chế xe máy, khuyến khích xe đạp, tăng cường xe buýt

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.