Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tư pháp bao giờ độc lập?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Thời điểm này ở Việt Nam, dường như bất kỳ cái gì có gắn thêm hai từ “độc lập” đều dễ được xem là nhạy cảm chính trị.

 

Bài viết này coi như ‘vuốt râu hùm’, khi kêu gọi những chính khách ở Đại hội Đảng XIII sắp tới, xin lưu ý rằng đến tận lúc này, Việt Nam vẫn tiếp tục giấc mơ về tư pháp độc lập.

Nội dung bài viết này không phản động, vì hầu hết đều là đúc kết từ những tiết giảng dạy của giáo sư Nguyễn Đăng Dung, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực luật học và có trên 30 năm kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học.

Xin được lưu ý, bài viết khi dùng từ Việt Nam – hay “nước ta”, mong được hiểu là không bao gồm nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam trước tháng tư, 1975.

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nhìn nhận hoạt động tư pháp của Việt Nam không hoàn toàn giống như của các nhà nước tư bản, vì nó không chỉ bao gồm có các cơ quan xét xử, mà còn có cả các cơ quan điều tra, công tố và những cơ quan hoạt động bảo trợ tư pháp khác như: công chứng, luật sư, pháp y…

Khái niệm tư pháp của Việt Nam được sử dụng như khái niệm tư pháp của Trung quốc, từ tiếng Hán cổ. Điều này chứng tỏ sự phân quyền của nhà nước Việt Nam không được chuẩn tắc theo các quy định của nhà nước pháp quyền, không có sự phân quyền rạch ròi giữa hành pháp và tư pháp.

Quyền hành pháp của Việt Nam không bao gồm quyền công tố buộc tội của Viện Kiểm sát.

“Chính phủ – hành pháp trước hết phải được hiểu ở tầm hẹp nhất là phải giữ gìn trị an cho người dân, phòng và chống tội phạm. Muốn thực hiện tốt quyền này mà không có quyền công tố buộc tội thì không thể nào đảm đương được. Chính phủ quản lý rất tốt mọi mặt, trong đó có cả phát triển kinh tế, mà tội phạm đầy rẫy thì cũng không thể nào đứng vững được” – giáo sư Nguyễn Đăng Dung, nhấn mạnh.

Nguyên tắc độc lập của tòa án chưa được tuân thủ một cách triệt để ở nước ta, bởi lẽ tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam vẫn phải theo nguyên tắc tập quyền. Mà sinh viên trường luật nào nếu học hành tử tế thì ai cũng rõ, nguyên tắc tập quyền không thể là cơ sở cho sự độc lập của tòa án bởi nó dẫn đến việc quyết định của tòa án khó tránh khỏi phụ thuộc vào sự chỉ dẫn, sự can thiệp của các cơ quan nhà nước khác.

Trên thực tế, mặc dù nguyên tắc về tính độc lập của toà án đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác, song nó chưa được tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước thực sự tôn trọng và tuân thủ.

Hiện tượng can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án và thẩm phán còn diễn ra khá phổ biến, ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, khiến cho các tòa án và thẩm phán trong nhiều trường hợp không thể quyết định vụ việc một cách khách quan, vô tư, chỉ tuân theo luật pháp.

“Nhìn chung tư pháp ở nước ta vẫn còn mang đặc điểm của thời kỳ chiến tranh, bao cấp; chưa nghiêng hẳn về bảo vệ công lý. Tòa án không phải là cấp xét xử cuối cùng, vẫn chịu sự giám sát của các cơ quan nhà nước khác. Ở đây, nếu thiếu những điều kiện đảm bảo thực hiện thì sự độc lập của tòa án chỉ là một tuyên bố mà không thể thực hiện trong thực tế” – giáo sư Nguyễn Đăng Dung, nhận xét.

Quá trình xét xử của tòa án ở Việt Nam chưa thực sự theo nguyên tắc tranh tụng, mà vẫn nặng theo nguyên tắc xét hỏi, luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Mở ngoặc nói thêm là có thể viện dẫn Điều 331 “Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ” ở Bộ luật Hình sự hiện hành, tức Điều 258 trước đây của Bộ luật Hình sự phiên bản 1999, ở cả hai phiên bản luật, đến nay chưa có bất kỳ luật sư nào tranh tụng thành công. Tương tự là Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 cùng nội dung với Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999, tại tòa, luật sư luôn là thứ yếu.

Trở lại với góc nhìn của giáo sư Nguyễn Đăng Dung, ở đây, không hẳn là việc chuyển hoàn toàn sang mô hình tố tụng tranh tụng là phù hợp với điều kiện ở nước ta, song việc duy trì quá lâu mô hình tố tụng buộc tội, mà chậm cải tổ rõ ràng đang tạo ra sự bất bình đẳng lớn giữa các bên tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động xét xử.

Đó là chưa kể hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay vẫn thiên về xu hướng bắt nhầm còn hơn bỏ sót. Vì vậy, người có hành vi mặc dù chỉ ở mức độ phát hiện tội phạm đều có thể bị bắt giam để tiến hành điều tra để buộc tội, mà rất ít khi dựa trên các quyết định có hiệu lực của tòa án.

Nhiều vụ án không có đủ bằng chứng để kết tội phải hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra bổ sung. Về các vụ việc dân sự, khi xét xử tòa án chưa thực sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên, nhiều trường hợp có sự can thiệp của Viện Kiểm sát, nhiều trường hợp thẩm phán phải tự đi thu thập các chứng cứ.

“Trong tương lai không xa, các hoạt động của các cơ quan lập pháp và cả hành pháp cũng phải đặt trong vòng xét xử của toà án.

Khác với thời kỳ chiến tranh, cũng như thời bao cấp, tư pháp chỉ được xem xét như là một trong các ban ngành như các bộ của hành pháp, vì nó chỉ được hiểu là một trong những lĩnh vực cần quản lý của Nhà nước như các lĩnh vực ban ngành khác mà thôi. Hiện tại, nó phải là một ngành độc lập có khả năng xét xử cả các hành vi của lập pháp và hành pháp.

Cuối cùng, cải cách tư pháp cần trao cho tòa án quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến bảo đảm tính độc lập cho thẩm phán” – giáo sư Nguyễn Đăng Dung, nhận định.


Tin bài liên quan:

VNTB – VinFast bị kiện ở Mỹ

Do Van Tien

VNTB – Ban Bí thư là cơ quan ‘ba trong một’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại án: Vì sao & Như thế nào? – Một góc nhìn về pháp luật và phát triển

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.