Văn Nguyên Dưỡng
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#050ce8″]
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng hiện sống tại Hawaii, nguyên trưởng phòng 2 ( Phòng Tình Báo) bộ tư lệnh sư đoàn 5 BB. Người tham dự trận chiến An Lộc từ bắt đầu đến kết thúc. Trong bài viết của ông dưới dây có thể có một vài chi tiết khá nhạy cảm với một vài người.
[/ads_custom_box]
3. TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH
Chỉ một thời gian làm việc với Đại tá Lê văn Hưng, tôi hiểu rõ khả năng của ông hơn và thành thực khen ngợi ông là người chí công vô tư. Về khả năng, tôi có thể nói ông quyết đoán chính xác và nhanh chóng. Tôi sẽ đề cập đến sau. Trước tiên, xin nói về bản tính và cách cư xử của ông đối với mọi người. Ông rất thẳng thắn, cương nghị, nhưng là người mang trong lòng thứ tình cảm đậm đà –với hai thí dụ điển hình là sự đối xử của ông với Trung tá Lê Thọ Trung và với tôi.
Nhìn dáng dấp bên ngoài, thuộc cấp có thể nghĩ ông là người khó đến gần hoặc nghiêm khắc, vì tướng người cao, rắn rỏi, nghiêm nghị, nhất là ít nói. Kỳ thực ông rất thương yêu binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan cấp úy. Ông chọn rất kỹ hạ sĩ quan và sĩ quan cấp thiếu úy và trung úy để đặt vào các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng và Đại đội trưởng. Ở cấp Tiểu đoàn trưởng, ông thường chọn những Đại úy hay Thiếu tá trẻ dày dạn trận mạc, can trường, đánh trận hay và nhất là biết suy nghĩ, lo lắng và thương yêu binh sĩ. Ông thường nói với tôi rằng các cấp chỉ huy này biết thương yêu, lo lắng cho binh sĩ thì mình sẽ đỡ lo hơn và an tâm hơn. Vì vậy ông tỏ ra thân mật với cấp chỉ huy ở cấp tiểu, trung, Đại đội, và các Tiểu đoàn. Đôi khi ông nhớ rõ tên một hạ sĩ quan Tiểu đội trưởng hay Trung đội trưởng của một Đại đội hay Tiểu đoàn nào đó mà tôi nghĩ là ít vị tư lệnh Sư đoàn nào để ý đến. Tuy nhiên ở cấp Trung đoàn trưởng, Tư lệnh Sư đoàn không quyết định được, thường là do Tư lệnh Quân đoàn hoặc cấp cao hơn bổ nhậm.
SĐ5BB có 3 Trung đoàn Bộ binh 7, 8, và 9, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, 4 Tiểu đoàn Pháo binh gồm Tiểu đoàn 50 đại bác 155 ly, các Tiểu đoàn 51, 52, và 53 đại bác 105 ly. Ngoài ra còn các Tiểu đoàn chuyên biệt khác như Công binh, Truyền tin, Tiếp vận và Quân y. Tổng cộng quân số trên 11,000 người. Trung đoàn 7 Bộ binh do Trung tá Lý Đức Quân chỉ huy (sau đó thăng Đại tá và tử trận thăng cố Chuẩn tướng). Ông Quân gốc dân tộc Nùng cũng như đại đa số sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ đều thuộc sắc tộc này từ khi được thành lập với danh hiệu là Sư đoàn 4 Dã chiến. Sau chuyển thành SĐ5BB. Dần dà khi QLVNCH phát triển thì số binh sĩ sắc tộc Nùng gần như hoàn toàn tập trung vào Trung đoàn 7. Trung tá Quân là một sĩ quan mẫu mực, đạo đức, khả năng và kinh nghiệm tác chiến cao nên Đại tá Hưng rất hài lòng. Trung đoàn 8 Bộ binh được Tướng Minh giao cho Trung tá Mạch văn Trường chỉ huy (Ông Trường xuất thân Khóa 12 Võ bị Đà Lạt. Khi tốt nghiệp, toàn khóa được đưa sang một Trường Bộ binh Hoa Kỳ để học chỉ huy cấp Đại đội bộ binh. Nhưng chính bản thân ông chưa hề chỉ huy một Đại đội bộ binh trong QLVNCH, mà là một sĩ quan Quân Báo. Làm Trung đoàn trưởng nghĩa là sẽ thăng cấp Đại tá). Biết Trung tá MVT chưa từng cầm quân nên Tướng Hưng đưa Thiếu tá Huỳnh văn Tâm là một sĩ quan rất trẻ nhưng đã từng là Tiểu đoàn trưởng cừ khôi, làm Trung đoàn phó. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 là Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, lớn tuổi, ốm yếu, mà lần đầu gặp lại sau nhiều năm, tôi tự nghĩ là ông nên xin về làm việc ở một nha sở nào ở Trung ương hơn là đi đánh giặc. Tuy nhiên dưới quyền ông có hai sĩ quan lỗi lạc là Thiếu tá Trần Đăng Khoa Trung đoàn phó và Thiếu tá Võ Trung Thứ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/9, xuất thân Thủ khoa Khóa 15 Võ bị Đà Lạt. Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 Kỵ binh là Trung tá Nguyễn Đức Dương.
Đầu tháng 3, 1972 nhân ngày kỷ niệm thành lập Sư đoàn, Đại tá Lê văn Hưng thăng Chuẩn tướng nhiệm chức và Trung tá Mạch văn Trường, với chức vụ Trung đoàn trưởng, cũng thăng Đại tá nhiệm chức. Người bị Tướng Nguyễn văn Minh bỏ quên, không đề nghị thăng cấp, là Trung tá Lê Thọ Trung, Tham mưu trưởng Sư đoàn, rất thâm niên trong cấp bậc.
Đối với các sĩ quan cấp tá thì Tướng Hưng rất nghiêm minh, nhất là các sĩ quan tham mưu. Đó là lý do tại sao Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh phó Sư đoàn và các sĩ quan cấp tá khác thường bị ông Hưng “nẹt” khá nhiều lần ngay trong các buổi họp ở Trung tâm Hành quân. Và một buổi chiều, sau khi ông V. bị nự, không nhớ lần thứ mấy, hết buổi họp, tôi theo Tướng Hưng vào văn phòng tư lệnh. Lúc ông đang chưa hết cơn giận, thấy tôi bước vào, ông ngạc nhiên nhưng không nói gì thì chính tôi nói: “Xin… cho tôi được trình bày.” Tướng Hưng chưa kịp nói gì thì tôi đã tiếp. “Tôi nghĩ là anh xử sự quá đáng với Đại tá V. Ông ta cứ bị “nự” hoài, làm sao chịu nổi. Đại tá V., hay chúng tôi cấp trưởng phòng, đều có trách nhiệm trình bày ý kiến của mình, dù đúng hay sai…. Bị nự hoài ai dám nói nữa… nhất là trước mặt thuộc cấp.” Tướng Hưng nổi cáu, lớn tiếng: “Không phải việc của mày!” Tôi nói một câu trước khi chào và bước ra: “Xin lỗi Thiếu tướng, nếu không phải thì… tôi đi.” Đó là lần đầu tiên và cuối cùng Tướng Hưng gọi tôi bằng “mày”, mà tôi nghĩ là xuất phát từ thâm tâm ông coi tôi là một bạn đồng khóa ngày xưa hơn là một thuộc cấp. Từ đó chữ này biến mất. Và chắc chắn ông hiểu rõ chữ “Thiếu tướng” mà tôi dùng trong buổi chiều đó là mang theo sự bất bình của tôi. Thường nhật trước mặt mọi người tôi gọi ông là Thiếu tướng, vào những lúc khác chỉ riêng có hai người, hoặc trước mặt vợ ông, tôi gọi là “anh”, vì ông Hưng lớn hơn tôi. Ông sinh tháng 3, năm 1933. Tôi sinh tháng 1, năm 1934, mặc dù cùng năm Quí Dậu. Ông thường gọi tôi bằng tên: “Dưỡng à”, hoặc “này Dưỡng”, không thêm một chữ nào nữa. Không “toi”, không “cậu”, không “mày”….
Sáng hôm sau, tôi tạt qua văn phòng Tham mưu trưởng, nạp lá đơn xin thuyên chuyển, trước khi ra sân bay trực thăng chờ tháp tùng Tướng Hưng đi thăm các đơn vị. Khi bước xuống xe jeep, trước khi lên trực thăng chỉ huy của mình, Tướng Hưng bắt tay Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3, và tôi. Đến khi bắt tay tôi, ông Hưng cười, không nói gì. Buổi trưa, trở về Lai Khê, khoảng chừng 2 giờ chiều Trung tá Trung, Tham Mưu Trưởng, gọi tôi lên văn phòng cho biết là ông đã gặp Tướng Hưng về việc của tôi và lập lại lời Tướng Hưng nói với ông: “Dưỡng nó làm nư, bỏ lá đơn đi.” Tôi thực tình không làm nư với ông Hưng, mà định xin thuyên chuyển thật. Tôi cũng không ngượng ngùng gì khi gặp ông buổi chiều trước giờ họp. Tuy nhiên mấy ngày sau, Tướng Hưng khi gặp riêng tôi, nói rằng Đại tá Lê Nguyên Vỹ và ông không hợp tính với nhau. Chỉ một tuần sau Tướng Nguyễn văn Minh điều Đại tá V. về làm Phụ tá Hành quân ở Bộ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Chức vụ Tư lệnh phó SĐ5BB không có người thay thế. Có một đại tá khác thuyên chuyển về Sư đoàn là Đại tá Bùi Đức Điềm, nguyên Tỉnh trưởng Long Khánh, Tướng Minh không tín nhiệm, bãi chức. Khi về Sư đoàn Đại tá Điềm cũng chỉ giữ chức Tham mưu trưởng Hành quân mà không phải là tư lệnh phó hay phụ tá hành quân cho Tướng Hưng. Ông Điềm là một đại tá kỳ cựu, người có công rất lớn trong cuộc chiến An Lộc diễn ra một tháng sau đó. Ông ta bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già cằn cỗi trong một xó rừng nào đó của Bình Long. Mãi đến gần cuối năm 1972 Sư đoàn mới có vị tư lệnh phó là Đại tá Nguyễn Bá Long, tự Thìn, nguyên Tỉnh trưởng Kontum, và là người có công rất lớn trong việc giữ vững thành phố tỉnh lỵ này; ở đó hình như cũng có… bất công diễn ra liên quan đến vị đại tá này.
Tôi sẽ nói riêng về những sự bất công của cuộc chiến An Lộc đúng như sự thực, khác hơn nhiều người viết thêm bớt, dù tôi biết là những gì tôi đề cập đến sẽ làm nhiều người không hài lòng và sẽ đem đến cho tôi những ̣điều không tốt lành nào đó. Tôi chấp nhận, khi tôi nói sự thực, và chỉ là sự thực, trước đây có rất nhiều người biết mà không thể nói. Tôi cũng muốn quên đi từ hơn mấy chục năm qua. Nhưng không thể quên được. Nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng hào quang của những vị anh hùng trong QLVNCH đã bị số ít người lãnh đạo bất xứng với những vầng mây u ám, nhưng quá to lớn của họ, che lấp mất rồi chăng? Tôi đã đắn đo nhiều lắm. Tôi đã câm nín quá lâu khi không nói nỗi oan mà Tướng Hưng hay Đại tá Bùi Đức Điềm, hoặc ai đó nữa, bị trù dập bởi thượng cấp. Đến nay một vài vị còn bị những người ngoại cuộc, không hiểu tường tận, bôi biếm. Nay nghĩ lại, nếu tôi biết mà không nói thì ai sẽ nói…. Tôi là chứng nhân, là người trong cuộc, dù sự hiểu biết của tôi chỉ cho phép tôi nói lên những gì ít nhất và lễ độ nhất. Hôm nay, tôi viết vì những người còn sống nhất là hai cháu Hải và Hà, con của Tướng Hưng, lúc đó mới chỉ là hai đứa trẻ thơ đã mồ côi cha. Nay đã lớn, các cháu cần biết rõ hơn về cuộc đời nhiều sóng gió và khổ tâm của người cha anh hùng của các cháu. Tôi cũng viết gửi về chị Hưng, PKH, hiện cư ngụ ở đâu đó trên đất nước Hoa Kỳ, là tôi hãnh diện có những thời kỳ sống và chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy, với một vị Thần mà lúc đó chúng tôi không hề biết. Thần và người chỉ khác nhau ở mực thước làm người. Những con người tham quyền, cố vị, vinh quang thì muốn hưởng, khi hiểm nguy thì tránh né, vận nước đảo điên thì trốn chạy, buông quân, bỏ cờ, dù là tướng, thì cũng chỉ là những con người tầm thường như mọi người tầm thường khác. Tướng mà coi mạng sống của bản thân và của gia đình mình quá nặng thì làm sao có thể thành anh hùng hay thành Thần được. Còn làm Tướng mang sinh mệnh đền ơn tổ quốc, chết theo thành, thì thiên cổ đã ghi “Sinh vi Tướng, tử vi Thần.” Lịch sử Việt Nam còn đó, gương kim cổ mãi mãi sẽ còn được rọi soi. Năm vị tướng lãnh của miền Nam Việt Nam tuẫn tiết trong ngày cuối “Tháng Tư Đen” sẽ lưu danh thiên cổ.