VNTB: Từ “khả năng”, nay Việt Nam chính thức bị Lào và Campuchia vượt mặt.
Năm 2013, khi GDP của Lào đạt mức 1.645 USD/ người, Campuchia là 1.007 USD/ người, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm là vượt mình”.
Hai năm sau, dự báo đó đã trở thành hiện thực, nhưng nó không còn dừng ở GDP bình quân đầu người nữa, mà về chính năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất, theo báo cáo của WB và WEF cho hay.
“Khả năng ứng dụng công nghệ mới và hấp thu công nghệ yếu” khiến doanh nghiệp Việt rớt hạng so với doanh nghiệp hai nước anh em. Nó mở ra một cánh cửa mà nền kinh tế Việt Nam không hề mong muốn, đó là sự phát triển Việt Nam hiện nay vẫn cố hữu dựa trên tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ, thay vì công nghệ (chuỗi giá trị, và trình độ sản xuất).
Trong khi đó, nền kinh tế Việt đang đối diện với nỗi lo với doanh nghiệp FDI, khi sự biệt đãi về thuế không giúp cho khối doanh nghiệp này bám rễ tại Việt Nam, trong một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Tăng lên nhiều lần so với khảo sát vào năm 2013, khi Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%)… Lào (4,13%). Và con số này đang tăng theo từng năm.
Tham nhũng, nền hành chính công nặng nề với hàng tá quy định pháp luật nhưng kém hiệu quả. Tất cả đã khiến Việt Nam tụt hậu ngày càng xa, không còn là đối với khu vực Đông Nam Á, mà rớt xuống ở vị trí Đông Dương.
Tin liên quan: Có lẽ, nhận định Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt qua không còn là dự báo mà đã dần thành hiện thực. Số liệu thống kê của WB và WEF cho thấy, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đã bị 2 nước láng giềng vượt lên về năng lực cạnh tranh, trình độ sản xuất…
Theo các chỉ số thống kê xếp hạng của Ngân hàng Thế giới – World Bank và Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF cho thấy, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nguy cơ bị Lào và Campuchia vượt qua về cả năng lực cạnh tranh, khả năng vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, và trình độ sản xuất.
Trước thềm hội nhập, Việt Nam đang gặp phải những vấn đề rất đáng lo ngại như đầu tư đào tạo nhân viên yếu; khả năng ứng dụng công nghệ mới và hấp thu công nghệ yếu; trình độ marketing đều bị xếp sau Lào và Campuchia, chỉ hơn mỗi Myanmar.
Trong khi đó, Lào và Campuchia đang có những bước cải thiện mạnh mẽ trong mấy năm qua và hơn hẳn Việt Nam về sự năng động của doanh nghiệp, theo các thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới cũng như Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Những điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo doanh nghiệp trong nước sẽ bị “đuối” và khó thoát ra khỏi vị thế mãi gia công, xuất khẩu thô chiếm tỷ trọng cao khi hội nhập.
Nếu xét về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam đang được xếp trên 3 nước là Lào, Campuchia và Myanmar – nhóm có đóng góp khoảng 4% GDP toàn khối. Trong khi đó, nhóm có năng lực cạnh tranh cao hơn Việt Nam đang chiếm đến 88% GDP toàn khối.
Tuy nhiên, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí thời gian chờ và nộp thuế cao nhất trong khu vực. Báo cáo của World Bank cho thấy, trong nhiều năm liền số giờ trung bình cho một doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế và đóng được thuế là 872 giờ, gấp hơn 10 lần so với Singapore, gấp 2,5 lần so với Lào và hơn 5 lần so với Campuchia.
Nguồn: Số liệu WEF 2014 – 2015
|
Xét về mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp, hiện trình độ sản xuất của Việt Nam được WEF xếp sau cả Lào và Campuchia, chỉ cao hơn Myanmar.
Báo cáo cho thấy, doanh nghiệp ở Lào có năng lực đổi mới và sáng tạo; độ chuyên sâu cao hơn doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, trình độ marketing của các doanh nghiệp ở Lào và Campuchia được WEF đánh giá cao hơn cả Việt Nam.
Điểm quan trọng trong năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là đào tạo nhân viên và thu hút nhân tài, hiện Việt Nam vẫn bị xếp sau cả Lào và Campuchia.
Còn khoảng hơn 6 tháng nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC sẽ có hiệu lực. 10 nước ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế tự do với quy mô 2.400 tỷ USD (năm 2013) với 600 triệu người dân.
Giữa các nước thành viên trong cộng đồng AEC sẽ là dòng chảy hoàn toàn tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng (bước đầu với 8 nhóm ngành: bác sĩ, nha sĩ, y tá, kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, giám định và du lịch).
Nguồn: Số liệu WEF 2014 – 2015
|
Theo những chỉ số đưa ra, tương lai các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên không là một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi, dù cho Việt Nam đang thu hút dòng vốn FDI từ các nơi đổ về thì các doanh nghiệp trong nước được gì từ những ưu đãi Chính phủ đã dành cho các doanh nghiệp FDI?
Mặc khác, Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển dựa vào thiên nhiên ban phát. Điều này một lần nữa khẳng định qua chỉ số chuyển giao công nghệ với FDI. So với cả Lào và Campuchia, FDI vào Việt Nam nhắm vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Theo đó, WEF đánh giá chỉ tiêu chuyển giao công nghệ với FDI trong khối ASEAN của Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar, lại một lần nữa được xếp thấp hơn Lào, Campuchia.