Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tỷ giá ngoại tệ ở Việt Nam sắp biến động mạnh?

Hàn Lam

 

(VNTB) – Nếu Fed nâng lãi suất 1 điểm phần trăm, thị trường sẽ có nhiều biến động

 

Khả năng Fed tăng lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm  trong ít hôm nữa là khá chắc chắn. Điều này liệu có tác động mạnh đến mặt bằng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam?

Tin tức cho hay Uỷ ban Thị trường mở Liên bang Hoa Kỳ (FOMC) – bộ phận quyết định lãi suất trong Fed – sẽ nâng lãi suất 0,75 % lần thứ ba liên tiếp khi kết thúc cuộc họp vào lúc 14g chiều ngày thứ Tư (21-9) theo giờ Washington. Với bước nhảy này, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên ngưỡng 3-3,25%.

Ghi nhận ngày đầu tuần 19-9, giá USD tại các ngân hàng thương mại Việt Nam đang ở mốc 23.800 đồng/USD, còn ở thị trường tự do mỗi đồng USD đang vượt 24.100 đồng.

Đồng nội tệ nhiều quốc gia sẽ ‘yếu đi’?

Tiếp theo sau Fed là quyết định vào thứ Năm (22-9) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản được dự đoán sẽ vượt quá mức 3% do dự đoán BoJ sẽ tiếp tục bám sát chủ trương nới lỏng tiền tệ chưa từng có. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng nhóm họp vào thứ Năm (22-9) và dự kiến ​​sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất lớn khác – một động thái có thể chứng kiến ​​tỷ giá Thụy Sĩ chuyển biến tích cực lần đầu tiên sau tám năm.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ họp vào thứ Năm (22-9) sau khi cuộc họp tuần trước bị trì hoãn một tuần vì tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, điều này sẽ đưa lãi suất ngân hàng lên 2,25%.

Dự báo, trong kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, thị trường sẽ có phản ứng tích cực và ngược lại nếu Fed nâng lãi suất 1 điểm phần trăm, thị trường sẽ có nhiều biến động, chỉ số VN-Index có vùng hỗ trợ ở 1.218-1.220 điểm.

Việc Mỹ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tác động đến kinh tế thế giới ở một số phương diện như đẩy mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm. Đồng thời, khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD. Điều này có thể kích thích xuất khẩu, nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu.

Lãi suất USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ, và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ.

Tuần lễ căng thẳng của những người làm chính sách

Với tình hình như trên, các khuyến nghị cho tuần giao dịch chứng khoán hiện tại là tập trung vào việc hạn chế giải ngân mới, tái cấu trúc danh mục theo hướng phòng thủ nhằm tránh rủi ro trước các biến động khó lường.

Áp lực tăng lãi suất của Việt Nam hiện nay rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng rất cao.

Ghi nhận tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế do Thủ tướng chủ trì hồi trung tuần tháng 9-2022, cựu quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia – ông Trương Văn Phước đưa ra cảnh báo việc đang mất cân đối giữa huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay lên tới 7%, tạo áp lực rất lớn.

Theo quan điểm của ông Phước thì Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. “Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá”, ông Phước nói và giải thích rằng, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn.

Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Ổn định tỷ giá là một mục tiêu quan trọng để kiểm soát lạm phát. Điều này cho thấy để ổn định kinh tế vĩ mô, có thể Việt Nam phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn, có nghĩa con số báo cáo thành tích về kinh tế sắp tới đây sẽ không được đẹp như kỳ vọng của lãnh đạo.

Phản ứng rất nhanh của thị trường

Áp lực giảm điểm trên thị trường quốc tế dần hiện diện rõ rệt hơn lên chứng khoán Việt Nam. Thông tin bất định về việc Fed có thể tăng lãi suất mạnh khiến các thị trường tài chính rơi vào đợt điều chỉnh mạnh.

Thị trường chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần khi lực bán đột ngột tăng mạnh. Lực bán dâng cao trước đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa “đạp” VN-Index cuối phiên hôm 19-9 bay mất 28,6 điểm, tương ứng giảm 2,32%, xuống 1.205,43 điểm.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index còn bị rớt sâu hơn với 3,16%, xuống 264,25 điểm. Toàn thị trường có hơn 100 cổ phiếu giảm sàn hết biên độ và cùng với hơn 700 mã rớt dưới giá tham chiếu. Số lượng cổ phiếu tăng giá lội ngược dòng khá thấp.

Các cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm cũng đồng loạt đi xuống như BVH giảm 5,2%, TPB giảm 4,9%, STB giảm 3,8%, MBB giảm 3,7%… khiến cho thị trường không có cơ hội gượng dậy.

Giao dịch của khối ngoại cũng trở nên ảm đảm nhưng theo chiều hướng hỗ trợ. Trên sàn HoSE, khối này mua vào 828 tỷ và bán ra 679 tỷ, tương đương mua ròng 149 tỷ đồng. Các mã được mua nhiều là HPG và DGC.

Dự báo trước cho tuần 19 đến 23-9, phần lớn các đơn vị phân tích nhận định không mấy lạc quan do dòng tiền của nhà đầu tư vẫn tiếp tục thận trọng. Thêm vào đó, dòng tiền mua cũng ưu tiên đứng ngoài quan sát trước cuộc họp lãi suất của Fed diễn ra vào ngày 20 và 21-9 cận kề.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thị trường trái phiếu nóng lạnh thất thường vì nền kinh tế định hướng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà đầu tư nước ngoài rời Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – VCCI: thay tên để phù hợp thời thế?

Phan Thanh Hung

1 comment

Công Tâm 20.09.2022 9:44 at 09:44

Mua đô mà trữ nha bà con, có đổi tiền cũng không sợ!

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo