Dân Trần
(VNTB) – Tỷ lệ ly hôn đang tăng cao bất thường tại Việt Nam do nhà nước đã làm không tốt cả giáo dục lẫn kinh tế
Theo số liệu mới nhất của tòa án tỉnh Hải Dương, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh này có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn, tỷ lệ ly hôn chiếm tới 63%. Tức là cứ 3 cặp kết hôn thì có 2 cặp ly hôn. (1)
Trong một báo cáo hồi năm 2022 thì, trung bình hàng năm Việt Nam có 2 triệu cặp kết hôn và 600.000 vụ ly hôn. Tỷ lệ là cứ 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Nếu so sánh với số liệu tại Hải Dương thì có thể thấy tỷ lệ ly hôn đang tăng bất thường tại Việt Nam.
Các số liệu thống kê rằng có 70% số lượng ly hôn là nằm trong nhóm các gia đình trẻ. 70% số người nộp đơn ly hôn là phụ nữ. 60% các vụ ly hôn diễn ra chỉ sau 1-5 năm kết hôn. (2)
Khảo sát của nhà chức trách cho thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ly hôn là do các cặp vợ chồng trẻ thiếu kỹ năng sống, không có khả năng giải quyết mâu thuẫn. Ngoài ra thì yếu tố kinh tế khó khăn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội như cờ bạc rượu chè ma túy cũng khiến cho các cặp vợ chồng phải ra tòa để kết thúc hôn nhân.
Tuy nhiên nếu đổ lỗi cho người trẻ nói riêng và người dân nói chung thì không đúng mà Nhà nước cần phải nhìn lại cách giáo dục và quản lý xã hội hiện nay để xây dựng xã hội phát triển bền vững. Tuyên giáo thường nói “gia đình là tế bào của xã hội”, nhưng nếu các tế bào tự tan rã, có khác nào xã hội bị ung thư.
Hệ thống giáo dục hiện nay vẫn chưa thể bỏ qua những cái nhìn cổ hủ, lạc hậu về vấn đề tâm sinh lý cho trẻ, dẫn đến việc các em quan hệ tình dục không an toàn, mang thai sớm cũng là một nguyên nhân dẫn tới kết hôn sớm và ly hôn nhanh. Giới trẻ không hề có những khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý mâu thuẫn, đối thoại và những buổi học về hôn nhân để chuẩn bị cho cuộc sống lứa đôi lâu dài.
Giáo dục xã hội chủ nghĩa chỉ tập trong vào những môn chính rồi vẽ ra giấc mơ giàu sang cho người trẻ mà bỏ đi những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Có nhiều tiền nhưng không có kỹ năng sống, không biết cách sử dụng đồng tiền, sử dụng cuộc sống của mình một cách hữu ích thì làm sao hạnh phúc được?
Đó là nói trường hợp lý tưởng nhất là học xong rồi đi làm có nhiều tiền. Còn thực tế Việt Nam hiện nay thì học cao cũng vẫn thất nghiệp như thường. Chứng tỏ nhà nước đã làm không tốt cả giáo dục lẫn kinh tế. Và các khó khăn về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới ly hôn cao.
Thế là thành ra cái vòng luẩn quẩn ở Việt Nam: giáo dục yếu kém dẫn tới con người thiếu kỹ năng sống, người thiếu kỹ năng sống thì kinh tế không phát triển, nghèo mà không có kỹ năng thì lại dẫn tới ly hôn. Ly hôn thì con cái lại không có đủ tình thương và sự giáo dục của cha mẹ, rồi tất cả càng ngày càng đi xuống…
Chưa kể các tệ nạn cờ bạc ma túy cũng do nhà nước điều hành mà ra. Người dân rượu chè rồi gây bạo lực gia đình thì phải tăng giá bia rượu, còn đằng này giá bia thì rẻ mà giá sữa thì mắc. Không chỉ bạo lực mà còn là vấn đề thể lực, nòi giống dân tộc bị suy kiệt nữa.
Chưa hết, cha mẹ ly hôn rồi nói xấu nhau với con cái, bơm vào đầu con mình những hình ảnh xấu về đối phương. Tuổi thơ của trẻ em đã không đầy đủ mà còn ngập trong thù hận của cha mẹ thì các con sao có thể phát triển trọn vẹn được. Không có đầy đủ sự giáo dục của cha mẹ thì lại dẫn tới tệ nạn… Con trẻ lớn lên như vậy thì lại thêm một thế hệ ly hôn cao nữa.
Một xã hội mà nhìn đâu cũng thấy mâu thuẫn, nhìn đâu cũng thấy những ứng xử vô văn hóa. Sẵn sàng gây gổ vì những lý do nhỏ nhặt nhất thì nó không phải là câu chuyện của cá nhân với nhau nữa rồi. Đây là câu chuyện về trách nhiệm và cách quản lý xã hội của nhà cầm quyền. Nếu không sớm xây dựng các chính sách vĩ mô toàn diện cho đất nước thì một ngày không xa Việt Nam sẽ trở thành bãi chiến trường, mâu thuẫn nhau từ trong nhà ra ngoài đường, từ nhà trường tới xã hội…
______________________
Tham khảo:
(2) https://laodong.vn/gia-dinh-hon-nhan/ly-do-chinh-khien-ti-le-ly-hon-cua-nguoi-viet-ngay-cang-tang-chu-yeu-do-phu-nu-de-don-1265044.ldo
1 comment
Rất tốt . Việt Nam đã bắt kịp Mỹ trong mặt này