Trọng Nghĩa
(VNTB) – Những cộng tác viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vừa có chuyến đi thực tế ở cù lao Long Sơn, trực tiếp thăm hỏi những hộ dân nuôi cá trên sông Chà Và. Tình hình, cá vẫn đang tiếp tục chết sau mỗi lần có công ty xả thải, ngư dân lỗ lã, ngân hàng siết nợ. Làng bè Long Sơn có nguy cơ bị xóa sổ.
Làng bè Long Sơn trên sông Chà Và
Cá chết kéo dài, dân làng bè Long Sơn điêu đứng
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu, tại thời điểm tháng 9/2013 có 115 hộ, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và với 2.866 lồng nuôi, ứng với diện tích mặt nước 13,52ha. Theo quy hoạch, dự kiến có 7 khu với 5.827 lồng nuôi, tương ứng với diện tích 64,8ha.
Sáng 13.10.2106, bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản lôi xác cá chết đến bao vây nhà máy và chặn Quốc lộ 51 vì trong 5 năm qua, năm nào cá cũng bị chết do ô nhiễm sông Chà Và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người ngư dân.
Đáng lưu ý nhất là 2 đợt cá lồng bè chết hàng loạt vào tháng 9/2015 và tháng 8/2016. Theo người nuôi cá trên sông Chà Và (thuộc xã đảo Long Sơn, Vũng Tàu), cá có biểu hiện bỏ ăn, đốm đầu rồi chết. Các hộ dân cho biết, nước trên sông có màu và mùi hôi thối như nước thải.
Viện Môi trường và Tài nguyên kết luận, nguyên nhân khiến cá chết đa phần do nguồn nước bị ô nhiễm bởi hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy nước thải chưa qua xử lý xả ra khu vực cống số 6 và đổ thẳng ra sông Chà Và.
Bức xúc, 33 hộ dân đồng loạt khởi kiện 14 doanh nghiệp buộc bồi thường nhưng đến nay chỉ 2 trong số 14 doanh nghiệp chịu chi trả một phần thiệt hại. Tổng số tiền bồi thường khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương bồi thường 21 triệu đồng, Công ty TNHH Nghê Huỳnh bồi thường gần 280 triệu đồng.
Tổng thiệt hại của ngư dân hàng trăm tỷ đồng, vì vậy số tiền bồi thường 300 triệu là quá ít ỏi, tính ra mỗi hộ được bồi thường chưa tới 10 triệu trong khi có hộ thiệt hại đến hàng tỷ đồng, hộ nào thiệt hại ít cũng vài trăm triệu. Cũng cần nói thêm rằng, thiệt hại do 14 doanh nghiệp gây ra ảnh hưởng đến tất cả hơn 100 hộ dân chứ không riêng gì 33 hộ đi kiện.
14 doanh nghiệp chế biến hải sản xả thải bị kiện là: Doanh nghiệp tư nhân Trọng Đức, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành, Doanh nghiệp tư nhân chế biến bột cá Phúc Lộc, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, Doanh nghiệp tư nhân Đông Hải, Doanh nghiệp tư nhân Trung Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Thương Thương, Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang, Doanh nghiệp tư nhân Gia Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương, Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt.
Doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm, quan chức thờ ơ, công lý bị trì hoãn
Những cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp, nếu xả thải làm cá chết phải bị xử phạt và bồi thường cho dân theo qui định của pháp luật. Thế nhưng không ngờ, ông Lê Tuấn Quốc – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tỏ ra bất lực khi nói rằng: “doanh nghiệp xả nước thải ô nhiễm ra làm cá chết thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao.”
Từ 9/2015 đến nay, các hộ dân nuôi cá đi khiếu kiện đã mệt mỏi, không còn tiền và sức lực để đi nữa. Anh Lê Văn Cường, người nuôi 20 lồng cá buồn rầu nói rằng “chính quyền làm việc như bắt cóc bỏ dĩa”, bây giờ chỉ có “bắc thanh lên kiện ông trời” thôi.
Cá vẫn đang tiếp tục chết sau mỗi lần có công ty xả thải, ngư dân lỗ lã, ngân hàng siết nợ. Làng bè Long Sơn có nguy cơ bị xóa sổ. Thế nhưng 12/14 công ty hủy hoại môi trường vẫn ngang nhiên hoạt động và phủi tất cả trách nhiệm khi hậu quả xảy ra.
Tại sao quan chức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại tỏ ra bất lực trước 12 công ty đến khó hiểu? Phải chăng 12 công ty này đã nuôi các quan béo tròn nên các quan trở nên chậm chạp, thờ ơ và vô cảm?
Giờ đây, tâm trạng của ngư dân làng bè Long Sơn không chỉ là bức xúc, bất bình nữa mà chuyển sang uất hận.
Uất hận những công ty vì lợi nhuận mà làm ăn thất đức, giết sông Chà Và, triệt đường sống của ngư dân. Uất hận những quan chức lãnh lương từ tiền thuế của dân nhưng vô trách nhiệm, trì hoãn công lý.
Đó là Uất hận Chà Và.