Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ứng cử viên Quốc hội ở Việt Nam có được quyền tự vận động lá phiếu cử tri?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ứng cử viên Quốc hội ở Việt nàm  “không” được quyền tự vận động, vì theo quy định, kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử thuộc ngân sách nhà nước.

 

Lý thuyết là vậy. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành khiến các cuộc tổ chức gặp gỡ cử tri bị giới hạn, mới đây luật sư Trương Trọng Nghĩa đã ‘vận động tranh cử’ qua việc ‘mở còm-men’ ở tài khoản cá nhân facebook của ông. Ông là một người dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ông còn ‘mua quảng cáo’ cho nội dung ‘vận động tranh cử’ này.

Các fanpages ở một số địa phương cũng lựa chọn việc ‘vận động tranh cử’ tương tự như luật sư Trương Trọng Nghĩa.

Câu hỏi đặt ra: liệu cách ‘tự thân vận động’ như trên có vi phạm pháp luật? Câu trả lời là… còn tùy trường hợp.

Cụ thể, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ở điều 68 “Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử”, ghi:

1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

Như vậy, trường hợp luật sư Trương Trọng Nghĩa tự bỏ tiền túi ra để ‘mua quảng cáo’ phần nội dung ở tài khoản cá nhân facebook về ‘tranh cử’, là không nằm trong quy định cấm đoán nào.

Liên quan chuyện bầu cử cho thấy ở Việt Nam dường như vẫn còn quá dè dặt trong việc thích ứng thời cuộc và công nghệ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan nhanh trong cộng đồng ở Việt Nam, tính đến hiện tại thì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đưa ra giải pháp là để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở trung ương về ứng cử tại địa phương xét nghiệm Covid-19 trước khi tiếp xúc cử tri.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, liệu xử trí nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở những cử tri dân chúng tham dự buổi tiếp xúc này ra sao?

Cuối giờ chiều ngày 7-5, Bộ Y tế có công điện cho biết dịch Covid-19 đang diễn biến nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Chủng virus ghi nhận lần này, theo kết quả giải trình tự gen mới nhất, là chủng Anh và chủng Ấn Độ, đều là chủng biến thể lây lan nhanh, theo Bộ Y tế là “siêu lây nhiễm”.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nâng mức cảnh báo dịch lên cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện. Tại các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân dài ngày.

Như vậy, với diễn biến ngày càng xấu đi của dịch Covid-19 ở gần 20 tỉnh, thành trên toàn quốc, rõ ràng cần nhanh chóng ‘cởi trói tư duy’ qua việc chấp nhận tất cả các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân được quyền ‘tự giới thiệu’/ ‘tự tranh cử’ qua các tài khoản xác lập cá nhân trên mạng xã hội được nhiều người dân Việt ưa dùng như facebook, youtube, zalo.

Việc ‘tự tranh cử’ còn cho thấy khả năng hùng biện của một chính khách, sự rạch ròi về những đề xuất quyết sách thiết thực dân sinh ở cụ thể nơi mà ứng cử viên ấy sẽ nhận lá phiếu của cử tri.

Cá nhân người viết cho rằng giả dụ như ông Phùng Xuân Nhạ từng có những clip ‘tranh cử’ ở tài khoản youtube hay facebook của ông, thì chắc là sẽ không có việc người đời mỉa mai về một chính khách đứng đầu ngành giáo dục lại ‘nói ngọng’ và ‘tài cán’ cũng giới hạn…

Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”.

Như vậy, xem ra vẫn còn nhiều thời gian cho việc các ứng cử viên chủ động tự tranh cử “bình thường trong trạng thái mới” như tuyên bố hồi nào ở lúc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngồi ghế Thủ tướng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Vụ án bà Mười Tường

Phan Thanh Hung

VNTB – Vừa là bị cáo, vừa là bị hại

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Dân chủ và quyền tự chủ của doanh nghiệp?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.