Anh Khoa dịch
(VNTB) – Hồ sơ các bài phát biểu nội bộ do một hội đồng có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố cho thấy Tập Cận Bình đã thiết lập kế hoạch chi tiết cho chiến dịch đồng hóa cưỡng bức quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân thiểu số khác
Chú thích ảnh: Các nhà hoạt động nhân quyền và học giả cho biết, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và sắc dân khác đã bị nhốt trong các trại tập trung ở Tân Cương. Lối vào Trung tâm giam giữ số 3 Urumqi ở Dabancheng, Tân Cương, vào tháng Tư.
Tác giả: Josh Chin
Cập nhật ngày 30 tháng 11 năm 2021
Một hội đồng luật sư và nhà hoạt động ở Vương quốc Anh đã công bố tài liệu bị rò rỉ của chính phủ Trung Quốc, làm sáng tỏ thêm vai trò của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong việc chỉ đạo chiến dịch cưỡng bức đồng hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở vùng Tây Bắc Tân Cương.
Bản sao tài liệu, một số được đánh dấu là tối mật, mô tả các bài phát biểu nội bộ của ông Tập và các lãnh đạo cấp cao khác của ĐCSTQ liên quan đến tình hình Tân Cương từ năm 2014 đến 2017, giai đoạn chiến dịch đồng hóa được hình thành và phát động.
Tài liệu cho thấy Tập Cận Bình cảnh báo về sự nguy hiểm của ảnh hưởng tôn giáo và tình trạng thất nghiệp ở các nhóm dân thiểu số, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “tỷ lệ dân số”, hay sự cân bằng về dân số giữa các sắc dân thiểu số và người Hán, nhằm duy trì quyền kiểm soát trong khu vực này.
Bản sao tài liệu đã được đăng vào hôm thứ Ba trên trang web của Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một nhóm phi chính phủ đã triệu tập các phiên điều trần ở London về các cáo buộc vi phạm nhân quyền chống lại người Duy Ngô Nhĩ, nhóm thiểu số lớn nhất ở Tân Cương.
Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu về chính sách dân tộc Trung Quốc có trụ sở tại Minnesota, cho biết ông đã được Tòa án Duy Ngô Nhĩ nhờ điều tra tính xác thực các tài liệu này, và ông đã thực hiện với sự giúp đỡ của hai chuyên gia khác.
Ông Zenz cho biết các tài liệu này có thể nằm trong bộ tài liệu đã được tờ New York Times đưa tin vào năm 2019. Tờ Thời báo New York đã công bố một văn bản dài khoảng một chục trang, nhưng không sao chép đầy đủ bất kỳ tài liệu nào. Ông Zenz nói rằng trong khi báo cáo của Tờ New York Times cho thấy sự tham gia trực tiếp của ông Tập trong việc lập kế hoạch cho chiến dịch của ĐCSTQ ở Tân Cương, thì bộ tài liệu này tiết lộ đầy đủ hơn.
Ông nói: “Ảnh hưởng cá nhân của Tập Cận Bình trong nhiều chi tiết của chiến dịch tàn bạo này lớn hơn đáng kể so với những gì chúng tôi biết trước đây.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc ông Zenz và Tòa án Duy Ngô Nhĩ tung tin đồn, thêm rằng tòa án này không có tư cách pháp lý. “Bất kể những tên hề chống Trung Quốc này hoạt động như thế nào, sự phát triển của Tân Cương ở Trung Quốc sẽ ngày càng tốt hơn,” cơ quan này nói.
Không thể xác định được nguồn rò rỉ. Một phát ngôn viên của TờNew York Times xác nhận rằng các tài liệu do Tòa án Duy Ngô Nhĩ phát hành đã được tờ báo này đưa tin vào năm 2019, đồng thời nói thêm rằng họ không tiết lộ tài liệu cho tòa án.
Tân Cương, nằm ở cửa ngõ Trung Á, là nơi sinh sống của khoảng 14 triệu người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác. Các nhà hoạt động nhân quyền và học giả cho biết chính quyền Trung Quốc trong khu vực đã nhốt ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác trong các trại giam giữ trong chiến dịch đồng hóa sắc tộc sâu rộng như hạn chế thực hành tôn giáo, truyền bá chính trị, lao động cưỡng bức, chia cách các gia đình và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát sinh đẻ.
Các chính sách của ĐCSTQ ở Tân Cương đã dẫn đến các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác và giúp thúc đẩy các nhà hoạt động nhân quyền tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp tới.
Chính quyền Trung Quốc gọi các trại này là cơ sở đào tạo nghề và chiến dịch của họ trong khu vực là một cách tiếp cận sáng tạo để đối đầu với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Trong nhiều thập niên, Bắc Kinh đã chiến đấu với một phong trào ly khai và thỉnh thoảng hoạt động bạo lực nhỏ ở Tân Cương. Tân Cương có vị trí trung tâm trong dự án cơ sở hạ tầng – Sáng kiến Vành đai và Con đường – trị giá hàng nghìn tỷ đô la của Tập Cận Bình.
Học giả truy nguồn gốc chiến dịch của ĐCSTQ ở Tân Cương dẫn đến một loạt các cuộc tấn công của những người ly khai Duy Ngô Nhĩ, bao gồm một cuộc tấn công ở Bắc Kinh và một cuộc tấn công khác ở thành phố Côn Minh ở Tây Nam Trung Quốc, vào năm 2013 và 2014. Tập Cận Bình đã đến thăm Tân Cương ngay sau cuộc tấn công Côn Minh, khởi động cái gọi là một “cuộc chiến tranh nhân dân chống khủng bố.”
Hầu hết các tài liệu được công khai hôm thứ Ba được lưu hành nội bộ vào mùa xuân năm 2014. Trong phần tổng quan kèm theo, ông Zenz viết rằng ông đã kiểm tra tính xác thực của tài liệu, một phần bằng cách so sánh nội dung của chúng với các bài báo của truyền thông nhà nước về chiến dịch của ĐCSTQ ở Tân Cương và các tài liệu khác của chính phủ sau đó được công bố rộng rãi.
Tòa án Duy Ngô Nhĩ quyết định không công bố các tài liệu gốc để bảo vệ nguồn tin, theo ông Zenz. Thay vào đó, tổ chức này công bố các bản sao của bản gốc sao chép lại hình thức và nội dung, loại bỏ đi bất kỳ dấu hiệu nào có thể tiết lộ nguồn tin.
Trong nhiều trường hợp, ông Zenz lưu ý, những cụm từ được Tập Cận Bình nói lần đầu tiên trong bài phát biểu năm 2014 sau đó xuất hiện trong các văn bản chính sách của chính phủ hoặc được lặp lại và quy cho các quan chức cấp cao khác.
Ví dụ, một bản ghi bài phát biểu của Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Tân Cương vào tháng 5 năm 2014, trích lời ông nói rằng Đảng “không được do dự hoặc dao động trong việc sử dụng vũ khí của chế độ độc tài dân chủ nhân dân và tập trung sức lực để đánh một đòn trí mạng” vào các thế lực thuộc chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Tân Cương.”
Tờ Tân Cương Nhật Báo, một tờ báo chính thức của Nhà nước Trung Quốc, đã đưa ra câu trích dẫn gần giống vậy, gán cho quan chức hàng đầu của khu vực lúc bấy giờ, Zhang Chunxian, vào tháng sau.
Bài phát biểu vào tháng 5 năm 2014 của Tập Cận Bình cũng báo trước một chương trình lao động sâu rộng cho người Duy Ngô Nhĩ trong ngành dệt may và các ngành khác mà các nhà hoạt động lao động cáo buộc thường liên quan đến cưỡng bức, và điều này đã dẫn đến lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nhập khẩu được làm bằng bông Tân Cương.
“Vấn đề việc làm của Tân Cương là rất quan trọng. Phần lơn người thất nghiệp không làm gì có thể sẽ gây rắc rối,” Tập nói. Ngược lại, làm việc trong các doanh nghiệp “có lợi cho sự tương tác, giao lưu và hòa trộn giữa các sắc tộc”.
Trong một bài phát biểu khác chưa từng được công bố trước đây, Tập Cận Bình cho rằng “tỷ lệ dân số và an ninh dân số là nền tảng quan trọng cho hòa bình và ổn định lâu dài”. Cụm từ này được một quan chức cấp cao của Tân Cương lặp lại từng chữ sáu năm sau đó để cảnh báo rằng tỷ lệ dân số gốc Hán ở miền nam Tân Cương nơi người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số là “quá thấp”, chỉ ở mức 15%.
“Một câu nói của Tập Cận Bình là đã ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách,” ông Zenz nói.
Tài liệu cho thấy Tập Cận Bình phân biệt “tinh thần tôn giáo thuần túy” với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, lập luận rằng “các hoạt động tôn giáo bình thường và các quyền hợp pháp của các tôn giáo phải được bảo vệ.” Tuy nhiên, theo tài liệu Tập Cận Bình cũng phản đối cái gọi là sự can thiệp của tôn giáo vào các vấn đề của “cuộc sống thế tục”, chẳng hạn như hôn nhân, tang lễ và tìm kiếm vợ / chồng.
Trên thực tế, như Tờ The Wall Street Journal đã đưa tin, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị đe dọa giam giữ hoặc đưa đến trại tập trung vì tham gia vào các hoạt động tôn giáo phổ biến như cầu nguyện hàng ngày và sở hữu Kinh Quran.
“Khi tôn giáo liên quan đến các vấn đề của nhà nước — và tất nhiên ‘các vấn đề của nhà nước’ gần như là tất cả mọi thứ — thì đó chính là chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và cần phải chống lại,” ông Zenz nói.
Tài liệu bị rò rỉ cũng có bài phát biểu năm 2017 của bí thư Tân Cương Chen Quanguo trực tiếp liên kết các trại giam với mệnh lệnh của Bắc Kinh, đưa chúng vào danh sách nền tảng giám sát hàng loạt của khu vực như một ví dụ về nỗ lực “thực hiện đầy đủ mục tiêu trung tâm” do Tập Cận Bình đặt ra cho Tân Cương.
Theo ông Zenz, Tòa án Duy Ngô Nhĩ đã nhận được 11 tập tài liệu tổng cộng 300 trang. Tài liệu không có phần hỏi đáp của quan chức Tân Cương nêu ra những điều cần nói khi trả lời người Duy Ngô Nhĩ về việc người nhà họ bị giam giữ như trong báo cáo của tờ New York Times năm 2019.
Tòa án chỉ công bố bản chép lại của ba trong số 11 tài liệu vào thứ Ba, các bản chép lại khác sẽ được công bố trong tương lai, ông Zenz nói.
David Tobin, một học giả Tân Cương tại Đại học Sheffield của Vương quốc Anh và James Millward, một nhà sử học Đại học Georgetown, đã xem xét các tài liệu gốc và phân tích của ông Zenz. Ông Tobin cho biết trong khi nhiều ý tưởng về tôn giáo và quản lý dân tộc thiểu số đã xuất hiện trước đây ở Trung Quốc, tài liệu rò rỉ đánh dấu một sự thay đổi vì chúng đến từ trung tâm đầu não.
Về hông điệp Tập Cận Bình gửi tới các quan chức, Tobin nói: “Đó không phải là hệ tư tưởng để học tập hay suy ngẫm mà là mệnh lệnh. Các vị không thể chống lại hoặc phản đối.”
Nguồn: WSJ