Dương Tử
(VNTB) – Lúc mình sai thì chung quanh đúng, nhưng mình đúng thì chung quanh lại sai…
***
Trước các ngày “lễ hội tân thời” của chế độ, bộ máy tuyên truyền gây mê lại kích hoạt báo đài nhà nước. Như dịp “Cách mạng tháng Tám” và “quốc khánh 2/9”. Có những người chuyên trách “nghề căm thù giặc” lại túi bụi tác nghiệp đặng làm hài lòng những cựu binh và lão thành “cách mạng” hàm ý rằng Đảng không quên các người đâu. Thuê đám đạo diễn và đào hát kép đàn biểu diễn những tiết mục “cúng giỗ” dù chỉ để quay video-clip phát trên ti vi, bây giờ phải trả cát-xê cao chúng mới nhận xâu. Trả giá bèo chúng kiếm cớ thoái thác ngay ấy. Dàn bát âm hợp xướng thời buổi này phải có nhóm múa minh hoạ cực sexy mới làm mê ngủ được lớp trẻ khiến chúng khỏi thờ ơ quay lưng với quá khứ.…Tôi là người nghiên cứu văn nghệ văn hoá cũng mạo muội có đôi dòng tùy bút tự do về chủ đề trên.
1. Lớp văn nghệ sĩ đàn anh cay đắng phản tỉnh
Nguyễn Đình Thi người đa tài bậc nhất: nhà thơ, nhạc sĩ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và lý luận gia. Bậc thang chính trị: hạng nhì (chỉ xếp sau Tố Hữu), ông Thi thống lĩnh tất cả (tổng thư ký UB toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật VN.v.v…).
Chuyện kể, tại hội nghị công tác tư tưởng toàn quốc ở Hà Nội tháng 4 năm 1998, có nhiều siêu VIP, cả “tân vương” đến dự. Được mời phát biểu, ông Nguyễn Đình Thi không lên bục mà chỉ ngồi tại chỗ nói chỏng mấy câu:
“Thang giá trị xã hội đang lộn xộn, đảo lộn cả, tưởng kính mà lại khinh, tưởng khinh mà lại kính”. Câu này lưu truyền miệng, không in lên báo chí.
Đó là phát ngôn khá sắc sảo của nhà lý luận văn học.
Còn đây, tâm sự nhà thơ Nguyễn Đình Thi bộc lộ trong những bài thơ cuối đời. Đó là khi ông ta hoang mang nhìn lại con đường cách mạng mà mình đã theo suốt đời:
“Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè ?
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều, mê mải
năm tháng đêm ngày theo một ánh xa”
(Mùa thu vàng)
“Một ánh xa “là cái ảo ảnh ở phiá chân trời, theo đuổi hoài không thấy!
Nhà thơ đấm ngực sám hối bi thương:
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình.
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”
(Gió bay)
ông MVT kể, năm 2005, ông gặp và hỏi ông Thi:”độ này anh đọc, viết gì?”. Ông Thi nói “mình đọc sách Phật”. Tôi lại khuyên anh viết hồi ký. Anh trải qua bao nhiêu sự kiện, viết thì thú vị lắm. Ông Thi nói “khó quá. Lúc mình sai thì chung quanh đúng, nhưng mình đúng thì chung quanh lại sai…”
Và đây Chế Lan Viên, chỉ đứng sau Nguyễn Đình Thi:
“Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười”
(Chế Lan Viên- sổ tay thơ tập 5)
2. Lớp văn nghệ sĩ kế cận trăn trở hoài nghi. “Chẳng nhớ nổi một con đường” và “Vết sẹo thời gian”
Có một trong những ca khúc hiếm hoi được người hâm mộ cả trong nước và hải ngoại cùng ưa thích. Đó là Em ơi Hà Nội phố (tác giả Phan Vũ- Phú Quang).
Một người Hà Nội trở vể quê nhìn ngắm và nhẩm tính nỗi Còn & Mất. Anh không kể mình đã mất những gì. Anh chỉ kể những cái còn tồn tại trong tâm trí:
Liệt kê những cái Còn làm nên gần toàn bộ nội dung khúc ca:
– Ta còn em mùi hoàng lan
– Ta còn em mùi hoa sữa
– Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
– Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
– Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay. Chợt nhòa, chợt hiện.
– Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng, nao nao kỷ niệm”
Trong tâm trạng ngơ ngác bàng hoàng sững sờ, nghệ sĩ kết lại:
“Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.
Biển hiệu tên phố ở kinh thành Thăng Long Hà Nội xuất hiện nhiều cái tên mới lạ hoắc, đặc biệt sau Ngày tiếp quản thủ đô 1954. Vì sao nên nỗi nghệ sĩ quên cả tên phố cổ 36 phố phường ? Ấy là cảm xúc hàm ẩn của nghệ thuật.
Đó là hình tượng tâm tư sáng tạo, chẳng nói nhiều.
Người Việt Nam đều biết rằng Hà Nội là biểu tượng lâu đời nhất của đất nước Việt Nam đau thương và gian khó. Ca khúc Phú Quang trải tâm tư về đất nước của ba miền, chẳng riêng cho người Hà Nội.
“Đâu Phải Bới Mùa Thu” và “Vết Sẹo Thời Gian”
Ca khúc được Phú Quang sáng tác năm 1976, viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn vượt biên năm 1977, dựa ý bài thơ “Yên tĩnh” của nữ sĩ Giáng Vân. Nhạc sĩ Phú Quang kể, vào thời điểm ra đời, ca khúc này từng bị đặt nghi vấn bởi những ca từ “đầy ẩn ý”: Như “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu“. Ca khúc từng bị đem ra mổ xẻ tại 3 cuộc họp và tin rằng “mùa thu ở đây là ám chỉ cách mạng tháng Tám”..v.v.
Phú Quang kể “còn nhớ, 7 năm sau khi tôi viết biết hát, một hôm có anh bạn chỉ huy dàn nhạc nói nhỏ với tôi. “Mình đã cho dựng bài “Đâu phải bởi mùa thu” của cậu cho anh em biểu diễn”. Diễn ở trên sấn khấu thôi, nhưng trên đài sóng quốc gia thì chưa đâu. Phải 10 năm sau ngày ra đời, “Đâu phải bởi mùa thu” mới được làn sóng Radio, TV giới thiệu đến công chúng. “Đâu phải bởi mùa thu” đã trở thành một trong những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Phú Quang với biểu tượng thi ca đa nghĩa nhất, bồi hồi nhất.
Năm 2011, Hội nhạc sĩ đã đưa Phú Quang vào Danh sách đề cử giải thưởng Nhà nước về VHNT, hội đồng quốc gia đủ mọi thành phần, chủ xị là Ban tuyên giáo (Anh nhạc sĩ này có tài năng đấy, được quần chúng hâm mộ đấy, nhưng anh ta chẳng bao giờ ca tụng “cách mạng” và Đảng, Bác. Nêu tấm gương mờ này làm chi ! Hội đồng bỏ phiếu rớt !).
Giữa năm 2021, Phú Quang bệnh nặng, hiện nằm trong bệnh viện, lần này nhiều người nghĩ có thể anh khó qua khỏi. Hội nhạc sĩ sợ thiên hạ chửi, lại đưa tên anh vào danh sách Giải thưởng Nhà nước lần nữa. Vợ nhạc sĩ trả lời phỏng vấn báo chí “Tôi tự ý làm đơn, giấu không cho anh ấy biết, sợ anh giận”…. Vài hôm sau bà xã Phú Quang vội vã cải chính trên tờ báo khác:”tôi có hỏi ý kiến anh, anh ấy gật đầu” (?!)… Khán thính giả hâm mộ Phú Quang đang hồi hộp chờ kết quả bỏ phiếu Phú Quang dịp “quốc khánh 2/9”.
“Em ru gì lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian.
Em ru gì lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lại ?
Em ru gì lời ru cho ta, một đời đam mê, một đời giông tố.
Em ru gì cho ta, qua bao ngày phôi pha ?
Câu hát ngân lên bỗng tắt nữa chừng.
Thôi đừng hát ru! Thôi đừng day dứt.
Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu”.
“Vết sẹo” là dấu tích còn lại của những “vết thương” được thời gian giữ lại..
Nhà văn.nhà thơ, nhạc sĩ là những người tiên phong trong các phong trào văn hóa tư tưởng bằng tác phẩm nghệ thuật. Họ cắm lên những cột mốc mờ ảo trong đời sống tinh thần của một dân tộc.
Bây giờ đầu thế kỷ 21, một lần nữa đời sống văn hóa và tư tưởng lại phân hóa ngày càng rõ rệt và nặng nề. Ngày nay nhìn đời sống nghệ thuật đương đại, nhà nghiên cứu rất khó phân chia luồng lạch trào lưu. Nó đang rơi vào những nốt trầm, bè trầm, nhưng gợi cảm xúc sâu lắng sâu xa.