Việt Nam Thời Báo

VNTB- ‘Vay dân 500 tấn vàng’: Ý tưởng tuyệt vời hay là tư duy bốc hơi?

Trần Thành
(VNTB) – Kết quả cuối cùng thật đáng kinh ngạc. Chỉ trong vài tháng, Hàn Quốc đã huy động được 227 tấn vàng, tương đương hơn 3 tỷ USD… Tuy nhiên, các quốc gia này không giống Việt Nam ở chỗ là họ không tồn tại khái niệm “doanh nghiệp quốc doanh” và họ không phải là một chế độ của cộng sản độc tài toàn trị.

Hiện tượng bốc hơi khiến hồ khô cạn vô cùng nhanh chóng

Ý tưởng tuyệt vời (!?)
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), hiện có khoảng 500 tấn vàng, tương đương 20 tỷ USD, đang được cất trữ trong dân của cả nước chưa được đưa vào lưu thông.
Nếu huy động được nguồn lực này, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch VGTA cho biết, hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, nghiên cứu thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm mục đích lưu động hóa số vàng trong dân, hoàn toàn không vì mục đích buôn bán số lượng lớn vàng miếng, vàng cục… để vàng hóa hoặc làm mất giá trị thị trường và nếu được chấp thuận về mặt chủ trương thì những vấn đề về kỹ thuật tiến hành sẽ tiếp tục được đề xuất, bàn bạc thêm.
Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng, loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp (sàn vàng chui), giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu thuế của các tổ chức, cá nhân giao dịch vàng; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
Đặc biệt, thông qua Sở giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với ý kiến của VGTA, việc DN vay vàng của người dân là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật. Hơn nữa, khi vay vàng của người dân, DN không cho vay lại, không thu phí giữ hộ mà chỉ dùng làm nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Do đó, DN vay vốn bằng vàng không tạo tâm lý đầu cơ tích trữ trong dân, không ảnh hưởng đến lộ trình giảm “vàng hoá” trong nền kinh tế, vì thực tế với số lãi chỉ 1-1,2%/năm là rất thấp so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại thì người dân sẽ không đổ xô đi mua vàng để cho DN vay kiếm lời.
VGTA cũng cho biết, tổng số lượng vàng mà các DN là thành viên của Hiệp hội vay của người dân trong năm 2015 cũng chỉ trong khoảng 20.000 lượng, tương đương 750 kg vàng. Do đó, việc vay mượn vàng này không gây ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước cũng như chủ trương chống “vàng hóa” của NHNN.

Có thể gây cú sốc đầu cơ
Trình bày công bố “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016” vào chiều 14-7, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – nhận định bản chất của việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế. Theo đó, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.
“Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như sự kiện Brexit khiến giá vàng thế giới tăng hiện nay, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị truường bất ổn và dễ tổn thương hơn”. Báo cáo nhận định. Trên thực tế, từ cuối tháng 6 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới đã tăng mạnh.
Ông Thành cho biết, lo ngại về kịch bản này vì nhiều lý do. Thứ nhất, khả năng lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm.
Do vậy, VEPR tiếp tục kiến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro lạm phát, để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 – 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.
Thứ hai, Chính phủ mới đã có những bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian cho các DN tư nhân. Tuy nhiên, bản thân Nghị quyết 35 của Chính phủ chưa đủ chi tiết và khi triển khai sâu hơn trên thực tế cần có thời gian và sự phối hợp của các Bộ. “Chúng tôi cho rằng bên cạnh nổ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực DN Nhà nước – đây là cách hỗ trợ cho DN tư nhân của Việt Nam một cách tốt nhất trong bối cảnh hội nhập nhanh hiện nay”,  Viện trưởng VEPR kiến nghị.
Thứ ba, cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ các DN Nhà nước. Về dài hạn, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữ những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn. VEPR kiến nghị Nhà nước thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DN Nhà nước lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc này có thể bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động.
Cũng theo ông Thành, ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường, và nếu thực hiện sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy tới. Nếu Nhà nước muốn người dân không giữ hoặc giảm giữ vàng thì duy trì lãi suất tiền mặt cao, ổn định. Khi đó, người dân sẽ bán vàng để giữ tiền mặt. Một số ý kiến khác như đánh thuế vàng là sự can thiệp không phù hợp.

Nhìn từ những cuộc huy động vàng trong lịch sử thế giới
Mỹ. Năm 1933, để chấm dứt cuộc Đại suy thoái kinh tế đã kéo dài suốt 4 năm, tàn phá nền kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới, chính quyền Tổng thống Franklin Roosevelt đã tiến hành một quyết định đầy tranh cãi: Ban hành Sắc lệnh số 6102.
Sắc lệnh 6102 được Tổng thống Mỹ ký ngày 5-4-1933 quy định: Cấm người dân tích trữ tiền vàng, vàng thỏi và chứng chỉ vàng trong phạm vi lục địa nước Mỹ. Chỉ có họa sĩ, thợ kim hoàn, nha sĩ và một số ngành nghề khác là được sử dụng vàng cho công việc của mình, nhưng không được sở hữu quá 160 gam.
Sắc lệnh này cùng với đạo luật ban hành kèm theo khiến bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không thuộc ngàng nghề loại trừ mà tích trữ vàng đều trở thành tội phạm. Những người bị bắt quả tang phạm tội có thể bị phạt tới 10 ngàn USD (tương đương 182 ngàn USD bây giờ) và ngồi tù 10 năm.
Những người dân giữ vàng có thể bán lại cho Cục dự trữ liên bang trước thời điểm Sắc lệnh 6102 được ban hành với giá 20,67 USD/oz (tương đương 378 USD bây giờ). Lý do khiến chính quyền Mỹ buộc phải làm vậy bởi trong cuộc Đại suy thoái, người dân và các doanh nghiệp Mỹ tích cóp rất nhiều tiền vàng trong nhà. Việc này được cho là một phần khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo dài thời gian khủng hoảng kinh tế.
Hệ quả chính sách này đề ra cuối cùng cho thấy rất nhiều tín hiệu tích cực: Giá vàng trên thị trường quốc tế sau đó được Bộ tài chính Mỹ giao dịch với giá 35 USD/oz, gần gấp đôi giá cũ. Sắc lệnh này cũng là tiền đề giúp chế độ bản vị vàng ra đời năm 1944, đánh dấu sự thống trị hệ thống tài chính quốc tế của Mỹ suốt gần 3 thập niên. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ cũng sớm hồi phục trở lại và thoát khỏi Đại suy thoái.
Hàn Quốc. 6 thập niên kể từ khi cuộc Đại suy thoái kinh tế toàn cầu trôi qua, thế giới phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng diễn ra trên quy mô toàn châu Á. Rất nhiều quốc gia đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng này: Malaysia, Singapore, Thái Lan,… và cả Hàn Quốc.
Trong suốt năm 1997, dưới cơn bão khủng hoảng tài chính, hàng ngàn doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư Hàn Quốc rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất dẫn đến phá sản. Hệ quả là hàng triệu người dân mất việc. Tháng 11 cùng năm, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ vay tiền để tự “cứu” mình.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông qua khoản vay khổng lồ lên tới 58 tỷ USD nhưng kèm theo những điều kiện ngặt nghèo: Tăng lãi suất, giảm chi tiêu công và tái cấu trúc hệ thống tài chính. Hậu quả là khi khoản vay chưa phát huy tác dụng, tỷ lệ thất nghiệp đã nhanh chóng tăng gấp 3 lần. Đứng trước bờ vực sụp đổ vì vỡ nợ, tháng 1-1998, chính phủ Hàn Quốc đưa ra một tuyên bố hết sức táo bạo: Huy động dân chúng quyên góp vàng giúp chính phủ trả nợ IMF càng sớm càng tốt.
Kỳ diệu thay, hàng triệu người dân Hàn Quốc nhanh chóng hưởng ứng lời kêu gọi này. Nhiều người mang cả nhẫn cưới và đồ gia bảo đến quyên góp. Các vận động viên thậm chí hiến dâng tấm Huy chương Vàng của họ.
Kết quả cuối cùng thật đáng kinh ngạc. Chỉ trong vài tháng, Hàn Quốc đã huy động được 227 tấn vàng, tương đương hơn 3 tỷ USD khi đó. Việc làm tình nguyện của người dân Hàn Quốc đã giúp quốc gia này nhanh chóng trả đủ khoản nợ vay IMF trong đúng 3 năm.

Tuy nhiên, các quốc gia nói trên không giống Việt Nam ở chỗ là họ không tồn tại khái niệm “DN quốc doanh” và họ không phải là một chế độ của cộng sản độc tài toàn trị.

Tin bài liên quan:

VNTB- Thủ tướng Phúc có dám thu hồi giấy phép của Hưng Thịnh Formosa?

Phan Thanh Hung

VNTB- 9 yêu cầu cho Luật về quyền lập hội

Phan Thanh Hung

VNTB- “Cá chết Formosa Hà Tĩnh”: Nên ra tòa hay thương lượng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo