Việt Nam Thời Báo

VNTB – Không thu hồi vé số ế: người nghèo gánh lỗ để quan chức giàu sang

Dân Trần 

 

(VNTB) – Đằng sau con số hàng chục ngàn tỷ thu được từ kinh doanh vé số là những luật ngầm để ép người nghèo phải gồng lỗ cho công ty xổ số kiến thiết.

 

Đằng sau những xe hơi, nhà lầu, biệt phủ của quan chức đầu ngành xổ số là mồ hôi, nước mắt của người già, trẻ em thất học, người tàn lật lang thang đầu đường xó chợ….

 

Ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, không sợ ế

Theo Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, mỗi năm người dân khu vực này có thể chi khoảng 6 tỉ USD để mua vé số. Trong 21 doanh nghiệp xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, có 14 tỉnh bán 100% vé số phát hành, nộp ngân sách trên 12.000 tỉ, lợi nhuận trước thuế gần 4.500 tỉ đồng. Doanh thu trong ba tháng đầu năm 2023 đạt trên 35.000 tỉ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Tỉ lệ tiêu thụ vé số bình quân của khu vực đạt 98,69%.

Với doanh thu như vậy, viên chức ngành vé số và các lãnh đạo ngành này có mức lương lên tới 300-400 triệu mỗi năm. Lưu ý, những công ty xổ số kiến thiết luôn có 100% vốn là của Nhà nước, tức là có tiền thuế của người dân trong đó. Ví dụ ở công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tiền Giang, theo báo cáo năm 2018, mỗi công nhân viên chức nhận số lương khoảng 384 triệu đồng/năm. Thậm chí mới đây nhất, có thông tin lãnh đạo công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết Vĩnh Long có quỹ lương lên tới hơn 2,8 tỉ đồng/năm.

Nhìn vào doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ, tiền vốn in và phát hành thì có thể nói xổ số là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đi xuống hiện nay, người dân càng có nhu cầu mua vé số “cầu may” hơn. Tuy nhiên, để có được tỉ lệ tiêu thụ lên tới gần 100% này, những người bán vé số dạo lại trở thành nạn nhân, phải “ôm” vé số ế chứ không thể trả lại. Đó là lý do khiến các ty xổ số thì không sợ ế, nhưng người nghèo phải khóc thét mỗi ngày mưa…

Ra “luật ngầm” để đạt doanh số và đẩy người bán dạo vào thế khó

Nói về luật, theo thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, thời gian thu hồi vé xổ số  truyền thống không tiêu thụ hết bắt đầu từ lúc 15 giờ và kết thúc lúc 16 giờ vào các ngày xổ số. Đối với các trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do khách quan, chính đáng thì thời gian thu hồi vé không quá 16 giờ 10. Sau thời gian trên, công ty phát hành vé số được quyền từ chối không nhận vé tồn. Như vậy, việc các đại lý không nhận lại vé tồn của người bán dạo khi vé được trả trong khoảng thời gian cho phép là trái quy định pháp luật.

Tuy nhiên các công ty phát hành vé số lại đưa ra một “luật ngầm” là nếu đại lý nào trả vé sẽ bị công ty cắt vé chuyển cho đại lý khác. Từ “luật ngầm” này các đại lý lại đổ phần khó lên đầu người bán vé số dạo với quy tắc là phải trả trước 12h trưa cho người bỏ mối vé số. Sau giờ đó là phải tự “ôm” để gồng lỗ cho các công ty vé số, những viên chức cán bộ ngồi mát ăn bát vàng trên mồ hôi nước mắt của người nghèo.

Đa phần những người bán vé số dạo là người nghèo, người già, trẻ em hoặc người tàn tật. Hàng ngày họ phải đi bộ hàng chục cây số mới mong bán hết vé số đã nhận. Làm sao có thể quay ngược lại hàng chục cây số để trả lại vé chưa bán hết trước 12h trưa? Chưa kể những ngày trời mưa…

Có thể nói đây là hành vi lách luật nhằm tối đa hoá lợi nhuận của các công ty xổ số kiến thiết. Về lý đã sai, về tình càng sai hơn khi bị hại là những thân phận thấp hèn, nghèo khổ, trẻ em, người già, khuyết tật… Theo thống kê, mỗi tỉnh miền Nam có khoảng 4.000 – 6.000 người đi bán vé số dạo. Ngoài nỗi sợ bị “ôm” vé số ế, những người này còn đối mặt nguy cơ bị cướp giật vé số, trời mưa, vé số bị ướt, nhàu nát không bán được.

Ngồi mát ăn bát vàng trên mồ hôi nước mắt người nghèo

Từ các quán ăn, cà phê đến các khu vực chợ búa, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nơi nào cũng đều có đông đảo người bán vé số dạo đến chào mời. Có những người tàn tật phải lê lết, bò trườn trên đường để mong bán được vài tờ vé số mưu sinh. Rồi cứ khoảng 15h chiều mà họ chưa bán hết vé số, thì nỗi sợ hiện rõ trên khuôn mặt, không khó để thấy hình ảnh họ cầm trên tay xấp vé số ế mà nước mắt rưng rưng đi van xin từng người khách để được mua giúp.

Còn nhớ năm 2016, ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang bấy giờ cho biết, ngành xổ số là ngành giải quyết an sinh xã hội rất lớn. “Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 – 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 – 200.000 đồng/buổi. Có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ. Nếu mỗi tờ vé số lãi 1.100 đồng, người bán vé số dạo có thể thu nhập lên đến 100.000.000 đồng/tháng”.

Trong khi các quan chức đầu ngành vé số lại đưa ra những cái bánh vẽ kệch cỡm, vẽ ra những viễn cảnh trong mơ khi nói rằng bán vé số dạo mỗi tháng kiếm 100 triệu đồng. Thì có ai biết những sự thật đằng sau những con số hàng chục ngàn tỷ đó là câu chuyện công ty vé số lách luật. Là những luật ngầm, để biến người bán vé số dạo thành nạn nhân, phải gồng lỗ cho các công ty thu được khoản lợi nhuận kếch xù lên tới hàng chục ngàn tỷ. Đằng sau những mức thu nhập khủng, những chiếc xe hơi, nhà lầu, biệt thự của các quan chức ngành vé số chính là mồ hôi, nước mắt của người nghèo, người già, trẻ em thất học, và cả người tàn tật lang thang đầu đường xó chợ.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại biểu quốc hội muốn ra luật giúp quan chức chạy án

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đà Lạt có biến thật không?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sài Gòn những ngày oi bức, chợt nhớ một thời rợp bóng cây!

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo