VNTB – Vì sao cao tốc ngập: ai cũng biết chỉ có quan “không biết”

VNTB – Vì sao cao tốc ngập: ai cũng biết chỉ có quan “không biết”

Cảnh Chân

(VNTB) – Phải thanh tra xem con số 12.500 tỷ đồng đã được đầu tư hoàn toàn vào cao tốc, hay có bao nhiêu ngàn tỷ bị ‘bốc hơi’ vào nhà các cán bộ quan chức.

 


Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khánh thành chưa đầy 100 ngày nhưng đã ngập sâu chỉ sau một trận mưa khiến cho dư luận hết sức phẫn nộ. Thế nhưng cơ quan chức năng trả lời vòng vo lấp liêm, lúc đầu thì đổ lỗi cho dòng sông, hôm nay thì nói chưa biết nguyên nhân.  Trong khi đó người dân cho rằng lỗi chính là do phía thi công đã không khảo sát và tư vấn thiết kế , thậm chí một số người còn đặt nghi vấn liệu cao tốc này đã bị “rút ruột” bao nhiêu ngàn tỷ trong tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng mà lại thi công như vậy?

 

Vòng vo đổ lỗi cho nước mưa và nước sông

Ngay sau khi những hình ảnh cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết bị ngập sâu 0,7 lan truyền ngày 29/7, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư cao tốc) đã có cuộc họp với địa phương hôm 31/7 để giải thích vụ việc. Lý do cho rằng cao tốc cắt qua sông Phan và đi vào khu vực đồi núi thấp dạng bát úp dễ xảy ra ngập nước. Vị trí ngập cách thượng lưu sông Phan khoảng 9 km, gần đó có công trình đập sông Phan. Cao tốc ngập do nước sông Phan dâng cao kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cống đã tràn lên mặt đường.

Còn đơn vị thiết kế dự án thì cho rằng ngập là do mưa lớn. Họ đổ lỗi cho đợt mưa bất thường (từ 26-29/7) kết hợp lượng nước được xả theo điều tiết của đập sông Phan lưu lượng 90 m3/s đã gây ngập đoạn đường này. Theo đó đơn vị thiết kế ngầm cho rằng ngập là do đập sông Phan xả lũ.

Tuy nhiên các lý do này đều bị chính quyền địa phương phản đối. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận hồ thủy lợi Sông Phan không xả lũ mà chỉ xả tràn với lưu lượng 86-90 m3/giây. Theo sở này, hồ thủy lợi Sông Phan là công trình thủy lợi cấp II, xây dựng để chịu được lũ tần suất 50 năm xảy ra một lần và lưu lượng xả tối đa theo thiết kế đến 600 m³/giây. Chỉ với một lượng mưa và lượng xả tràn chưa đến 1/6 mức thiết kế tối đa thì không ảnh hưởng đến việc ngập cao tốc.

Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, cũng cho biết đỉnh lũ tại sông Phan cao nhất là vào năm 1999 chứ không phải năm 1992. Về ý kiến người dân trồng cây lấn kênh, mương ảnh hưởng đến dòng chảy là không đúng vì toàn bộ cây cối mọc ở mé sông Phan là cây tự nhiên.

Đúng quy trình nhưng không biết nguyên nhân

Vấp phải sự phản đối của chính quyền địa phương, ban quản lý dự án Thăng Long cho biết đã thiết kế, thi công đảm bảo đúng quy trình trong báo cáo mới nhất gửi cho Bộ Giao Thông Vận Tải.

Báo cáo này thừa nhận đơn vị tư vấn thiết kế chỉ mới kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ, các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính. Chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác nhằm có đánh giá nguyên nhân thực sự. Cơ quan này đang cùng các bên liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành để khảo sát tìm nguyên nhân chính xác gây ngập cục bộ cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Một người dân sống gần đoạn cao tốc bị ngập cho rằng lý do chính là do vị trí xây cao tốc băng qua sông Phan không hợp lý. Vì kế bên cao tốc thì quốc lộ lại không bị ngập. Lỗi rõ ràng là của đơn vị thiết kế, khảo sát và thi công. Chọn vị trí không phù hợp khiến cho mặt đường và cống thoát nước thấp hơn mặt nước sông khi thủy triều dâng cao.

“Dầu Giây – Phan Thiết là dự án cao tốc trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Chỉ mới thông xe được 3 tháng đã ngập sâu mà nói thi công xây dựng đúng quy trình thì phải coi lại quy trình đó có đúng không. Phải thanh tra xem con số 12.500 tỷ đồng đã được đầu tư hoàn toàn vào cao tốc, hay có bao nhiêu ngàn tỷ bị ‘bốc hơi’ vào nhà các cán bộ quan chức. Nếu không thanh tra làm rõ vấn đề thì sau này càng ngày sẽ càng có nhiều dự án bị xuống cấp ngay khi vừa khánh thành”, một người dân nêu quan điểm với phóng viên Việt Nam Thời Báo.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)