Minh Quân
(VNTB) – Lẽ ra, chiến dịch “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành” của hai nhóm lợi ích quân đội và ODA đã thành công mà có thể bất chấp phản ứng xã hội, nếu không xảy ra một sự cố – nguyên nhân thứ hai khiến “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành”: tiền.
Bộ trưởng giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa – nhân vật trở nên quá trơ trẽn và tai tiếng với phát ngôn “không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc”. (“phía Bắc” ấy chính là sân golf Tân Sơn Nhất của nhóm lợi ích Bộ Quốc phòng) mà đã bị công luận phản ứng dữ dội – rốt cục đã phải phác ra phương án “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành” tại kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017.
Bộ trưởng giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa (trái) và người tiền nhiệm Đinh La Thăng
Vì sao lại có thái độ “xuống nước” như thế, trong khi trước đây nhóm lợi ích ODA luôn muốn bằng mọi cách xây mới sân bay Long Thành để chuyển toàn bộ sân bay Tân Sơn Nhất về Long Thành? Còn nhóm lợi ích quân đội thì âm mưu “nuốt” sạch 850 ha đất của sân bay Tân Sơn Nhất (có người đã ước tính giá thị trường của diện tích 850 ha đó lên đến hơn 400 tỷ USD)?
Hoàn toàn không có gì khó hiểu.
Nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp nhất là làn sóng phản ứng dữ dội của công luận về quốc nạn “sân golf trong sân bay”.
Có tin cho biết khi nhìn lại dự án khả thi của Công ty Long Biên (công ty con của Tập đoàn Him Lam thuộc quân đội) “vẽ” ra công trình đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất, đã không hề dự báo đến tình huống sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải.
Trong thực tế, sân bay Tân Sơn Nhất đã kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời từ vài năm qua. Cũng trong mấy năm qua, một bàn tay bí ẩn và ma quái đã tung ra chiến dịch “dìm hàng” sân bay Tân Sơn Nhất. “Một trong 10 sân bay tệ nhất thế giới”, “sự cố mất điện đe dọa an toàn hàng không”, “quá tải trầm trọng”… là những lý do được một số tờ báo – trong mối quan hệ không khác gì “đi đêm” với nhóm lợi ích quân đội – dồn dập tung hê lên mặt truyền thông, để luôn đi đến “giải pháp” cuối cùng là phải chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành.
Lẽ ra, chiến dịch “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành” của hai nhóm lợi ích quân đội và ODA đã thành công mà có thể bất chấp phản ứng xã hội, nếu không xảy ra một sự cố – nguyên nhân thứ hai khiến “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành”: tiền.
Thời điểm chốt con số cuối cùng cho dự án sân bay Long Thành là vào cuối năm 2015, tức cuối đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó, những nguồn vốn ODA “gối đầu” từ năm trước và cả năm trước nữa vẫn còn, do vậy nhóm lợi ích ODA không thể tránh khỏi ảo tưởng tình hình vẫn tiếp tục triển vọng vào những năm sau đó.
Nhưng đến tháng 12/2015, Trưởng đại diện Ngân hàng thế giới ở Việt Nam là bà Victoria Kwa Kwa bất ngờ thông báo với Chính phủ Việt Nam là kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ưu đãi nữa. Quả thật, sau đó đã dồn dập tin tức về không chỉ Ngân hàng thế giới mà cả Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu đều khẳng định từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Cánh cửa ODA dành cho các dự án ‘khủng” bỗng dưng sập lại. Một trong những “nạn nhân” đầu tiên là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận với số “vẽ” lên đến 20 tỷ USD, rốt cuộc đã bị Chính phủ của tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dũng cảm” tuyên bố ngừng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu…
Thậm chí để tìm ra 18.000 tỷ đồng còn thiếu cho kinh phí giải phóng mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành vẫn còn bế tắc.
Tập đoàn Him Lam và giới quan chức quốc phòng lẫn những quan chức “theo đóm ăn tàn” ODA giờ đây đang thực sự sa lầy – một bên là áp lực xã hội đòi trả sân golf về sân bay, còn bên kia là chẳng biết tìm đâu ra tiền để xây dựng sân bay Long Thành…