Chỉ một ngày sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền kết thúc, Bộ Công Thương vội vã khẳng định chưa có chủ trương và chưa nhận được văn bản đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đập ruồi. Hình Internet
Trước đó, ba ngày trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền khai mạc ở Việt Nam, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN – bất ngờ trả lời báo chí “EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016”.
Thông điệp “không tăng giá điện năm 2016” của lãnh đạo EVN, dù chưa có bằng chứng nào để tin là thành thực, đã phát thêm một tín hiệu về quyền lực của phe chính phủ có thể bị sút giảm nghiêm trọng trước, trong và sau đại hội này.
Nếu để ý, không khó để nhận ra một “quy luật”: Từ năm 2011 đến nay, cơ chế giá điện của EVN phụ thuộc mật thiết vào các kỳ họp quốc hội và đặc biệt là thân nhiệt phe chính phủ. Rất thường, giá điện được đẩy lên vào khoảng thời gian giữa hai kỳ họp quốc hội, rồi đứng im trong khi các đại biểu quốc hội cúi đầu bấm nút cho nhũng dự án “quốc kế dân sinh” như Sân bay Long Thành.
Trong cuộc chiến quyền lực tại các hội nghị trung ương, khá thường khi vị thế của phe chính phủ nổi bật hơn bên đảng, nhóm lãnh đạo EVN tỏ ra tự tin hơn hẳn trong các trả lời phỏng vấn của báo chí. Cũng ngay vào những thời điểm đó, tập đoàn này cùng Bộ Công thương lại lấp ló đề xuất tăng giá điện.
Nhưng ngược lại, cứ mỗi lúc phe chính phủ bị thất thế trước bên đảng, đề xuất tăng giá điện của EVN hầu như biến khỏi chính trường và nghị trường.
Đại hội 12 đã chứng kiến sự thất thế khá lớn của phe chính phủ, không chỉ bị chỉ trích về năng lực điều hành yếu kém, tệ tham nhũng không hề thuyên giảm, mà một số quan chức chính phủ còn bước đầu bị “sờ gáy”.
Tâm trạng và giá đỡ cho túi tiền của các tập đoàn lợi ích Việt Nam lại tùy thuộc cơn đau đẻ đại hội 12. Chính sách sinh ra bởi con người. Hậu đại hội 12, một khi dàn nhân sự chính phủ có thể bị đảo lộn, cơ hội “ăn của dân không chừa thứ gì” từ những “doanh nghiệp công ích” như EVN cũng khó sinh sản hơn nhiều.
Từ nhiều năm qua, EVN là một tác nhân gây “nợ máu” cho tuyệt đại đa số dân chúng Việt Nam bởi quán tính tăng giá điện bất chấp dân sinh.
Được “bảo kê” bởi cơ quan chủ quản là Bộ Công thương, hồ sơ “tội ác” của EVN đã dày quá khổ, không chỉ bởi quá nhiều lần tăng giá điện vô lối đánh úp túi tiền nghèo kiệt của người dân, mà hành vi cực kỳ nhẫn tâm còn xảy đến vào mùa mưa bão cuối năm 2013: tập đoàn này hoàn toàn vô trách nhiệm khi để 15 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ lên đầu người dân vùng rốn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắc Lắc… khiến gây ra cái chết cho hơn năm chục mạng người.
Vào năm 2014, một cuộc thanh tra của Tổng thanh tra chính phủ đã khơi gợi không ít khuất tất trong hạch toán giá thành của EVN, trong đó tập đoàn này đưa cả việc xây dựng khách sạn và hồ bơi vào giá để “thanh toán” nhân dân. Những tưởng vụ việc sẽ được làm rõ trắng đen, nhưng qua một thời gian, giới quan chức của hai bộ Tài chính và Công thương lại vẫn ung dung mở ra lối thoát cho EVN. Vụ việc này cũng gần như chìm xuồng.
Hiện thực còn nguyên cho tới nay là EVN vẫn nghiễm nhiên đóng vai con nợ bậc nhất của các ngân hàng. Số nợ mà doanh nghiệp siêu độc quyền này đang phải gánh lên tới ít nhất 118.000 tỷ đồng – con số mà mới chỉ được “tiết lộ” vào năm bi đát kinh tế 2013, cũng là thời điểm mà “Phe lợi ích” phải gánh búa rìu dư luận và áp lực phải tiến hành “minh bạch hóa”.
Chưa kể đến “thành tích” suốt gần một chục năm qua, EVN đã nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần giá bình quân trong nước…
Nếu sau đại hội 12 diễn ra một cuộc cải cách hoặc lớn hơn nữa, – “thay máu” chính phủ” – những tập đoàn quá dày ăn tạp như EVN sẽ đương nhiên nằm trong danh mục “đối tượng diệt ruồi”.
Hiện tượng không thể bỏ qua là trong số các ủy viên trung ương bị trượt tại đại hội 12, có mặt hai giám đốc của hai tập đoàn lớn là Than và Khoáng sản và EVN.
Lê Dung (SBTN)