VNTB – “Việt Nam đang bùng nổ”: không đến từ Đảng

Mẫn Nhi (VNTB) Tác giả John Rekenthaler (người đang có chuyến du lịch đến Việt Nam) đã chia sẻ quan điểm về sự bùng nổ bên trong thể chế độc tài này.


Starbucks và sự bùng nổ

Trong bài viết ngày 7/2 trên trang Morningstar, ông cho biết, những chiếc xe đạp thập niên 90 đã được thay thế bằng xe tay ga Honda; truyền hình cáp; thời trang hiệu với cửa hàng café sang chảnh (Starbucks), đồ ăn nhanh Mcdonal,… cũng hiện diện tại đất nước này.
Việt Nam cho thấy, đất nước này không phải là Cuba, không phải Bắc Triều Tiên, không phải Đông Đức, và càng không phải là Liên Xô. Tác giả tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra. John Rekenthaler cho biết, nếu bởi vì người Việt Nam là dân tộc cần cù, và họ có thể “bứt” ra khỏi cái sức nặng của hệ thống kinh tế kém cỏi thì đó là một sự giải thích không thuyết phục. Vì các dân tộc khác, cũng với đường lối chính trị lẫn xây dựng quốc gia như Đức đã chứng minh, Tây Đức thắng và Đông Đức bại; Hàn Quốc thắng và Bắc Triều Tiên bại. 
VNTB – “Việt Nam đang bùng nổ”: không đến từ Đảng
Vậy có phải là Đảng không? Tổ chức đã “thúc giục quần chúng hy sinh” để đổi lại một sự cai trị trên nền tham nhũng, quyền lực toàn trị? Tác giả thú nhận, tại Hà Nội, một số xe đã vi phạm luật giao thông, nhưng cảnh sát có thể phớt lờ, bởi “họ là đảng viên”, và chỉ với một cuộc điện thoại, viên cảnh sát có thể gặp rắc rối. 
Việt Nam có thể có những chỉ số an toàn về chính trị lẫn xã hội, nhưng cạnh đó, nơi đây chỉ số tham nhũng vẫn vượt trội, các quyền tự do con người không tồn tại. Hiện tượng kết án những người lên tiếng về thực trạng chính trị – xã hội là thường xuyên. 
Theo John Rekenthaler, Việt Nam sẽ tốt hơn nếu Đảng cầm quyền gỡ bỏ sự trói buộc về quyền tự do cho người dân, giống như cách mà quốc đảo Singapore và Hồng Kông đang thực hiện. 
“Ơn Đảng, ơn Nhà nước”
“Ơn đảng, ơn nhà nước” là một sáo ngữ thường được cánh truyền thông nhà nước sử dụng trong tuyên truyền trước đây. Nó biểu lộ sự “biết ơn thường trực” của người dân đối với cuộc sống, và ngày hôm nay – nó biến chuyển thành cụm từ “Đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra là kết quả của sự khảo nghiệm thực tiễn và đổi mới tư duy lý luận”. 
Điều đó cho thấy rằng, ở phương diện nào, thì “công đảng” cũng lớn, và sự “chỉ đạo” của Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi của thành tựu đổi mới trong công cuộc kinh tế. Nói một cách khác, sự hiện diện của Starbucks tại Sài Gòn chính là nhờ sự “chỉ đạo đúng đắn của Đảng”. 
Nhưng thực tiễn của sự bùng nổ chính là nhờ “kết quả khảo nghiệm” và buộc đảng phải đổi mới tư duy lý luận. Nên được hiểu điều này như thế nào? 
Trở lại thập niên 60 trên cánh đồng tỉnh Vĩnh Phúc, khi mà cả nền kinh tế là tập trung quan liêu bao cấp, đẩy đẩy đồng ruộng vào thực trạng “cha chung không ai khóc”, và người nông dân thì bị “tách ra khỏi thành quả lao động”. Bí thư Kim Ngọc đã “cải tạo lại màu đất” bằng Nghị quyết số 68 nhằm quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã, tuy nhiên – hai năm sau (1966), Nghị quyết này đã bị phê phán tại Hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc, với kết luận là “phát triển tư tưởng tự tư, tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể,… kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp”. Nhưng 20 năm sau (1988), chủ trương khoán hộ đã được Bộ Chính trị ĐCSVN tiếp lấy và ban hành nghị quyết 10 chính thức coi “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” và cho thực hiện khoán hộ trong toàn bộ nền nông nghiệp.
Nhưng để có quyết định đó, thì trước đấy, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt chỉ số lạm phát tăng giá lên đến 774,7%; tiền mất giá; bản vị vàng được lấy làm chuẩn. Kế hoạch cải cách giá-lương-tiền chắp vá giữa cải cách với mô hình cũ gây khủng hoảng nặng nề.
Điều đó cho thấy rằng, bản chất sự Đổi mới chính là mệnh lệnh từ người dân, chính người dân buộc Đảng phải “đổi mới tư duy lý luận”, chú ý đến thực tiễn cuộc sống – nếu không – Đảng sẽ chết, nhất trong bối cảnh Liên Xô và Đông Âu khi đấy.
Do vậy, thực tiễn 30 năm đổi mới xuất phát từ chính người dân, nếu Đảng không cản trở bằng chính sách bảo thủ thể chế, thì thành tựu 30 năm hiện nay đã đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp – dịch vụ theo hướng hiện đại trong khu vực, chứ không phải là một thể chế vẫn luận bàn “công xưởng làm thuê”.
Do đó, ở nhiều nơi, chính sách chạy trước thực tiễn xã hội, thì tại Việt Nam – nó lại đi sau, và “Việt Nam đang bùng nổ” hoàn toàn không đến từ Đảng. Và tiêu ngữ “mừng đảng đổi mới, mừng đất nước thắng lợi” là tiêu ngữ của sự tráo đổi khái niệm không hơn không kém.
Vị trí hộ chiếu Việt Nam trong khâu xuất nhập cảnh quốc tế, cũng phần nào chứng minh luận điểm nêu trên. 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)