Trần Phong Vũ
(VNTB) – Nhìn lại trình tự diễn tiến vụ kiện, người ta nhận ra những ẩn số khá lạ thường…
Linh mục Đặng Hữu Nam (áo xanh) trước Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Tóm tắt diễn tiến dẫn tới vụ kiện
Khởi phát từ ngày 06-4-2016 và liên tiếp nhiều ngày sau đó, ngư dân sống quanh Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh phát hiện hàng chục ngàn tấn cá chết đủ loại phơi trắng dọc dài 240 cây số bãi biển tới tận Lăng Cô, tỉnh Quảng Nam. Ngay lập tức, sự kiện hi hữu này đã được những trang mạng trong và ngoài nước phổ biến rộng rãi với những hình ảnh cụ thể, lôi kéo sự nhập cuộc của dư luận quốc tế.
Cùng với những phát hiện sơ khởi từ các thợ lặn và các ngư phủ địa phương, nghi vấn về nguyên nhân cá chết được qui cho tổ hợp gang thép Formosa, một công ty xuất xứ từ Đài Loan nhưng về mặt kỹ thuật được trao phó cho MCC, một tổ hợp hóa chất đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh[1]. Bằng chứng được trưng dẫn là anh Lê Văn Ngày, người đầu tiên cùng với các đồng nghiệp thợ lặn sau đó, đã tìm ra miệng ống xả chất thải dưới đáy biển Vũng Áng nối từ nhà máy Formosa. Và anh Lê Văn Ngày bị nhiễm độc chất cực mạnh, phải nhập bệnh viện và không lâu đã qua đời một cách bí ẩn. Điều đáng quan tâm là cái chết của anh Ngày đã bị giới y tế địa phương do lệnh thượng cấp tìm cách ém nhẹm, tương tự như những trường hợp bị nhiễm độc chất thủy ngân, chì của người bệnh và chết sau đó.
Sự kiện đặt ra rất nhiều nghi vấn cho công luận trong và ngoài nước là sự im lặng gần như tuyệt đối của giới cầm quyền trong đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Người ta ghi nhận, hôm 22-4, tức là chỉ 16 ngày sau khi tin thảm họa cá chết hàng loạt nổ ra, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng tới thăm tổ hợp Formosa, nhưng ông ta không hề ghé thăm hay có một động thái, một lời nói nào quan tâm tới những đe dọa về an sinh của cả triệu ngư dân địa phương.
Tiếp theo là những lời tuyên bố hàm hồ, đưa đẩy của những giới chức có trách nhiệm trong việc “rước voi dày mồ” ở Ba Đình thuộc Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, nhất là các trò hề tắm biển, ăn cá của các viên chức Đà Nẵng càng làm cho sự phẫn nộ của các nạn nhân gia tăng. Cho đến khi những minh chứng về sự hiện hữu của các chất thải cực độc như chì, thủy ngân hòa tan trong nước biển, tiêm nhiễm trong các loại hải sản chết dưới biển sâu, Hà nội bắt buộc phải tổ chức cuộc họp báo hôm 30-6 với màn kịch dàn dựng lộ liễu để tập đoàn lãnh đạo Formosa gập mình nhận lỗi kèm theo khoản bồi thường bèo bọt 500 triệu mỹ kim!
Nghi vấn được nhân rộng trong dư luận quần chúng về những bàn tay nhám của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhúng sâu vào thảm họa này khiến chế độ không những làm lơ mà còn tìm cách gỡ rối cho tổ hợp Formosa.
Và đây là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Những Thánh Lễ cầu cho công lý & những đợt xuống đường
Ngay sau màn kịch nhận lỗi của Formosa, Nguyễn Xuân Phúc bất chấp ý kiến của nạn nhân và đồng bào, đơn phương nhận khoản bồi thương do tác nhân gây thảm họa bố thí với lời tuyên bố hàm ẩn ý định “tha Tào”: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, dân chúng và giới lãnh đạo tôn giáo địa phương bắt đầu hành động. Những Thánh Lễ cầu cho các nạn nhân và công bằng lẽ phải sớm thực thi được tổ chức tại khắp các giáo đường 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên. Cùng lúc nhiều cuộc biểu tình chống Formosa, phản kháng thái độ thiếu minh bạch của giới hữu quyền với sự tham dự của hàng chục ngàn người đồng loạt nổ ra. Riêng Chúa Nhật 15-8 nhân Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Bổn mạng Giáo phận Vinh, ngót 40 ngàn đồng bào Công giáo đã lũ lượt tìm về Xã Đoài dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho công lý và các nạn nhân thảm họa môi trường Vũng Áng. Sau đó, các tín hữu Công giáo đã phối hợp với lương dân tổ chức một cuộc tuàn hành vĩ đại lên án Formosa và những kẻ đồng lõa.
Sự lên tiếng quyết liệt của Giám Mục Giáo phận Vinh
Bất chấp những luận điệu bôi bẩn của các cơ quan truyền thông và giới an ninh nhà nước, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Giáo phận Vinh, trong những Thư chung và các bài thuyết giảng, đã mạnh mẽ lên án hành vi làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại đời sống của hàng chục ngàn gia đình ngư dân và những gia đình sống bám vào những nghề phụ như nghề làm muối do tập đoàn Formosa gây ra, cùng những động thái thiếu minh bạch của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, trả lời cuộc phỏng vấn của VietCatholic News, từ Việt Nam, vị lãnh đạo tinh thần Giáo phận Vinh một lần nữa công khai tố cáo trước công luận quốc tế, cách riêng tập thể người Việt tị hạn hải ngoại, kẻ đã nhẫn tâm gây ra thảm họa biển chết, cá chết, người chết cùng những di hại lâu dài cho người dân Việt Nam.
Noi gương vị lãnh đạo của mình, nhiều Linh mục trong Giáo phận, trong số đó phải kể tới tấm gương can đảm của LM Đặng Hữu Nam, chánh xứ Phú Yên, bắt đầu lên tiếng. Những bài giảng bốc lửa của cha từ Giáo đường Phú Yên vang dội khắp ba miền đất nước, vượt qua đại dương len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam tị nạn hải ngoại. Từ Âu Châu, Úc Châu tới các quốc gia Bắc Mỹ, Canada và Hoa Kỳ.
Vượt xa những lời lên án quyết liệt lâu nay, phản ứng và ngôn từ của tập thể tín hữu và giới lãnh đạo bắt đầu chuyển qua những dự kiến cụ thể hơn. Chúng tôi muốn nói tới việc khởi kiện Fomosa cùng những cá nhân và tập thể đứng đàng sau ra trước pháp luật. Khởi sự là tòa án địa phương và xa hơn có thể là hệ thống pháp luật quốc tế.
Cha Nam với những dự tính và hành động cụ thể
Nghe, nhìn những link video chuyển ra từ quốc nội, đồng bào hải ngoại nhận ra thái độ cương quyết, không ngại khó khăn, gian khổ -kể cả những đe dọa chết chóc- của vị giáo sĩ chánh xứ Phú Yên. Những lời tâm sự của ngài khiến người viết những dòng này không khỏi liên tưởng tới âm vang những lời tuyên tín đá vàng của Linh Mục Jerzy Popioluszko, Linh hướng Phong Trào Công Nhân Đoàn Kết Ba Lan và là người con tinh thần của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thập niên 80 thế kỷ trước, người đã góp phần tích cực vào sự sụp đổ của chế độ cộng sản Varsovie[2]. Từ đấy đưa tới sự cáo chung toàn bộ hệ thống chư hầu Đông Âu và cuối cùng là Liên Bang Sô Viết.
Tương tự như các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế (như các LM Phạm Trung Thành, Đinh Hữu Thoại, Lê Quang Uy, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Nam Phong, các cha già Dòng Phanxicô Nguyễn Ngọc Tỉnh, Dòng Đa Minh Đỗ Xuân Quế v.v…), khi trả lời mối ưu tư của một tín hữu tỏ dấu thương cảm và lo ngại cho sinh mạng của ngài khi dám thẳng thắn phê phán tội ác của chế độ Hà nội, có lần cha Đặng Hữu Nam nói: cũng như mọi người ông cũng sợ bị hành hung, bị tống ngục, nhất là sợ chết. Nhưng không thể vì thế mà ông có thể bàng quan để mặc cho cái ác lộng hành, nhất là nó đe dọa trực tiếp tới tập thể tín hữu mà Thiên Chúa đã giao phó cho ông chăm sóc. Ông không có con đường nào khác là phải quên mình vì người nghèo, nhất là những thành phần thấp cổ bé miệng, bị các thế lực hung bạo cưỡng chế. Vì đấy là con đường sứ mạng của một Giáo Hội từng được Đấng khai mở kỷ nguyên Tân Ước là Chúa Giêsu Kitô chúc phúc với sứ vụ tiên thiên là Giáo Hội của người nghèo, của những người bị áp chế, bị giam cầm.
Từ điểm đứng ấy, trong hơn nửa năm qua, LM Đặng luôn sát cánh và đồng hành với các nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường, trong số có các gia đình con chiên của ngài, trên mọi chặng đường gian lao, nguy hiểm. Gần đây, do ý nguyện của các nạn nhân bộc lộ qua những khẩu hiệu, nhưng banners trương lên trong các vụ xuống đường chống kẻ ác, cha thấy được ý nguyện của đồng bào quy vào mấy điểm sau đây:
1/ Trục xuất vĩnh viễn tổ hợp Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2/ Những kẻ gây ô nhiễm môi trưởng biển phải đền bù xứng đáng cho các nạn nhân, đồng thời trả lại nguyên trạng môi trường trong lành cho hàng trăm ngàn gia đình ngư phủ và những thành phần sống bám vào biển như nuôi trồng thủy sản, làm muối.
3/ Buộc những cá nhân hay tập thể đã vì lòng tham, vỉ lợi ích riêng bao che cho Formosa phải trả lời trước công lý.
Để đạt được những mục tiêu tối hậu này, phương cách hữu hiệu và cụ thể nhất là phải truy tố Formosa và những kẻ đồng lõa ra trước pháp luật. Để tiến hành công việc này, trước hết các nạn nhân cần được sự hướng dẫn về những khía cạnh pháp lý, thủ tục lập hồ sơ khiếu kiện, vốn dĩ phức tạp lại càng phức tạp và khó khăn hơn dưới chế độ cộng sản[3]. Đàng khác, vấn đề phương tiện tiền bạc cũng là một khó khăn đối với những thành phần lâm cảnh thất nghiệp, thiếu cơm ăn, áo mặc từ nhiều tháng ngày qua vì thảm họa cá chết, nước biển bị nhiễm những hóa chất cực độc.
Bước khởi đầu cho một hành trình dài
Sau những buổi cầu nguyện và chuẩn bị, sáng sớm hôm Thứ Hai 26-9-2016, nhờ sự trợ giúp phương tiện của đồng bào trong ngoài nước, Lm Đặng Hữu Nam đã thuê 20 xe buýt để chuyên chở 600 đồng bào (con số dự kiến ban đầu) lên thị xã Kỳ Anh nạp hồ sơ khiếu kiện. Nhưng vì an ninh nhà nước dùng uy quyền áp lực với chủ nhân các hãng cho thuê xe buýt nên vào giờ chót số xe hiện diện chỉ đủ chỗ cho 540 người. Dù gặp cản trở mọi mặt, cuối cùng cha Nam và 540 nạn nhân đã hoàn tất hồ sơ pháp lý cùng với đông đảo bà con nhiều giáo xứ khác đi theo yểm trợ, đã tới được huyện Kỳ Anh.
Phải nói đây là một dịp chứng tỏ tinh thần yêu thương, liên đới, trật tự, kỷ luật cao độ giữa những chứng nhân Kitô giáo. Tất cả hơn 500 người, nam cũng như nữ trang phục áo thung trắng in những biểu tượng bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh xếp hàng bước vào trụ sở thị xã Kỳ Anh. Dưới ánh nắng gay gắt, trước sân họ ngồi từng nhóm lắng nghe những lời căn dặn của chủ chăn: giữ gìn vệ sinh, không xả rác, thu gom những rác rưởi vương vãi bên cạnh, vì theo cha Nam đấy là trách nhiệm để bảo vệ môi trường sống của mỗi cá nhân. Với những bà con thuộc nhiều giáo xứ lân cận đứng bên ngoài trụ sở thị xã yểm trợ tinh thần cho các nạn nhân khiếu kiện bên trong, cha Nam cũng nhắc nhở mọi người tuyệt đối giữ thái độ ôn hòa nếu có kẻ cố tình gây sự, và hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em mình thành công trong vụ kiện.
Một chi tiết cảm động đáng ghi nhớ: đúng thời điểm cha Nam hướng dẫn các nạn nhân đi khiếu kiện, nguyên TGM Hànội Giuse Ngô Quang Kiệt đã vượt mấy trăm cây số từ Nho Quan đến tiếp xúc với giáo dân Đông Yên, Kỳ Anh như một biểu thị tình liên đới và sự quan tâm của Mục tử đối với đoàn chiên. Đây quả là một điềm lành, một khích lệ tinh thần cho các nạn nhân trong bước đầu đỏi hỏi công lý, sự thật và sự hồi phục của lương tâm, luân lý, lý trí và một nền chính trị chân chính trên đất nước ta[4].
Sau những trì hoãn vì thủ tục rườm rà, cho đến trưa Thứ Ba 27-9, với tư cách đại diện được các nguyên cáo ủy quyền, cha Nam đã hoàn tất việc đệ nạp 506 hồ sơ khiếu kiện Formosa. Bản tin mới nhất của mạng Tin Mừng Cho Người Nghèo của Dòng Chúa Cứu Thế cho hay, theo cha Nam: Tòa sẽ thông báo quá trình “giải quyết đơn” cho cha Nam là người đại diện cho 506 cá nhân đứng tên kiện. Cha Nam cũng cho biết thêm, trong quá trình nhận đơn, ông Phó chủ tịch Thị xã Kỳ Anh đã “chỉ đạo” trực tiếp. Bình luận về sự kiện nghịch thường này, cha Nam nói: “Đây là một sự lấn sân bên phía hành pháp đối với tư pháp trong một đất nước hệ thống tam quyền phân lập bị bỏ quên!”
Trước khi bà con lên xe ra về, cha Nam cùng tập thể anh chị em ngư dân dâng lời cảm tạ Ơn Trên bằng bài hát Kinh Chúa Thánh Thần và Kinh Hòa Bình. Sau đó cha nhân danh Thiên Chúa ban phép lành cho bà con. Đám đông tín hữu ngư dân xứ Quý Hòa và Dũ Yên đi yểm trợ đứng hai bên đường vẫy chào và chúc lành cho đoàn ngư dân Phú Yên ra về được bình an vô sự.
Được biết, ông Dư Khánh Chương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được báo CNA (Central News Agency) của Đài Loan dẫn lời nói rằng công ty đã nhận được toàn bộ thông tin liên quan đến các vụ kiện, nhưng nói rằng vấn đề này sẽ do chính phủ Việt Nam giải quyết. Ông Dư nhấn mạnh: công ty không can dự vấn đề này, và do đó không thể bình luận.
Chi tiết trên đây cho thấy có những mảng tối trong liên hệ giữa một tổ hợp làm ăn từng công khai nhìn nhận can tội hủy hoại môi trường biển, và một bên cả một hệ thống cầm quyền đã mở cửa đón tập đoàn này vào Vũng Áng, tạo nên cơ sự! Thái độ thản nhiên của Formosa hứa hẹn lá bài tẩy sẽ được lật ngửa trong vụ kiện thế kỷ này.
Dưới đây là phóng ảnh Biên Bản của cái gọi là Tòa Án Nhân Dân Thị Xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh được ký kết lúc 11 giờ 30 sáng Thứ Ba 27-9-2016 giữa “bên giao” là Linh Mục Đặng Hữu Nam, người được ủy quyền thay mặt 506 cá nhân đứng tên khiếu kiện và “bên nhận” là Trần Thanh Hương, Thẩm Phán và Đinh Văn Tứ, Thư Ký.