Hoài Nguyễn
(VNTB) – Tọa đàm “Nghiên cứu về sự không thống nhất trong quy định về việc viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất sau dấu hai chấm (:)” đã được Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) tổ chức trong ngày 4-10-2023.
Tại tọa đàm, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Thanh Khê cho biết theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì sau dấu hai chấm không còn bắt buộc phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết như trước đây mà tùy nghi viết hoa theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định nhằm báo hiệu lời nói, sự liệt kê, giải thích cho phần câu trước của dấu hai chấm.
Qua nghiên cứu, thảo luận, tọa đàm đã đưa ra hai quan điểm.
Thứ nhất, sau dấu hai chấm người viết có thể tự lựa chọn cách viết hoa hay thường dựa theo nhu cầu và từng trường hợp cụ thể phù hợp phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ quy định về viết hoa trong văn bản hành chính.
Quan điểm thứ hai, để thống nhất trong trình bày văn bản trong ngành kiểm sát nhân dân và giúp hình thức trình bày văn bản đẹp hơn, thuận mắt hơn thì sau dấu hai chấm người viết nên viết hoa chữ cái đầu âm tiết theo Quyết định 393/QĐ-VKSTC quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong ngành kiểm sát nhân dân.
Đồng thời, tại Quy định số 4148-QĐ/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27-9-2019 cũng quy định phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết sau dấu hai chấm (:).
Được biết, từ kết quả buổi tọa đàm, VKSND quận Thanh Khê sẽ đề xuất VKSND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị VKSND Tối cao ban hành kiến nghị đề nghị Chính Phủ thay đổi Nghị định số 30/2020 hay không.
Không thấy báo chí đưa tin về cụ thể có nhà ngôn ngữ học nào tham gia vào cuộc tọa đàm nói trên.
Trở ngược quá khứ, tháng 10-2021 có diễn ra một hội thảo khoa học đề tài cấp Bộ “Đề xuất chính sách xây dựng Luật về tiếng Việt – Lý luận và thực tiễn, mã số: ĐTCB.2020-03”, do Ban Chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức.
Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, trên thế giới đã có nhiều Luật Ngôn ngữ được ban hành, Việt Nam cũng yêu cầu cần có Luật Ngôn ngữ/ Luật Ngôn ngữ quốc gia/ Luật Tiếng Việt.
Các đại biểu nhấn mạnh, luật pháp có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt nên Luật Ngôn ngữ cũng cần đặc biệt uyển chuyển để phù hợp với tình hình thực tế cụ thể của từng quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Thực tế đã cho thấy rằng Luật Ngôn ngữ nào cũng là kết quả của sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên ngành, là kết tinh trí tuệ tập thể các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội và các thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ mà luật đó hành chức.
Các đại biểu nhấn mạnh với việc xây dựng Luật Ngôn ngữ còn là xác lập một chủ quyền dân tộc trong lĩnh vực tiếng nói chữ viết của một quốc gia.
Nếu như một đất nước đơn ngữ (như Triều Tiên chẳng hạn) duy nhất có một dân tộc, một tiếng nói, một chữ viết thì điều này đơn giản, còn hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có không ít hơn 1 dân tộc. Ấn Độ, ngoài tiếng Anh còn 34 tiếng các dân tộc khác; nước Nga, ngoài tiếng Nga có 34 tiếng dân tộc khác; Indonesia có 11 dân tộc; Papua New Guinea, ngoài 3 ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh, tiếng Tok Pisin, tiếng Motu có gần 860 ngôn ngữ được sử dụng.
Về nguyên tắc, các đại biểu cho rằng, mỗi dân tộc mà đại diện là tiếng nói là hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt ngôn ngữ đó thuộc dân tộc đa số hay thiểu số. Vì vậy, Luật Ngôn ngữ là bộ luật chung cho mọi ngôn ngữ đang có trong quốc gia đó. Tất nhiên, sẽ có một ngôn ngữ chính thức được chọn là ngôn ngữ quốc gia (chẳng hạn như tiếng Việt), thì sẽ có một văn bản dưới luật, hướng dẫn riêng về những quy định và quy cách sử dụng.
Tiếng Việt hiện tại là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, được sử dụng trong các văn bản hành chính, giáo dục, lực lượng vũ trang, truyền thông, văn học… Tuy nhiên, điều khoản này chưa được “luật hoá” thành ngôn ngữ quốc gia, vì chưa có Luật Ngôn ngữ.
Tuy nhiên đến nay chưa rõ tiến độ của đề tài cấp bộ như nêu trên hiện đã được giai đoạn nào, tính khả thi ra sao…