Võ Hàn Lam
(VNTB) – Ngân sách trước áp lực “đỉnh” nợ giai đoạn 2020 – 2021 dẫn đến nguy cơ thiếu vốn cho đầu tư phát triển.
Trái ngược với những phát biểu lạc quan một cách liên tục suốt từ tháng 12-2019 đến tận hôm nay của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam về “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay” (*), từ năm 2019, Quốc hội Việt Nam và Chính phủ đã liên tục đưa ra các cảnh báo về chuyện áp lực “đỉnh” nợ giai đoạn 2020 – 2021 sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu vốn cho đầu tư phát triển.
Theo báo cáo tình hình nợ công năm 2020 và dự kiến đến năm 2021 gửi tới các Đại biểu Quốc hội khoá XIV, cho biết như sau (tóm lược):
“Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2020 dự kiến tăng lên mức khoảng 47,9% GDP (so với mức 47,1% của năm 2019) chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến; quy mô vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng nhanh (từ 25% GDP năm 2019 lên khoảng 27,3% GDP cuối năm 2020); trong khi nợ nước ngoài của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm từ mức 22,1% GDP năm 2019 còn khoảng 20,7% GDP cuối năm 2020.
Về trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự báo chỉ tiêu trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2020 có thể lên mức 34,6% (so với giới hạn được Quốc hội cho phép là 25%), chủ yếu do hoạt động rút vốn và trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh (tính riêng nghĩa vụ trả nợ các khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp đã lên tới 28,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ).
Việc gia tăng mức vay nước ngoài ngắn hạn của tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, điều hòa thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống, tuy vậy cần có đánh giá rủi ro để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Dự kiến các chỉ tiêu nợ đến ngày 31/12/2020, nợ công khoảng 56,8% GDP; nợ Chính phủ khoảng 50,8% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách ước khoảng 24,1%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP; trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ khoảng 34,6%”.
Từ số liệu báo cáo công khai ở trên, phía Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đưa ra các khuyến cáo như sau – tóm lược từ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải:
“Về bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, mức bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm khoảng 3,7% GDP điều chỉnh là khá cao so với tỷ lệ bội chi của giai đoạn 2016-2020, đề nghị đến năm 2025 Chính phủ cần giảm xuống mức thấp hơn 3,5% GDP điều chỉnh.
Về nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đến năm 2025 có thể đạt trên 25% tổng thu ngân sách nhà nước, sẽ vượt mức trần an toàn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, đảm bảo không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên cơ sở báo cáo đầy đủ, chính xác về kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Chính phủ xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cùng với thời điểm trình dự toán ngân sách năm đầu kỳ kế hoạch. Tuy nhiên, để phù hợp với định hướng của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội, đồng bộ với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định”.
Như vậy, xem ra mọi chuyện liên quan nợ nần quốc gia ở Việt Nam vẫn phải chờ đợi sau kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Biết đâu chừng khi đó vị tân Tổng bí thư lại không có được sự phấn khích như ông Nguyễn Phú Trọng hôm 21-10-2020, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao quyết định bổ nhiệm chín Ðại sứ Việt Nam tại nước ngoài, nhiệm kỳ 2020-2023; tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ. Ông Trọng đã lặp lại chuyện, rằng, “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay, đây là động lực, là chỗ dựa vững chắc cho triển khai công tác đối ngoại nói chung, trong đó có công tác của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…” (**).
_____________
Chú thích:
(*) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-dat-nuoc-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-nhu-ngay-nay-3877029.html