Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam đang rất cần “trở lại như xưa”

 

Định Tường

 

(VNTB) – Việt Nam đang rất cần “trở lại như xưa”, tức báo chí được quyền tự do xuất bản

 

Việc trang chủ Google Doodle ngày 1-2 là hình ảnh của bà Sương Nguyệt Anh, cho thấy Việt Nam đang rất cần “trở lại như xưa”, tức báo chí được quyền tự do xuất bản, không phải chịu bất kỳ sự định hướng nào của đảng phái chính trị, và chỉ tuân thủ theo luật pháp mà thôi.

Cách đây 105 năm, tờ báo Nữ Giới Chung, do bà Sương Nguyệt Anh làm tổng biên tập, được xuất bản. (https://www.google.com/doodles/celebrating-suong-nguyet-anh).

Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, cũng có tài liệu viết là Nguyễn Thị Xuân Khuê, sinh ngày 1 tháng 2 năm Giáp Tý (1864) tại An Bình Đông, nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, là con thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ở quê nhà người ta thường hay gọi là bà Năm Hạnh.

Năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu từ trần, lúc ấy Ngọc Khuê 25 tuổi, đang ở với người anh thứ ba là Nguyễn Đình Chúc, tham gia dạy học trò cùng anh. Có một viên tri phủ cậy mối hỏi, nhưng Ngọc Khuê không ưng.

Về sau bà cùng gia đình người anh chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho), rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân. Ở đây, Ngọc Khuê kết duyên cùng với một phó tổng sở tại góa vợ tên là Nguyễn Công Tính, và sinh được một người con gái đặt tên là Vinh; cô này về sau lấy ông Mai Lương Ngọc sinh ra bà Mai Huỳnh Hoa, người sau này là phu nhân của ông Phan Văn Hùm, một chí sĩ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Khi con được hai tuổi, thì ông Tính mất, bà Khuê ở vậy nuôi con và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng để sinh sống. Cũng từ đó, bà thêm trước bút hiệu Nguyệt Anh một chữ “Sương”, thành “Sương Nguyệt Anh”, có nghĩa là “Nguyệt Anh góa chồng”.

Đầu năm 1918, nhân lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn, làm chủ bút tờ Nữ giới chung (Tiếng chuông giới phụ nữ)… Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1 tháng 2 năm 1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Nữ giới chung là tờ tuần báo, ra vào ngày thứ sáu hàng tuần.

Trong số mở đầu, bà chủ bút nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa những con người với nhau…

Suốt 20 số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Chính vì những số báo phát hành đều đề cập đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.

Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn một số bài thơ, như Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến… và vài bài vè như Vè tiểu yêu, Vè thầy Hỷ, Vè đánh đề.

Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại, tháng 7 năm 1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Cũng ngay lúc này, người con gái độc nhất của bà tên Nguyễn Thị Vinh, vừa sinh nở xong, ngã bệnh qua đời.

Sau “Nữ giới chung”, bà lại được mời làm chủ bút tờ Đèn Nhà Nam (tờ báo cải biến từ Nữ giới chung) nhưng bà từ chối. Thời gian này mắt bà bị bệnh thường xuyên đau nhức, và sức khỏe cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), nương náu nơi nhà người em út tên là Nguyễn Đình Chiêm để chạy chữa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù lòa hẳn.

Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn. Sáng sớm 12 tháng Chạp năm Tân Dậu (tức ngày 9-1-1922), do sức khỏe quá yếu, Sương Nguyệt Anh trút đã hơi thở cuối cùng, thọ 58 tuổi. Lúc đầu, mộ Sương Nguyệt Anh ở Mỹ Nhơn, về sau (năm 1959) được cải táng dời về nằm cạnh mộ phần của song thân bà, tức nằm trong khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.

Ở Việt Nam từ sau tháng tư 1975 đến nay, báo chí Việt Nam chỉ tôn vinh “báo chí cách mạng”, với việc lấy ngày phát hành tờ Thanh Niên do lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập tại Trung Quốc làm “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sự nổi loạn trong báo chí cách mạng

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí Việt Nam trong ĐH Đảng XII

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí cách gì cũng thế thôi 

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 02.02.2023 10:08 at 10:08

“Việt Nam đang rất cần “trở lại như xưa”

Rất đúng . Dân Việt trong nước cần đấu tranh để Việt Nam trở về thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Đồng . Thời đó có dân chủ Cộng Đồng, có đủ thứ tự do, tha hồ mà chống Mỹ & bè lũ tay sai

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo