Quân đội VN lần đầu tiên giới thiệu tên lửa EXTRA do Israel sản xuất vào tháng 5/2015. Ảnh BBC
Rất đặc biệt, một bản tin gần đây của hãng tin Anh Reuters cho biết Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể khiến căng thẳng với Bắc Kinh. Bài phóng sự này của phóng viên Greg Torode đã dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội (không biết nước nào), và từ… “thông tin tình báo”.
Nếu bản tin trên là đúng sự thật, có thể cho rằng đây là một scandal hiếm hoi lộ bí mật quân sự ở tầm chiến lược của giới quốc phòng Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Scandal gần nhất của giới quân sự Việt Nam xảy ra vào năm 2015, không phải liên quan đến hoạt động quân sự, mà lại trực chỉ vào viên “đại tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh. Ông Thanh được đồn đoán bị ám sát ở Paris, đã chết…, nhưng sau đó lại trở về Việt Nam một cách bình yên, tuy sau đó gần như “mất tích” trên chính trường.
Còn với scandal lần này, “thông tin tình báo” mà Reuters dẫn có thể phát ra từ đâu?
Thật khó có thể hình dung rằng với truyền thống bảo mật lâu đời luôn ở cấp độ cao của quân đội Việt Nam, những tin tức về vụ đưa tên lửa ra Trường Sa lại được rò rỉ từ nội bộ giới lãnh đạo. Mà thông thường, cứ mỗi khi có sự cố gì đó thì nội bộ đảng lại đẩy hết cho “thế lực thù địch gây ra”.
Tuy nhiên, nếu xét trên căn bản “truyền thống xung đột” trong những năm gần đây, đặc biệt từ khoảng cuối năm 2014 cho đến đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, có thể không loại trừ việc tin tức quân sự được tung ra từ nội bộ nhằm mục đích phá nhau. Trong thực tế, đã có quá nhiều biểu hiện như thế, khi tài liệu nội bộ được những bàn tay bí ẩn nào đó tung như bươm bướm lên mạng xã hội ngay trước đại hội 12, trong đó nổi bật là “hồ sơ chiêu hồi” của ông Nguyễn Công Khế – nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên, và bức thư của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng gửi Bộ chính trị, giải trình 12 điểm bị tố cáo.
Cũng có một cơ sở để cho rằng quân đội Việt Nam quả đã đưa tên lửa ra Trường Sa, khi bản tin của Reuters dẫn rằng Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, đã nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa, nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào. Nguyên văn lời nói của tướng Vịnh là: “Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi”.
Đây là một khẩu khí “lạ” của tướng Vịnh. Trước đây chưa từng xuất hiện những ngôn từ này nơi viên tướng bị coi là rất thiếu minh bạch về quan điểm đối ngoại.
Nhưng dù thế nào đi nữa, hiện tượng có vẻ đáng tin cậy về việc Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa đã bắt buộc Trung cộng phải phản ứng, cùng lúc đặt chính thể Việt Nam vào thế không thể thoái thác khả năng đối đầu quân sự với Trung cộng ở Biển Đông trong thời gian tới.
Lê Dung / SBTN