VNTB – Việt Nam được ‘nhắc nhở’ cẩn trọng về chính sách tiền tệ

VNTB – Việt Nam được ‘nhắc nhở’ cẩn trọng về chính sách tiền tệ

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết trước việc bị Bộ Tài chính Mỹ xác định thao túng tiền tệ, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách về tỷ giá hối đoái thích hợp hơn.

 

Một năm tang thương

Tại buổi Công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tháng 12-2020 chiều 21-12, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi quanh việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ “dán nhãn” thao túng tiền tệ.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk, nhấn mạnh Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.

Theo báo cáo, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, của WB tại Việt Nam, cho rằng giai đoạn này, Việt Nam có cơ hội suy nghĩ nhiều hơn về một số chính sách của mình, đơn cử như chính sách về tỷ giá hối đoái.

“Thế giới những tháng vừa qua có nhiều biến động về tiền tệ, như đồng EURO, USD, Yen, đây cũng có thể là dịp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam suy nghĩ xem đồng tiền nào Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ, có thể suy nghĩ đến việc đa dạng hóa, đưa ra chiến lược trên cơ sở xem xét những đối tác khác, điểm đến khác về đầu tư, thương mại” – chuyên gia Jacques Morisset phân tích.

Ông Jacques Morisset cũng cho rằng đây có thể là thời điểm Việt Nam có thể suy nghĩ về chính sách thương mại. “Việt Nam là một nước mở cửa, nền kinh tế liên quan mật thiết đến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta có thể xem xét việc khai thác số hóa, những công nghệ ngày càng quan trọng, phải loại bỏ một số rào cản thương mại đối với dịch vụ. Trong thách thức có cơ hội, Việt Nam có thể tăng tốc một số chính sách, một số cải cách để ứng phó với thách thức tốt hơn” – ông gợi ý.

Ông Morisset cũng cho biết, trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc-xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.

Theo dự báo của WB, ngành nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng trong quý I năm 2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020.

Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ từng bước phục hồi.

Hy vọng… Biden

Vẫn theo WB, thực tế thì quy mô và thời gian hoành hành của đại dịch, cũng như tác động kinh tế của nó, khó có thể dự đoán. Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra.

Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng Covid-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.

Trong một hội thảo cập nhật chủ đề: “Kinh tế Việt Nam trong thế giới biến động: Covid, hậu bầu cử Hoa Kỳ và RCEP”, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), thì một vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đó là thặng dư thương mại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2020 là 50,9 tỷ USD.Trong khi phía Mỹ ước tính con số thâm hụt thương mại với Việt Nam là 56 tỷ USD.

Chính vì vậy, Mỹ đang gây sức ép rất lớn lên Việt Nam với cáo buộc gần đây về điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ thông qua việc định giá đồng Việt Nam thấp hơn 4,7% so với tỷ giá hối đoái thực tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và chính sách tỷ giá đó đã gây thiệt hại cho các ngành kinh tế nội địa của Hoa Kỳ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ hay không. Cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, điều khoản pháp lý tương tự mà Mỹ đã sử dụng để bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá để giữ đồng tiền thấp hơn giá trị thực thì đó sẽ là các căn cứ để Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ có thể đề xuất các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, từ kết luận đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt là cả một quá trình.

“Khách quan mà nói, tỷ giá hoàn toàn không phải là yếu tố gây ra thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam. Yếu tố cơ cấu mới là nguyên nhân chính.Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN rồi gia công, chế tạo với giá trị gia tăng thấp để xuất sản phẩm cuối cùng sang thị trường Mỹ và EU. Vì thế, Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, với EU, nhưng thâm hụt ở mức tương đương với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN”, ông Thành phân tích.

Ông Thành cho rằng, ngay cả khi kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá, thì xác xuất có những hành động trừng phạt nặng nề như đối với Trung Quốc là rất thấp, vì ông Biden sẽ không áp dụng cách tiếp cận của ông Trump. Mặc dù vậy, một số ngành xuất khẩu ở Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động nhất định vì Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp bảo hộ với từng ngành hàng cụ thể.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)