Việt Nam Thời Báo

VNTB- Việt Nam không đủ vốn để phát triển

David Hutt, Asia Times, ngày 21/7/2017

(bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

(VNTB) – Không rõ quốc gia cộng sản này sẽ lấy ở đâu 480 tỷ USD, một con số ước tính cần cho phát triển cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới?



Đối với một thành phố tám triệu người, hệ thống tàu điện ngầm công cộng của thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể được mô tả như là một sự cần thiết vô cùng. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường sắt sáu tuyến, lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2001, đã bị lạc hậu bởi sự chậm trễ do ngân sách nhà nước không đủ.

Vào năm 2015, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và Công ty Xây dựng Cienco 6 thuộc sở hữu nhà nước của Việt Nam – có nhiệm vụ xây dựng một phần hệ thống này – đã đòi bồi thường 90 triệu đô la Mỹ hoặc khoảng 110.000 đô la Mỹ mỗi ngày sau khi công việc bị đình trệ do thiếu ngân sách trong gần hai năm.

Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asian Review, hồi tháng 5, đại sứ Nhật Bản đã hối thúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thanh toán số tiền còn chậm cho các công ty Nhật Bản xây dựng tuyến tàu điện ngầm. Tạp chí có trụ sở ở Tokyo này nhấn mạnh đây là một “yêu cầu rất bất thường.”

Chính phủ Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 30% trong số 87,9 triệu đô la Mỹ cần thiết cho một phần của dự án tàu điện ngầm mà Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị giám sát dự án. Bản thân uỷ ban đã phải vật lộn trong những năm gần đây để kiếm thêm tiền cho dự án.

Gốc rễ của vấn đề rõ ràng. Để ổn định tài chính quốc gia và kiềm chế lạm phát, Quốc hội Việt Nam năm trước đã hạn chế nợ công ở mức 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Kể từ đầu năm, nợ công được cho là vào khoảng 64,7%.

Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình gần 7% trong những năm gần đây. Nhưng các nhà phân tích nói rằng tăng trưởng GDP không chuyển thành cải thiện tình hình tài chính của nhà nước do sự kết hợp của quản lý tài chính yếu kém, tham nhũng và chi tiêu không bền vững, bao gồm cả việc bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Trong những năm gần đây, gần 5,7% GDP đã được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác – và chỉ kém 6,8% của Trung Quốc.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ không thể tiếp tục bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, mặc dù chi tiêu là rất cần thiết để hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Các nhà phân tích ước tính quốc gia này sẽ cần ít nhất 480 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc. Nếu các khoản chi tiêu không được thông qua, các nhà phân tích nói rằng Việt Nam có nguy cơ tắc nghẽn tăng trưởng trong lĩnh vực hậu cần và vận tải, một điểm rõ ràng cho bất cứ ai đã từng chứng kiến nạn tắc đường ở thành phố Hồ Chí Minh.

Các dự án này bao gồm một sân bay mới trị giá 16 tỷ USD ở thành phố Hồ Chí Minh, một đường cao tốc 14 tỷ USD nối trung tâm tài chính phía nam tới thủ đô Hà Nội, và một số tuyến tàu điện ngầm ở hai thành phố này.

Chính phủ hiện đang tìm nhà đầu tư tư nhân. Chính phủ cho biết đã nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số tiền là 7,7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu thống kê chính thức, dòng vốn FDI đạt mức cao kỷ lục 15,8 tỷ USD vào năm 2016. Vào cuối tháng 6, sàn giao dịch chứng khoán đã chạm mức cao nhất trong 9 năm.

Tháng trước, Vingroup, một tập đoàn bất động sản hàng đầu của đất nước, đã ký một bản ghi nhớ trị giá 4 tỷ USD để phát triển một phần của dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội. Một tuần sau, Keximbank, một ngân hàng quốc doanh của của Hàn Quốc, và Siemens AG của Đức tuyên bố cùng quan tâm đến dự án tàu điện ngầm thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng nếu các nhà đầu tư tư nhân trở thành một phần của phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam thì phải có sự thay đổi căn bản. Dựa trên ước tính riêng của mình, chính phủ có thể đóng góp một phần ba trong số 480 tỷ USD cần thiết trong những năm tới và pần còn lại sẽ phải đến từ khu vực tư nhân, các quan chức thừa nhận.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), hiện tại, đầu tư tư nhân đóng góp khoảng 10% cho các dự án cơ sở hạ tầng hiện có ở Việt Nam. Vấn đề nợ công, tuy nhiên, không phải là vấn đề duy nhất mà chính phủ cộng sản đang phải đối mặt. Tăng chi tiêu đã song hành với giảm thu nhập.

Năm 2014, thâm hụt ngân sách nhà nước ước tính 11,5 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP, mặc dù chính phủ đã đặt mức trần 5,3% trong năm trước. Theo ADB, thâm hụt đã giảm xuống còn 4% vào năm 2015 nhưng lại tăng lên 4,4% vào năm ngoái.

Trên thực tế, một báo cáo gần đây của ADB nhấn mạnh rằng con số này có thể cao hơn so với con số mà chính phủ thừa nhận. Đây là một phần do một thủ thuật kế toán coi việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước như là doanh thu.

Vì vốn chủ sở hữu đó chỉ có thể được bán một lần, tuy nhiên, doanh thu tăng làm nảy sinh thực tế của việc bù đắp ngân sách. Nói cách khác, thâm hụt ngân sách có vẻ thấp hơn do những điều chỉnh ngắn hạn. Báo cáo của ADB cho biết: “Loại trừ những khoản thu này, thâm hụt ngân sách sẽ còn khiêm tốn hơn”.

Để đạt được mục tiêu của chính phủ là giảm mức thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% GDP trong năm nay, các nhà kinh tế cho rằng phải thực hiện các bước cơ bản, bao gồm thắt chặt tài chính và đánh thuế nhiều hơn.

Mặc dù chính phủ đã tuyên bố tháng trước rằng mức lương tối thiểu của người lao động trong khu vực công sẽ tăng 7%, lên đến 53 USD mỗi tháng, nhưng có dấu hiệu cho thấy chính phủ có ý định giảm số lượng nhân viên trong khu vực công.

Tháng trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các kế hoạch, điều này có nghĩa là giáo viên không còn được phân loại là công chức, thay vào đó đó là các hợp đồng lao động với quyền lợi và bảo hiểm giảm đi.

Điều này được miêu tả bởi bộ này như là một chính sách cần thiết để nâng cao sự chuyên nghiệp của đội ngũ giáo viên với nhiều giáo viên không đủ năng lực mà chỉ quan tâm đến tiền lương. Tuy nhiên, các nhà phân tích xem nó như là một động cơ chính trị nguy hiểm để đẩy một phần đáng kể nhân viên nhà nước khỏi ngân sách quốc gia.

Cắt giảm cũng được mong đợi ở cấp địa phương. Sau cuộc họp về ngân sách của Quốc hội vào tháng 10, chính quyền trung ương đã yêu cầu một số thành phố đóng góp thêm thu nhập địa phương cho ngân sách quốc gia. Thông thường, những thành phố và thị trấn thịnh vượng vẫn giữ được một tỷ lệ đáng kể doanh thu của họ và đóng góp phần còn lại cho chính quyền trung ương.

Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh thường giữ khoảng 23% doanh thu. Nhưng theo đề xuất, chính quyền thành phố chỉ được giữ lại 17% thu nhập cho đến năm 2020. Hà Nội sẽ mất gần một nửa doanh thu theo đề xuất cắt giảm, với tỷ lệ giảm từ 42% xuống còn 28%.

Không rõ liệu những yêu cầu tái phân phối thu nhập này đã được thi hành chưa. Tuy nhiên, đề xuất này đã làm báo động cho nhiều chính quyền địa phương vì họ sẽ buộc phải cắt giảm bộ máy chính quyền.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Chúng tôi không thể cắt giảm thêm nữa”, và nói thêm rằng làm như vậy sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” khi dân số của thành phố lớn nhất của đất nước này đang gia tăng từ việc di cư từ nông thôn.

Mặc dù các nhà kinh tế thừa nhận nhu cầu thắt lưng buộc bụng để tránh bị thâm thủng ngân sách, nhưng những quan ngại về xã hội của việc thắt lưng buộc bụng là điều đáng lo ngại đối với các nhà lãnh đạo Đảng.

Các nhà chỉ trích chính phủ ở Hà Nội nói với người viết rằng những cắt giảm của nhà nước sẽ tạo ra sự chán nản hơn nữa trong công chúng đối với chính quyền, một thái độ bất mãn xuất hiện ở diện rộng  sau những cuộc trấn áp gần đây đối với giới bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động môi trường.

Thực tế, tính chính danh của chính quyền cộng sản chính là khả năng giữ nền kinh tế phát triển nhanh để thúc đẩy sinh kế của người dân. Nhưng nếu không thể đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cần thiết cho khu vực tư nhân thì bất ổn sẽ gia tăng.

Về cơ bản, nếu chính phủ từ bỏ vai trò là người đỡ đầu các dự án cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản và thay vào đó là trách nhiệm với khu vực tư nhân, mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về sự hữu ích của nhà nước độc tài độc đảng, theo các nhà phê bình.

Đó là tình trạng tiến thoái lưỡng nan về tài chính đang đe dọa đến cân bằng chính trị và xã hội hiện nay của đất nước, và những nhà hoạch định chính sách của đảng Cộng sản cho thấy họ không có đủ khả năng để giải quyết.

—————————–

Tin bài liên quan:

VNTB- Đằng sau sự gia tăng đàn áp của Việt Nam là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- Trò chơi lớn: Có phải nước Anh đang chơi trò hai mặt ở Biển Đông?

Phan Thanh Hung

VNTB- Một cuộc chiến về nước ở các con sông thuộc châu Á

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo