Trong một email, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương cho biết, “Các hoạt động được tiến hành bởi Việt Nam là nhằm cải thiện cơ sở vật chất cũ để phục vụ cho nhu cầu tối thiểu của người dân sống trên các đảo tại quần đào Trường Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Tuyên bố này liên quan đến việc, gần đây
những hình ảnh vệ tinh được công bố bởi Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ), theo đó, tổ chức này khẳng định Việt Nam “đã tham gia vào cải tạo đất trên các đảo Sơn Ca, đảo Đá Tây trong những năm gần đây”.Các hình ảnh của CSIS cho thấy những điều sau:
- · Trong vài năm qua, Việt Nam bổ sung 65.000 mét vuông đất trên đảo Đá Tây và 21.000 mét vuông trên đảo Sơn Ca. Riêng Sơn Ca có cả cơ sở quân sự.
- · So sánh với Trung Quốc, hoạt động này là nhỏ bé, khi Trung Quốc tiến hành cải tạo trên 7 điểm, lớn nhất là Đảo Chữ Thập với 900.000 mét vuông.”
- · Theo các quan chức chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện đã cải tạo 2 triệu mét vuông đất, trong khi dự án cải tạo Việt Nam ở khoảng 200.000 mét vuông”
Đại sứ Việt Nam chỉ ra báo cáo của CSIS là “không hoàn toàn chính xác.” Ông không cho rằng, các hoạt động xây dựng của Việt Nam là “cải tạo đất” như CSIS đã nêu.
“Trong thực tế, Việt Nam đã nhiều lần tôn tạo một số hòn đảo thuộc quyền tài phán của mình, nhưng ở quy mô rất nhỏ, chủ yếu là xây dựng các đường lằn nhằm chống xói lở ở bờ biển, xây dựng bến tàu và cầu cảng cũng như cung cấp hậu cần dịch vụ cho nghề cá, chứ chúng tôi không tiến hành xây dựng, tôn tạo để thay đổi hiện trạng”, Đại sứ Dương nói.
Báo cáo của CSIS cũng chỉ ra, Philippines chỉ phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc, giữ im lặng đối với hoạt động của Việt Nam, vì nước này muốn tìm một liên minh mạnh mẽ hơn với Việt Nam, trước một Trung Quốc hung hăng.
“Chủ quyền không thể tranh cãi”
Đáp lại câu hỏi của Rappler, Đại sứ Việt Nam chỉ ra rằng việc xây dựng ở đảo tại Biển Đông của Việt Nam không giống như hoạt động của Trung Quốc.
Sơn Ca – hòn đảo lớn thứ 9 tại Trường Sa, được chụp vào ngày 16/03/2015. Ảnh: CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe
|
Dương nói: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”.
Bởi vì điều này, ông cho biết các hoạt động của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông “là hoàn toàn hợp pháp và bình thường.”
Việt Nam, ông nói thêm, theo đuổi “Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) của các bên ở Biển Đông”, một tuyên bố năm 2002 nhằm ngăn chặn căng thẳng và đảm bảo an ninh hàng hải.
Phù hợp với DOC, các hoạt động của Việt Nam “không phải thay đổi hiện trạng cũng không phức tạp thêm các tranh chấp lãnh thổ hiện nay.”
Dương cho biết: “Việt Nam đã kiên quyết bày tỏ sự phản đối mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Yêu cầu tất cả các bên liên quan kiềm chế, không làm thay đổi hiện trạng, hủy hoại môi trường biển , đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. ”
Ông nói thêm rằng Việt Nam đã “nhiều lần yêu cầu tất cả các bên có liên quan thực hiện đầy đủ DOC và các quy định có liên quan của pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.”
“Trái ngược với các hoạt động bình thường của Việt Nam”
Dương giải thích lý do tại sao không nên so sánh các hoạt động của Việt Nam với hoạt động “chiến lược” đảo nhân tạo của Trung Quốc.
“Trung Quốc, trái với các hoạt động bình thường của Việt Nam, họ tiến hành xây dựng và làm thay đổi các rạn san hô, xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng trên các đảo chiếm đóng bất hợp pháp”, ông nói.
Đại sứ cho biết thêm: “Những hoạt động này có tác động nghiêm trọng vì sẽ thay đổi hiện trạng địa lý, ảnh hưởng đến môi trường biển trong vùng biển Đông, quy mô và mục đích của các hoạt động của Trung Quốc là hoàn toàn khác với những gì Việt Nam đang làm trên các đảo của mình.”
Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản Philippines trước đây tố cáo Trung Quốc đã chôn vùi 311 ha rạn san hô trong quá trình cải tao đảo của nước này.
Philippines và Việt Nam cố gắng xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược, trong đó dự kiến thúc đẩy liên minh an ninh giữa hai nước.
Việt Nam cũng đang giúp Philippines trên mặt trận pháp lý. Ngày 11 tháng 12 năm 2014, Việt Nam đã đệ đơn để hỗ trợ trường hợp của Philippines chống lại Trung Quốc trước Tòa án Quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan.
Trong tháng 5 năm 2014, Dương cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Rappler rằng Philippines và Việt Nam nên “đứng chung giới tuyến.”
Ông cũng cho rằng, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam có thể chia sẻ tài nguyên biển trong vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, ý tưởng này sẽ không chia sẻ với Trung Quốc vì nước này tham vọng “tuyên bố chủ quyền toàn bộ biển Đông”.