Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam: Kinh hoàng rác thải nhựa.

Tôn Phi (VNTB) Tại sao càng nhiều công nghệ xen vào đời sống, dân tộc Việt Nam lại thêm bất hạnh? Ngày trước chưa có những tiện nghi thì không khí trong lành, người đối với người tử tế văn minh. Ngày nay, những sản phẩm nhân tạo trong tay người Việt đang hủy diệt chính cuộc sống của người Việt.

Không đủ thùng chứa rác

Ở Việt Nam, đi đâu cũng thấy băng-rôn, khẩu hiệu rất nhiều. Nhưng những chỗ cần thùng chứa rác thì lại không có. 


Ảnh : Tôn Phi
Đây là tấm hình chụp ở nhà chờ xe buýt trước đại học Nông lâm TP.HCM. Khách đi xe buyt ở đây chủ yếu là sinh viên trường này. Trong lúc ngồi đợi xe buyt, người ta ăn, uống, rồi xả rác ngay ở nhà chờ xe buyt. Đó là vì nhà cầm quyền không đặt thùng rác nào ở điểm này. Càng lúc đống rác mỗi ngày một to thêm, người dân xung quanh thấy vậy cũng tập kết những bao bì các loại. Lớp rác này chưa kịp xẹp xuống thì lớp rác khác đã đè lên, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Trong ảnh, nữ sinh viên phải đeo khẩu trang trong lúc chờ xe buyt. Vào những lúc trời mưa, nước chảy từ đống rác xuống bốc mùi rất đáng sợ, nếu gặp thêm trận gió thì cả một vùng hôi thối kinh khủng. Sự việc này diễn ra trước cổng đại học Nông lâm, gây phản cảm hết năm này qua năm khác.
Người ta có thể đổ lý do là thiếu kinh phí nên không mua được thùng chứa rác ở các điểm dừng xe buyt. Vậy thì tại sao lúc nào cũng có kinh phí để căng cờ, băng-rôn, khẩu hiệu khắp nơi, những hành động AQ mà thế giới chẳng nước nào dùng nữa?
Ống cống bị tắc, lại rác ny-lon.
Đây là tấm ảnh chụp ngay bên ngoài khuôn viên trường đại học Đại cương ngày trước ( bây giờ đã nhập vào trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM). Con đường đổ xi-măng có những chỗ làm cống thoát nước bên dưới.

Bình thường, mặc dù đã có biển cấm buôn bán, dân ngụ cư vẫn mở dịch vụ ăn uống tự ý để mưu sinh, do đó thải ra nhiều ly nhựa, ống hút nhựa. Khách hàng uống xong vứt bừa bãi, chủ quán cũng không dọn dẹp. Khi mưa xuống, những ly nhựa và túi ny-lon này theo dòng nước trôi vào cống thoát nước. Khác với đất cát, những ly nhựa này không tan và trôi mất đi. Chúng nổi lềnh bềnh bên trong. Dần dần ly nhựa và túi ny-lon lấp đầy cống thoát nước, tràn ra cả miệng cống. Đến một lúc nào đó, những ly nhựa và túi ny-lon không còn chỗ để chui vào nữa. Vào những lần trời mưa lớn, ngập lụt càng ngày càng thêm nghiêm trọng vì nước cũng thoát xuống cống rất chậm, vì miệng cống đã bị bịt lại hết rồi. Không thể đếm hết những cái cống bị tắc cùng một nguyên nhân như vậy.
Ảnh : Tôn Phi

Đây là bức ảnh chụp một trường đại học cũng ở trong TP.HCM. Con đường từ cồng trường dẫn vào khu giảng đường không chỗ nào là không có rác. Sinh viên Việt Nam phải đến giảng đường sớm hơn các nước khác, từ lúc 7h sáng (nước ngoài nhiều trường vào lớp tận 8-9 h). Nhiều bạn vừa đi bộ vào lớp vừa ăn sáng, những suất xôi và cơm đựng trong các hộp nhựa. Xong rồi sinh viên vứt hộp đựng đồ ăn ra hai bên đường. Theo năm tháng, rác tích tụ ngày càng nhiều thêm. Lao công trong trường đợi đến khi nào chất thành đống thật to rồi xúc đi một thể, rồi sau đó đâu lại vào đấy. Chẳng mấy chốc đống rác sau cũng lớn như đống rác trước. Điều đáng nói là trong trường đại học này không phải là thiếu thùng rác. Nhưng dường như nền giáo dục của Việt Nam đi ngược lại văn minh: Ở phương Tây, càng học cao con người càng ý thức, ngược lại ở Việt Nam, người đi học đại học ý thức không bằng đứa học mẫu giáo, vì đứa học mẫu giáo còn biết sợ thầy cô, lớn lên thành sinh viên đại học biết luật pháp không nghiêm nên chẳng sợ gì. 
Bao giờ cho đến ngày xưa…
Trước thảm trạng ô nhiễm môi trường cực độ như thế, nhiều người hoài niệm về ngày xưa. Cái ngày mà chưa có công nghệ, thời mà mọi thứ đều là từ tự nhiên.
Thời đó các bà, các mẹ đi chợ bằng làn hoặc rổ. Mỗi người phụ nữ xách một cái làn hoặc rổ ra đến chợ, mua món gì cũng bỏ vào trong làn đi về. Thuở ấy, cách đây chỉ ba chục năm thôi, thịt còn đùm trong lá chuối, rau thì buộc lại bằng lạt tre. Các bà các mẹ đi chợ không hề biết bao ny-lon là gì. 
Bỗng dưng thời đại thay đổi, mỗi bà mẹ Việt Nam thời @ đi chợ hay vào siêu thị một lần khi trở về ít nhất cũng bốn, năm cái túi ny-lon. Nhân lên với số người, số gia đình, con số rác thải ny-lon khổng lồ dân Việt Nam sử dụng mỗi ngày là khổng lồ.
Ở Việt Nam từ già trẻ, trai gái ai cũng dùng bao ny-lon. Đừng hy vọng vào chính quyền sẽ cải tạo môi trường. Họ luôn luôn sẵn sàng chi tiền cho việc rình, nghe lén những người bất tuân dân sự, nhưng không hiểu sao lại luôn thiếu tiền xây các nhà máy xử lý rác thải. Thời chủ nghĩa xã hội là thời của vô vàn những sự vô lý, mặc cho môi sinh càng ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Đáng lo hơn, thứ chất thải hàng trăm năm mới phân hủy chỉ một số ít được xử lý trong nhà máy, còn lại đa số bị chôn lấp. Thậm chí, ống hút nước giải khát mà người dân uống hằng ngày là từ nhựa y tế tá chế để. Kinh hoàn hơn nữa, nhựa đó là nhựa chết.
Phát minh nào được các nhà khoa học coi là khủng khiếp nhất của thế kỷ XX? Không phải bom nguyên tử hay các loại vũ khí sinh học như đa số vẫn nghĩ. Thứ phát minh tệ hại nhất thế kỷ XX, theo nhiều nhà khoa học, là nhựa và ny-lon. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Công an đàn áp Meeting xã hội dân sự độc lập ở Vũng Tàu.

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo du lịch Mỹ: Đừng đến Vịnh Hạ Long

Do Van Tien

VNTB – Vì sao khó giảm thiểu rác thải ny-lon ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.