Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam ngày 30.04.2024, những diễn biến đáng lo ngại.

cờ VN

Thục-Quyên

 

(VNTB) – Việt Nam ngày 30.04.2024, 49 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, đang phải trực diện sự thật là bản lĩnh quốc gia không thể đến từ những lời tuyên bố có cánh mà phải từ thực lực. 

 

30.04.2024 lọt ra tin kêu cứu từ trại giam số 6 tỉnh Nghệ An nên thời gian lúc này phải dành cho việc khẩn cấp là viết thư báo động cho các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế và các tòa đại sứ tại Hà Nội, nhờ can thiệp về vấn đề một số tù nhân lương tâm đang bị nhốt tại Việt Nam trong những phòng giam chật hẹp, che mái tôn, không có hay chỉ có một cái quạt, trong khi nhiệt độ lên tới 43 độ C ban ngày và 28 độ C ban đêm. 

Gần nửa tháng nay, một số tù nhân đã lên tiếng chống đối hoặc kiến nghị những phương pháp giảm nhiệt, nhưng không kết qủa.

Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, do đó các tổ chức bảo vệ Nhân quyền quốc tế đang ráo riết vận động hai vị Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, cần đến thăm gấp những tù nhân lương tâm và tình trạng các nhà tù tại Việt Nam.

 

30.04.2024 là mốc thời gian đánh dấu tình trạng khẩn trương,  liệu ngành thủy sản Việt Nam có thể khắc phục được mọi vi phạm IUU (1) (hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định) để không bị nhận thẻ đỏ nghĩa là bị cấm xuất khẩu hải sản sang Liên minh Âu châu EU.

Sáng ngày 03.05, trả lời một số phóng viên, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết cuối tháng tư ông đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bàn tính, hầu ấn định thời điểm đoàn thanh tra EU sẽ qua Việt nam kiểm soát và quyết định tình trạng thẻ vàng Việt Nam đã phải nhận từ năm 2017.

Theo Đại sứ Guerrier, phía Việt Nam tuy thể hiện quyết tâm chính trị cao, tạo được một khuôn khổ pháp lý về vấn đề này, có những nỗ lực như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các tàu đánh cá để theo dõi, nhưng về thực thi lại chưa đạt được kết qủa phải có.

Trả lời câu hỏi xoáy thẳng vào con số những tỉnh thành chưa làm đủ tốt, ông không trả lời chi tiết nhưng cho biết danh sách những tỉnh thành này còn tương đối khá dài.

Đại sứ Guerrier cũng nhắc nhở, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của EU tại ASEAN, là nước tiếp nhận ODA lớn nhất của EU ở khu vực. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và JETP. Trong những lĩnh vực đó đều có định hướng quan trọng từ Nghị viện Âu châu

 

Nghị viện Âu châu đang quan tâm đến hoạt động gián điệp của Việt Nam liên quan đến tình trạng “thẻ vàng thủy sản”

Bên cạnh nỗi lo „thẻ vàng/đỏ thủy sản“ còn có một „thanh gươm Damocles“ nữa: 

Đó là bản câu hỏi P-001059/2024 đã được một thành viên Quốc hội Âu châu, nghị sĩ Saskia Bricmont, gửi ngày 10.04.2024  đến Ủy ban Âu châu, hỏi về kết qủa cuộc điều tra Việt Nam dùng phần mềm gián điệp Predator để do thám các quan chức Liên minh Âu châu và Nghị sĩ thuộc Nghị viện Âu châu (2):

Đầu tháng 10 năm 2023, một cuộc điều tra của Hiệp hội Hợp tác Điều tra Âu châu, một tập đoàn các nhà báo, đã tiết lộ rằng các cơ quan mật vụ Việt Nam đã mua được phần mềm gián điệp Predator, thông qua công ty Nexa của Pháp, để cố gắng xâm nhập vào điện thoại của các quan chức Liên minh Âu châu và các nghị sĩ thuộc Nghị viện Âu châu, bao gồm cả Chủ tịch Nghị viện, Roberta Metsola, và Chủ tịch Ủy ban Thủy sản của Nghị viện. 

Các báo cáo cho rằng hoạt động gián điệp này có liên quan đến tình trạng “thẻ vàng thủy sản” là thẻ phạt Liên minh Âu châu đã cấp cho Việt Nam trong khuôn khổ “ khai thác thủy sản bền vững”, có nghĩa là hiện đang có những hạn chế đối với chương trình nhập khẩu từ Việt Nam. Ủy ban và Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu châu dường như đã tiến hành một cuộc điều tra và vụ việc hiện đã kết thúc.

  1. Xin Ủy ban cho biết cuộc điều tra được tiến hành theo những điều kiện nào và những yếu tố nào cho phép kết thúc cuộc điều tra? Việt Nam đã đưa ra những đảm bảo gì?
  2. Việt Nam đã rút ra bài học gì từ vụ việc này, đặc biệt là dựa trên các khuyến nghị của Ủy ban Điều tra về việc sử dụng Pegasus và phần mềm gián điệp giám sát , sau khi Ủy ban này đã kết thúc công việc vào tháng 6 năm 2023?

Theo nguyên tắc chung, các câu hỏi từ Nghị viện sẽ được người nhận trả lời trong vòng sáu tuần kể từ khi được chuyển tiếp. 

 

 30.04.2024 Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ ?

Liên quan đến tình hình đánh bắt thủy sản, ngày 17.10.2023 Nghị viện Âu châu đã ra nghị quyết (3) đòi hỏi việc minh bạch và giám sát gắt gao hơn các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc, vì các chính phủ và tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra một số hành vi (của Trung Quốc) mà EU tin rằng có thể là bất hợp pháp và gây nguy hiểm cho an toàn thực phẩm.

Cuối tháng 2.2024, Cơ quan quản lý nghề cá Philippines (4) đã cáo buộc ngư dân Trung Quốc sử dụng xyanua để đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, gần đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông, và sở dĩ họ dùng phương pháp đánh bắt trái phép này là nhằm “cố tình hủy hoại [môi trường] để ngăn cản các tàu đánh cá Philippines đánh bắt cá trong khu vực”.

Trong khi đó thì theo nguồn tin của Xinhua (5), ngày 30.04.2024 Cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam lại hoàn thành cuộc tuần tra chung đầu tiên ở Vịnh Bắc Bộ vào năm 2024, đây là cuộc tuần tra chung lần thứ 27 do các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của hai nước thực hiện kể từ năm 2006, để quan sát và kiểm tra các tàu đánh cá của cả hai nước khi tuần tra dọc theo các tuyến đường đã được lên kế hoạch trong vùng biển.

Nguồn tin còn cho biết cuộc tuần tra chung đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Vịnh Bắc Bộ, duy trì trật tự sản xuất thủy sản, trấn áp tội phạm hàng hải và bảo vệ an ninh và ổn định khu vực. Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi và hợp tác thiết thực với phía Việt Nam để xử lý đúng đắn (?) các tình huống khẩn cấp trên biển và cùng nhau duy trì an ninh, ổn định hàng hải.

Trung Quốc luôn láu lỉnh, không đi được cửa trước thì luồn cửa sau.

Việt Nam ngày 30.04.2024, 49 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, đang phải trực diện sự thật là bản lĩnh quốc gia không thể đến từ những lời tuyên bố có cánh mà phải từ thực lực. 

Đã tới lúc phải chứng minh khả năng hoạt động kinh tế, khả năng khoa học, khả năng tiến hành các hoạt động quốc tế, khả năng hành động của chính phủ, khả năng phát triển xã hội, khả năng tài nguyên, khả năng quân sự, sự gắn kết quốc gia….

49 năm không chiến tranh liệu có đưa dân trí Việt Nam lên đủ cao để phân biệt được những diễn biến sáo rỗng đang che lấp tình hình bấp bênh đáng lo ngại của dân tộc?

____________

Tham khảo:

1. https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66886405

2. https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/P-9-2024-001059_EN.html

3. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3g2wln6lz9o

4. https://maritime-executive.com/article/philippine-official-accuses-chinese-fishermen-of-using-cyanide-on-reef

5. https://english.news.cn/20240430/1276cfd8760d4b02a4f2dd38a8ed869b/c.html

 


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ PEN America kiện Tổng thống Donald Trump (1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuân Lộc và lương tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Trần Huỳnh Duy Thức về nhà trước khi Tô Lâm đi Mỹ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo