Khúc Thừa Sơn (VNTB) “Hiện tượng cộng sản đàn áp ngày hôm nay nó phản ánh cấp độ độc ác của cộng sản ở mức độ bùng nổ và dân chúng đã phản kháng, nó báo hiệu ngày cáo chung của cộng sản đã rất cận kề.” Lời của ông Đinh Quang Tuyến, nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam từng bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung chia sẻ nhân tuần lễ Nhân quyền Việt Nam.
Nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Tuần lễ Nhân quyền cho Việt Nam” (ngày 10/12 hằng năm là ngày quốc tế Nhân quyền), hôm 6/12/ 2015, luật sư Nguyễn Văn Đài , facebooker Lý Quang Sơn và anh Vũ Văn Minh là những nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam và cũng là những thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, sau khi tham dự buổi Thảo luận Nhân Quyền được tổ chức tại một giáo xứ ở Nghệ An thì khi về, cả bà đã bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung rất thô bạo. Trước đó, có rất nhiều nhà hoạt động dân sự, dân chủ khác cũng bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công tương tự. Để xảy ra những vụ việc này, không ít dư luận đánh giá không tốt đối với chính quyền Việt Nam qua những tình huống tương tự.
Nhà hoạt động dân sự, nhân quyền bị hành hung, đánh đập
Ngày 19/5/2015, nhà hoạt động dân sự, dân chủ Đinh Quang Tuyến (ở Sài Gòn) đã bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công khi ông vừa bước ra khỏi nhà để đi tập thể dục buổi sáng. Vụ tấn công khiến ông Tuyến bị trọng thương. Đã mấy tháng qua nhưng ông Tuyến vẫn còn nhớ rất rõ diễn biến vụ việc xảy ra ngày hôm ấy.
“Vừa bước ra khỏi nhà, tôi thấy anh công an khu vực sáng sớm ngồi bất thường trong quán cà phê ỏ trước nhà tôi, ngồi trong góc khuất và nhấc điện thoại lên. Tôi là người cảnh giác khi thấy ảnh nhấc điện thoại lên là tôi đoán có chuyện không may xảy ra. Đúng y, độ 10 phút sau là tôi bị những kẻ lạ mặt đánh”.
Ông Tuyến kể lại. Sau trận hành hung, ông Tuyến bị gãy xương sóng mũi, máu đổ ra rất nhiều ướt cả áo. Nằm điều trị ở bệnh viện, bác sĩ giải phẫu và nâng lại sống mũi cho ông Tuyến với thời gian điều trị hai tuần.
Tuy không bị hành hung trọng thương như ông Đinh Quang Tuyến nhưng anh Lê Hoàng, nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Hà Nội cũng từng bị những kẻ côn đồ vô cớ tấn công khi anh cùng số đông người dân ở Hà Nội tham gia cuộc biểu tình ôn hòa chống nhà cầm quyền Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông vào hồi tháng 5/ 2014.
Anh Hoàng kể: “Thời gian ấy ở Hà Nội diễn ra cuộc biểu tình chống giàn khoan HD 981, tôi đi biểu tình cùng đứa con. Lúc tôi mãi hô phản đối thì bị những kẻ đấm đá trộm đằng sau lưng”.
“Chúng nó là những tên dư luận viên, cựu chiến binh dân phòng,” anh Hoàng khẳng định.
Qua tìm hiểu một vài vụ tấn công tương tự từ trước giờ thì được biết, thông thường khi bị tấn công, hành hung thì những nhà hoạt động dân sự , dân chủ luôn bị những kẻ côn đồ, lạ mặt vu khống một lý do vô cớ nào đó rồi ra tay.
“Tôi được anh luật sư Lê Công Định quan tâm đến chuyện của tôi thuật theo lời phía công an, an ninh rằng; tôi bị đánh là do giật khách hàng của người ta… Thứ nhất, có cuộc điều tra nào đâu mà nói tôi giật khách hàng. Thứ hai, tôi làm gì có khách hàng mà đi giật khách hàng của người ta, tôi làm công mà. Ai kêu thì tôi làm, không kêu thì tôi không làm, tôi bị động hoàn toàn làm sao có chuyện cạnh tranh khách hàng mà giật. Người ta bịa chuyện khá buồn cười”.
Ông Tuyến chia sẻ lý do mà những kẻ côn đồ, lạ mặt đưa ra để tấn công, hành hung ông.
Còn anh Lê Hoàng thì bị cho là quần chúng tự phát trong khi anh Hoàng khẳng định mình biết rõ mặt những kẻ tấn công, hành hung mình. Anh Hoàng bức xúc cho đây là một trò bẩn.
“Tôi nghĩ việc bức xúc là sự mặc nhiên, không nên mất thì giờ với bức xúc vì cộng sản vốn dĩ là như vậy… Việc của của mình không phải chỉ bức xúc mà tôi chọn đi tìm hướng giải quyết là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị cộng sản để chấm dứt chuyện khủng bố” – lời của ông Tuyến.
Dấu hiệu hồi cáo chung
Lẽ thường tình sau những lần bị hành hung thì có người quyết định đi đến cơ quan công an để tố cáo vụ việc để phía công an họ làm rõ vụ việc, truy tìm và bắt giữ những kẻ côn đồ, lạ mặt ra trước pháp luật. Đối với anh Hoàng, những lần tố cáo thế này là bằng chứng sống của những kẻ bày trò hèn hạ, bẩn thỉu đối với những nhà hoạt động dân sự, dân chủ. Lời của anh Hoàng:
“ Khi tôi vào đồn trình báo thì công an nói là chắc thù hằn nhầm nhưng tôi thì không bao giờ xô sát, thù hằn với ai. Nó chung, trò hèn hạ, bẩn thỉu này dành cho tôi thế này mà đem so với mọi người khác là nhẹ nên cũng quen. Tôi không đơn từ gì mất công. Bị chúng đánh đau thì ta nên kiện, nó có tác dụng nhiều. Đây là những bằng chứng sống của chúng đối với anh em đấu tranh. Nếu im lặng sự việc sẽ thành cơm bữa và chúng sẽ liên tục như vậy”.
Hoặc cũng có người chọn quyết định không muốn tố cáo vụ việc qua phía cơ quan công an như trường hợp của ông Tuyến.
“Tôi không có trình báo lên cơ quan công an vì tôi biết rất là rõ. Trước đó rất nhiều lần là mật vụ đến nhà tôi, ngăn tôi ra đường và hăm dọa tôi. Công an có 2 lần đem giấy mời tới nhà tôi để làm công tác điều tra. Tôi xác định với họ là Việt Nam không có chính quyền, không có luật pháp nên tôi không kiện, không cần điều tra gì hết”.
Ông Tuyến còn cho rằng, việc những nhà hoạt động dân sự, dân chủ ở Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bị những kẻ côn đồ, lạ mặt tấn công, hành hung đây chính dấu hiệu của ngày cáo chung của cộng sản cận kề.
“Hiện tượng công sản đàn áp ngày hôm nay nó phản ánh cấp độ độc ác của cộng sản ở mức độ bùng nổ và dân chúng đã phản kháng, nó báo hiệu ngày cáo chung của cộng sản đã rất cận kề,” ông Tuyến khẳng định.
Năm 2014, Việt Nam được bầu vào thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Tháng 10/2015, Việt Nam gia nhập vào khối TPP nhưng ngày 20/11/ 2015 vừa qua, tổ chức theo dõi Humans Rights Watch công bố phúc trình nêu rõ ở Việt Nam 2015 – “số người bị bắt vì An ninh Quốc gia lan rộng, bất chấp những cam kết theo TPP”.
Với ông Tuyến, việc đàn áp của chính quyền cộng sản đã giảm đi, nó tỷ lệ nghịch với sự lên tiếng của người dân. Khi người dân đã biết cất lên tiếng nói làm chủ chính là đòn bẫy thúc đẩy nhanh tiến trình dân chủ của đất nước.
“Họ (chính quyền Cộng sản) đánh không biết vào mục đích gì, mà đánh để thể hiện sự sợ hãi của họ mà thôi. Việc cộng đồng càng lên tiếng thì họ càng hoảng sợ, họ vẫn cứ đánh nhưng mức độ đánh sẽ giảm đi tại vì họ bị phát hiện. Để hạn chế mức độ bị họ đánh thì mỗi người cần góp một tiếng nói bằng cách này hay cách khác. Ví dụ như vụ cô giáo nào đó ở An Giang có lời phê bình không vừa lòng lãnh đạo tỉnh An Giang, cô giáo bị xử phạt thì ngay lập tức cộng đồng mạng, công luận phản ứng buộc lãnh đạo tỉnh An Giang phải rút lại quyết định xử phạt đó. Đó mới chỉ là về mặt truyền thông thôi chứ chưa có cuộc biểu tình hay một vụ việc nào đó xảy ra mà hiệu ứng như vậy… rõ ràng sự lên tiếng của cộng đồng vô cùng quan trọng đối với việc đánh thức nhà cầm quyền cộng sản. Sau cơn hoảng loạn họ phải tỉnh táo chấp nhận lỗi lầm, chứ đừng hoảng loạn mà trừng phạt người tố cáo mình… công luận có ích cho người dân khi bị tấn công và cũng có ích cho người sắp sửa phạm lỗi,” ông Tuyến cho hay.