Ralph Jennings, Forbes, ngày 27/4/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
Các nhà lãnh đạo từ mười nước Đông Nam Á nhóm họp trong tuần này, mà một chủ để có thể là về hòa bình ở Biển Đông. Bốn nước có tuyên bố chủ quyền về khu vực biển giàu tài nguyên này trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông với diện tích bề mặt là 3.5 triệu kilomet vuông. Thảo luận về Biển Đông trong tuần này và trong suốt năm giữa các nhà lãnh đạo của ASEAN có thể đưa ra một bộ quy tắc ứng xử vào tháng 6 tới để được hoàn thiện và ban hành vào cuối năm hoặc từ năm 2018. Đàm phán về Quy tắc ứng xử về các bên trên Biển Đông (COC) – một tập hợp các quy tắc nhằm tránh những xô xát trong vùng biển đang tranh chấp – đã được khởi động từ nhiều năm trước bởi Trung Quốc và ASEAN, những bên đã ký Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Một khi COC được thông qua, Việt Nam sẽ là kẻ thua cuộc lớn nhất.
Là thành viên ASEAN với một tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam muốn có một bộ quy tắc ứng xử hoặc bất cứ thỏa thuận nào mà có thể bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo này gồm 130 thực thể nằm ở phía tây nam của Hồng Kông sau khi hoàn tất xâm chiếm bằng cuộc chiến hải quân ngắn ngủi năm 1974. Nước Việt Nam hiện đại ngày nay vẫn tuyên bố chủ quyền về quần đảo đã bị mất này.
Tuy nhiên, Trung Quốc không cho phép Việt Nam hoặc bất cứ nước nào đưa các tàu đến gần Hoàng Sa vì bất cứ lý do nào mà không xảy ra sự cố, có nghĩa là Bắc Kinh sẽ phản đối bất kỳ quy tắc ứng xử nào của khu vực có liên quan đến Hoàng Sa, một văn bản hàm ý rằng một quốc gia khác có thể tiếp cận các rạn đá ngầm, đảo san hô và các vùng nước xung quanh của quần đảo này. Trung Quốc đã ngăn cản sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử này trong sáu năm qua vì lo sợ rằng nó sẽ làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Việt Nam và ba nước Đông Nam Á khác kiểm soát nhiều đảo trên một quần đảo khác là Trường Sa, và Trung Quốc cũng chiếm hữu bảy đảo ở đây. Các nước này đang tìm kiếm dầu khí dưới đáy biển bên cạnh việc đánh bắt cá. Nếu Trung Quốc không muốn có một thỏa thuận đi lại an toàn trong quần đảo Trường Sa, nó càng có nhiều nguy cơ rủi ro như bất kỳ nước nào khác.
“Không ai có thể buộc Trung Quốc rời khỏi quần đảo Hoàng Sa,” theo Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, Australia. “Niềm hy vọng lớn nhất vào điều đó là nếu Việt Nam có hành động pháp lý,” chẳng hạn như kiện lên tòa án thế giới ở The Hague, ông nói thêm.
Việt Nam đang cố gắng để có được mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc cho dù hai bên có những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải trong hàng thế kỷ qua. Tinh thần chống Trung Quốc vẫn ở mức cao trong dân chúng nhưng chính phủ ở Hà Nội đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề biển đảo trong khi vẫn có được những lợi ích kinh tế như nhập khẩu giá rẻ và tiếp đón hàng triệu du khách từ Trung Quốc. Trung Quốc có thể phải đối mặt với áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ về việc xây dựng hàng loạt nhiều hòn đảo nhân tạo với sân bay quân sự và trạm rada ở Biển Đông trong thập niên vừa qua. Giờ đây, Trung Quốc có thể làm yên lòng những nước ở Đông Nam Á khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như Brunei, Malaysia và Philippines bằng viện trợ và đầu tư.
Các nước trong ASEAN đang họp 4 ngày tại Philippines cho tới thứ bảy, có lẽ sẽ không ép Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, ngay cả khi Việt Nam muốn làm điều đó. Những nước trong ASEAN kiên định ủng hộ Trung Quốc là Campuchia và Lào. Nước chủ nhà Philippines cũng không đề cập tranh chấp về biển với Trung Quốc. ASEAN như một khối thường theo đuổi các thỏa thuận nhằm nâng cao sự thống nhất của mình hơn là gây nguy cơ rạn nứt giữa các thành viên trong khối hay giữa khối và các nước khác.
Thiếu một điều khoản về Hoàng Sa trong bộ quy tắc ứng xử sẽ cho phép Trung Quốc toàn quyền hành động trên các hòn đảo mà nó đã biến thành một thành phố nhỏ cùng với cơ sở hạ tầng quân sự.
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ muốn có điều đó trong quy tắc ứng xử, bởi vì tôi nghĩ rằng đối với Trung Quốc, Hoàng Sa là một vấn đề song phương giữa chính quốc gia này và Việt Nam, và tôi thậm chí còn đi xa hơn để nói rằng một số các quốc gia ASEAN có thể không muốn nói về Hoàng Sa vì họ thấy Hoàng Sa là một yếu tố phức tạp không cần thiết “, Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nói.