VNTB – Việt Nam: Tái lập nền văn minh bắt đầu bằng xử lý tệ “đái đường”

Mẫn Nhi (VNTB) TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội đang tái lập lại văn minh đô thị bằng việc ra quân xóa bỏ nạn “đái đường” với quyết tâm cao. Tuy nhiên, sẽ được bao lâu là câu hỏi lớn đối với nhiều người.

Ra quân xử phạt là đúng
Ngày 13/02, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính đối với 3 lái xe taxi vì hành vi đi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Tổng mức phạt lên đến 2 triệu người/ người, căn cứ vào Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về việc xử lý các vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng, đồng thời, nếu tái phạm ngoài bị xử phạt với mức răn đe hơn sẽ phải chịu thêm hình thức cưỡng chế lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh công cộng.
“Đái đường” ở mọi ngõ ngách là căn bệnh trầm kha của các đô thị lớn như Hà Nội.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP HCM) ra quyết định xử phạt 28 người dân có hành vi “tè bậy” ngoài đường với mỗi trường hợp vi phạm bị lập biên bản phạt 200.000 đồng. Các trường hợp còn lại là nhắc nhở, viết cam kết không tái phạm và phải dùng nước dội sạch khu vực vừa “đi bậy”. 
Nhưng không lẽ “đái chai”?
Việc tái lập văn minh, xử nạn “đái đường” bản thân nó nên được nhân rộng và đẩy mạnh, bởi không ít lần du khách đi ngang Thảo Cầm Viên hay bến xe miền Đông (Sài Gòn); bến xe Mỹ Đình – Giáp Bát hay con đường gốm sứ (Hà Nội) đều nhận ra mùi xú uế nồng nặc. Hình ảnh “đái đường” trở thành căn bệnh nan y ở mọi tuyến đường, địa điểm tại 2 thành phố lớn này, và dường như là hình ảnh chung tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở ý thức người dân, mà còn ở cơ sở vệ sinh công cộng thiếu thốn. Không đâu xa, số lượng vệ sinh cho 20 triệu người ở TP. HCM lẫn TP. Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nếu cho phép một sự so sánh, thì số lượng nhà vệ sinh còn thua số lượng tượng đài được cấp phép xây dựng, và thua xa số lượng quán nhậu hiện diện tại hai thành phố này. Việc chưa có đủ lượng nhà vệ sinh công cộng, dẫn đến sự gia tăng khả năng “đái đường” trong dân. Khi xét tái lập văn minh trong đô thị, thì cần nhất phải đảm bảo 2/3 nhu cầu vật chất cho điều đó. Đó là chưa kể chất lượng nhà vệ sinh (dù có thu phí) khá bẩn, điển hình là các nhà vệ sinh công cộng tại thủ đô, ngay các điểm trung chuyển xe buýt, công viên hay thậm chí là hệ thống nhà vệ sinh được cho là “hiện đại” tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) mùi “xú uế” luôn thường trực. Thêm vào đó, các nhà vệ sinh thường đóng chặt cửa vào lúc 21h-22h tối – điều này càng làm cho nạn đái đường diễn ra trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, không ít người dân truyền tai nhau, mỗi người – nếu là nam giới thì cầm một cái chai nhựa theo để tiện xử lý; còn nữ giới thì nên trở về mang bỉm để vừa giải quyết nhu cầu cấp thiết con người, vừa góp phân “công sức nhỏ bé” cho văn minh đô thị.
Cần học hỏi Đà Nẵng và Sacombank
Rõ ràng, nhà vệ sinh công cộng liên quan trực tiếp đến ý thức người dân. Tại Đà Nẵng, thành phố du lịch đã cho lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng với mức phí là 3.000 đồng/ người; có người trông giữ và quét dọn, riêng tại các bến xe thì hoàn toàn miễn phí. Số lượng nhà vệ sinh lắp đều ở các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn thành phố, cộng thêm công tác xử lý – lau dọn nhà vệ sinh ở mức khá nên các điểm nhà vệ sinh ít có tình trạng bốc mùi diễn ra. Điều này đem lại tâm lý khá thoải mái cho chính du khách và bản thân người dân sinh sống tại đây.
Nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ là mong muốn của hầu hết người dân thành thị.
Trong khi đó, Sacombank là ngân hàng đầu tư các nhà vệ sinh công cộng dựa trên chủ trương “xã hội hóa”, từ năm 2010 đến nay, ngân hàng này đã đưa vào sử dụng 19 nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cao Lãnh, Vinh Long và huyện Phú Quốc. Điểm đặc biệt là các nhà vệ sinh của ngân hàng này được lắp đặt tại những tụ điểm đông người, lại có người bảo quản và giữ vệ sinh thường xuyên, nên từng bước nó trở thành “điểm sáng” trong việc đáp ứng cơ sở cho người có nhu cầu đại/ tiểu tiện cũng như chung tay với các địa phương bảo vệ môi trường, tạo nếp sống văn minh và diện mạo mới cho khu dân cư. Đây là điều cần nhân rộng để đảm bảo vật chất tạo ra ý thức hoặc giúp giữ gìn văn minh đô thị.
Cần nhấn mạnh lại rằng, bộ mặt văn minh đô thị được biểu hiện rõ nét qua nhà vệ sinh công cộng. Người hàng xóm chúng ta – Trung Quốc vừa qua đã tiến hành một “cuộc cách mạng toilet, theo đó sẽ xây dựng 100.000 nhà vệ sinh công cộng trong giai đoạn 2016 – 2020. Một việc làm tưởng nhưng rất nhỏ, nhưng Chính phủ Bắc Kinh coi là cần thiết để tăng cường đầu tư vào du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)