VNTB – Việt Nam theo đuổi chủ nghĩa đa phương

VNTB – Việt Nam theo đuổi chủ nghĩa đa phương

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương.

 

Những cam kết của Việt Nam

Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ), sáng ngày 16-5 (giờ địa phương), tại trụ sở LHQ TP New York Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ.

Tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của LHQ ở cả 3 trụ cột an ninh – chính trị, phát triển và quyền con người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa LHQ, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của LHQ.

Thắc mắc: Việt Nam làm thế nào để thực hiện cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, khi mà Tổng bí thư Đảng luôn đưa ra yêu cầu về “định hướng xã hội chủ nghĩa”?

Thế nào là chủ nghĩa đa phương?

Trong  “Sách trắng Chủ nghĩa Đa phương” của Chính phủ Liên bang Đức, công bố hồi tháng 5 năm ngoái thì theo lời giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Sách trắng được Chính phủ Liên bang công bố muốn đặc biệt làm rõ, trật tự đa phương có thể được điều chỉnh phù hợp với những thách thức và điều kiện của thế kỷ 21 như thế nào và nước Đức muốn đóng góp gì vào việc đó.

Trung tâm điểm là tư tưởng định hướng về một “Chủ nghĩa Đa phương vì con người” với mục tiêu cải thiện điều kiện sống cụ thể của con người ở Đức, châu Âu và trên khắp thế giới. Đồng thời chủ nghĩa này cũng mở rộng cho sự hợp tác của các nhân tố mới, như các nước Nam bán cầu, các tổ chức quốc tế và xã hội dân sự. (Tham khảo: https://www.auswaertiges-amt.de/blob/2460320/0e29e9a0f2c3b9af9a4268ba913f26a9/weissbuch-multilateralismus-data.pdf)

Trước hết, về mặt lý thuyết, trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa đa phương với những cách tiếp cận khác nhau.

Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Học viện Ngoại giao Việt Nam, đầu tiên là cách tiếp cận dưới góc độ học thuyết, ý thức hệ. Các nhà khoa học như James A.Caporaso khẳng định chủ nghĩa đa phương là một niềm tin cho rằng các hoạt động nên được tổ chức dựa trên một cơ sở mang tính phổ quát toàn cầu (hoặc ít nhất là nhiều bên) đối với một nhóm nước nào đó, chẳng hạn như nhóm các nền dân chủ.

Đó cũng có thể là một niềm tin về cách thức thế giới hoạt động hoặc là một kỳ vọng rằng thế giới nên được vận hành theo một cách thức nhất định. Theo đó, chủ nghĩa đa phương là một ý thức hệ được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động đa phương. Nó tổng hòa các nguyên tắc mang tính kỳ vọng, việc vận động chính sách cũng như các niềm tin thực tế.

Trong khi đó James Scott lại giải thích rằng chủ nghĩa đa phương nhìn chung được coi là tổng hòa những yếu tố hoặc các nguyên tắc định tính nhất định định hình nên đặc điểm của sự dàn xếp hoặc thể chế. Những nguyên tắc này là sự không thể tách rời của lợi ích giữa những bên tham gia, là một cam kết có đi có lại và là một hệ thống giải quyết tranh chấp nhằm thực hiện một phương thức, hành vi cụ thể.

Dưới góc độ thể chế, John Gernard Ruggie cho rằng chủ nghĩa đa phương hàm ý chỉ những dàn xếp mang tính thể chế có vai trò xác định và bình ổn quyền sở hữu/ chủ quyền của các quốc gia, kiểm soát và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phối hợp.

Thể chế chủ nghĩa đa phương khác với các hình thức khác bởi ba đặc điểm: sự không thể chia tách, các nguyên tắc hoạt động phổ quát và sự tương hỗ (có đi có lại) lâu dài. Sự không thể chia tách thể hiện ở phạm vi (về địa lý lẫn chức năng) mà chi phí và lợi ích được phân bổ khi một hành động được bắt đầu trong hoặc giữa các đơn vị cấu thành.

Nguyên tắc ứng xử phổ quát thường xuất hiện dưới hình thức các quy chuẩn chung hoặc là các hình thức phổ quát trong việc ứng xử với tất cả các quốc gia khác, thay vì phân biệt trong quan hệ với từng trường hợp trên cơ sở của sở thích cá nhân, tình huống ngoại lệ hoặc một sự đối xử đặc biệt được quy định trước. Sự tương hỗ lâu dài khiến các chủ thể kỳ vọng sẽ đạt được lợi ích trong thời gian dài và trên nhiều vấn đề thay vì ăn xổi ở thì.

Joseph Nye cũng có những ý tưởng tương đồng với John Gernard Ruggie khi cho rằng “chủ nghĩa đa phương là nói về các cơ chế, trong đó các quốc gia thống nhất về một số dạng hành động chung, qua đó giảm thiểu các “chi phí giao dịch” khi phải chung tay xử lý các vấn đề chung thông qua việc tuân thủ ba nguyên tắc chính: (i) không phân biệt (non – discrimination), nghĩa là các quốc gia tham gia phải được đối xử như nhau; (ii) không phân chia (indivisibility), nghĩa là các thành viên tham gia phải là chủ thể có chủ quyền đơn nhất; (iii) tương hỗ (diffuse reciprocity), nghĩa là các bên liên quan phải có nghĩa vụ giữ vững các chuẩn mực chung trong hợp tác.

Thay lời kết

Thể chế / tổ chức đa phương khác với thể chế của chủ nghĩa đa phương là sự thể hiện của hai cấp độ hoạt động quốc tế liên quan đến nhau. Các tổ chức đa phương tập trung chú ý vào các yếu tố tổ chức chính thức của đời sống quốc tế và được đặc trưng bởi các trụ sở cố định có địa chỉ bưu chính riêng biệt với các nhân viên và ban thư ký thường trực.

Còn các thể chế, thiết chế của chủ nghĩa đa phương thì có thể tồn tại dưới hình thức các tổ chức cụ thể nhưng ý nghĩa của nó sâu rộng hơn. Thiết chế đa phương hình thành và tạo ra các thói quen, thực tiễn, ý tưởng và chuẩn mực ít mang tính chính thức và chuẩn hóa của xã hội quốc tế.

Từ những tóm lược như trên cho thấy rất cần một tuyên bố về “Sách trắng Chủ nghĩa Đa phương” của Việt Nam, vì ở đây là vấn đề cần hiểu ra sao về dân chủ và thực hành dân chủ trong điều kiện một đảng cầm quyền ở Việt Nam?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)