Hà Nguyên
(VNTB) – Singapore tuy vẫn thực hành chế độ một đảng cầm quyền, nhưng xét về hình thức chính trị thì nước này vẫn là một quốc gia dân chủ, đồng thời giữ được đời sống chính trị ổn định kiểu phương Đông
Thủ tướng Lý Hiển Long đã có mặt tại Hà Nội bắt đầu chuyến thăm chính thức ba ngày theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết chuyến thăm này của Thủ tướng Lý Hiển Long vừa nhằm đáp lễ chuyến thăm trước đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore vừa là kỷ niệm hai cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước: 50 năm thiết lập quan hệ và 10 năm Đối tác chiến lược.
Trên cương vị thủ tướng, ông Lý Hiển Long đã nhiều lần tới thăm Việt Nam vào các năm 2004, 2010, 2013 và 2017. Và nay là lần thứ năm Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam.
Singapore không phải là nước có hệ thống đa đảng đầy đủ như Mỹ, Anh, nhưng cũng không phải là nước độc tài. Thế nhưng Đảng Hành động Nhân dân (PAP) của ông Lý Quang Diệu vẫn được người dân tín nhiệm mà không cần phải hô hào cho lo ngại “tự diễn biến – tự chuyển hóa” như Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong số 10 chính đảng hiện đang hoạt động trên chính trường Singapore, duy nhất có một đảng nắm chính quyền suốt từ ngày lập quốc tới nay, đó là Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party, viết tắt Đảng PAP) do ông Lý Quang Diệu sáng lập và lãnh đạo từ năm 1954.
Nhờ thi hành đường lối lãnh đạo khôn ngoan, qua đó nhanh chóng đưa đảo quốc nghèo tài nguyên này trở thành quốc gia giàu có, liêm khiết, có mức sống cao thứ nhì châu Á (chỉ sau Nhật Bản), Đảng PAP có uy tín cao trong dân chúng và thắng tuyệt đối trong tất cả các lần bầu cử Quốc hội từ trước tới nay, chiếm ít nhất 90% tổng số đại biểu Quốc hội, do đó giành quyền lập chính phủ.
Trong tháng 1 năm 1991, Đảng PAP giới thiệu Sách trắng về giá trị chung, theo đó nỗ lực thiết lập một ý thức hệ quốc gia và thể chế hóa các giá trị châu Á. Đảng này đã nói họ “bác bỏ” điều mà họ cho cho là dân chủ tự do kiểu phương Tây, bất chấp sự hiện diện của nhiều khía cạnh dân chủ tự do trong chính sách công của Singapore như công nhận các thể chế dân chủ.
Ý thức hệ kinh tế của Đảng PAP luôn chấp thuận sự cần thiết đối với một số chi tiêu phúc lợi, can thiệp kinh tế thực dụng. Tuy nhiên, các chính sách thị trường tự do trở nên phổ biến từ thập niên 1980, nằm trong thi hành quy mô lớn hơn chính trị tinh anh trong xã hội dân sự, và Singapore thường được xếp hạng rất cao về các chỉ số “tự do kinh tế” theo đánh giá của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Bài học nào cho Đảng Cộng sản Việt Nam từ chuyện ‘độc tôn’ của Đảng PAP bất chấp việc cạnh tranh đa đảng phái ở Singapore?
Giở lại lịch sử, người ta không khó để nhận ra là ngay trong giai đoạn Singapore giành quyền tự trị hay sáp nhập vào Liên bang Malaysia năm 1963, sau đó tách ra và trở thành một “quốc gia độc lập, chủ quyền và dân chủ”, những người được coi là thế hệ sáng lập của đất nước Singapore đã nhận thức rất rõ, các nhà lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa lãnh đạo của tổ chức.
Người lãnh đạo có thể là chất keo kết nối các thành viên trong tổ chức lại với nhau, tạo bầu không khí cởi mở, đoàn kết, thúc đẩy các thành viên làm việc hiệu quả, nhưng cũng có thể gây ra bầu không khí căng thẳng, nghi ngờ, lo ngại trong tổ chức.
Theo đó, các nhà lãnh đạo có thể định hình và củng cố môi trường tổ chức có đạo đức hoặc phi đạo đức bằng những hành xử, hoạt động khuyến khích hành vi đạo đức hoặc phi đạo đức.
Nếu chọn cách trở thành hình mẫu của hành vi đạo đức với những giá trị, chuẩn mực xã hội, người lãnh đạo cho các thành viên trong tổ chức thấy đạo đức là tiêu chí cốt lõi quan trọng của tổ chức, từ đó có thể gây ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của các thành viên trong chính tổ chức đó theo hướng tích cực nhằm đạt được những mục tiêu đề ra.
Do đó, song song với tiêu chí cốt lõi là tài năng, thì những phẩm chất của văn hóa – nhân cách chính trị, nhất là hành vi chuẩn mực, sự gương mẫu ở người lãnh đạo cũng được Chính phủ Singapore đặc biệt xem trọng.
Ở Việt Nam, vấn đề đạo đức của người cộng sản sẵn sàng buông lơi vì thiếu động lực cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị, nên chuyện gìn giữ màu cờ sắc áp của đảng dễ dừng ở mức độ hô hào khẩu hiệu.
Không quá lời khi nhìn nhận Singapore tuy vẫn thực hành chế độ một đảng cầm quyền, nhưng xét về hình thức chính trị thì nước này vẫn là một quốc gia dân chủ, đồng thời giữ được đời sống chính trị ổn định kiểu phương Đông – một thế mạnh góp phần quan trọng làm cho Singapore luôn luôn là quốc gia giàu có, trong sạch và phát triển tốt hàng đầu châu Á.
Vì sao Hà Nội lại không học hỏi những cái hay về “chính trị tinh anh” như Đảng PAP ở Singapore?