Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương

Nguyễn Nam

(VNTB) – “Thực tại càng cam go, thử thách, chúng ta càng cần đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên Hiệp Quốc”.

 

Ngày 21-9 (giờ New York – Mỹ), trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) Khóa 75, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp gửi “Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ” cùng với 106 lãnh đạo cấp cao và 67 bộ trưởng các nước thành viên LHQ. Do tác động của đại dịch Covid-19, phiên họp được tổ chức theo hình thức lãnh đạo các nước ghi hình phát biểu trước để phát trực tiếp tại trụ sở LHQ ở New York.

“Việt Nam có câu ‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’, thực tại càng cam go, thử thách, chúng ta càng cần đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ, nghiêm túc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; đặt con người ở trung tâm của mọi nỗ lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau” – trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Từ con virus được cho là có nguồn lây xuất phát từ Vũ Hán – Trung Quốc dẫn đến cuộc khủng hoảng y tế quy mô toàn cầu ở hiện tại, không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của người dân, khiến giới doanh nghiệp điêu đứng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai nền chính trị quốc tế, đặc biệt là chủ nghĩa đa phương.

Thực tế đối phó với đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu các cơ chế đa phương phải nhanh chóng “lột xác” để phù hợp với những điều kiện mới và hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy hợp tác quốc tế đi vào thực chất hơn.

Không loại trừ khả năng các tổ chức đa phương phải xây dựng thêm các cơ chế chặt chẽ và cụ thể, nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng lớn tương tự như Covid-19. Và điều quan trọng nhất là phải khôi phục lòng tin giữa các nước, vì đó chính là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa đa phương. Nói theo cách quen thuộc của lối hành văn tuyên giáo Đảng ở Việt Nam, thì đại dịch lần này là phép thử đối với chủ nghĩa đa phương, song cũng là cơ hội để khẳng định và khơi dậy tinh thần đa phương trong hợp tác toàn cầu.

Tuy nhiên có ý kiến cần xem lại cách mà người ta nhân danh “đa phương” để hành xử cho những lợi ích cục bộ quốc gia. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc là một kiểu nhân danh đa phương như vậy cho việc xâm lược tài nguyên, chi phối chính trị ở các quốc gia mà Trung Quốc đang nhắm đến.

Cũng dễ hiểu, người Việt có câu “nói vậy, mà không phải vậy”, Trung Quốc trong hầu hết các trường hợp đều nhân danh những lợi ích chung đa phương kiểu như “16 chữ vàng” với Việt Nam: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Sự thật thì trên biển Đông và cả đất liền, Trung Quốc không giấu diếm việc đang công khai xâm lược tài nguyên Việt Nam.

Đồng ý là phải nhìn nhận một thực tế khách quan rằng, hiện nay bất kỳ quốc gia nào cũng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết. Song điều đó nếu đặt trong mối tương quan với chủ nghĩa đa phương, trên thực tế, không trái ngược với chủ quyền của các quốc gia. Trái lại, nó dựa trên sự hợp tác liên nhà nước.

Các quy tắc của pháp luật, theo các thủ tục được chấp nhận, có thể được áp đặt cho tất cả mọi người, nhưng chỉ khi các quốc gia quyết định làm như vậy. Và Trung Quốc, như đã nói ở trên, họ luôn là kẻ thích “ăn đàng sóng, nói đàng gió”.

Lịch sử cận đại Trung Quốc từng ghi nhận nhân dân Bắc Kinh hai lần mít tinh lớn hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt trừng trị Đặng Tiểu Bình, tên phản động gian ác tày trời; và hai lần mít tinh hoan nghênh Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sáng suốt khôi phục cho đồng chí Đặng Tiểu Bình…

Khi quật đổ và khi khôi phục đều đưa những lý lẽ sang sảng ầm ĩ ngày nọ qua ngày kia trên báo, trên truyền hình.

Hay trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, năm 1992, Trung Quốc công bố “phương châm 16 chữ” của họ về khai thác chung là “chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát, lợi ích phân hưởng”. Có nghĩa là “chủ quyền thuộc tôi, gác lại tranh cãi, cùng nhau khai thác, chia sẻ lợi ích”.

Câu chữ nói trên công khai mâu thuẫn rằng đã là “chủ quyền thuộc ngã” thì còn khai thác chung làm gì nữa? Trung Quốc đã đem công thức này mời chào Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhưng cho tới nay chưa có quốc gia nào dám nhận lời “cùng khai thác” tài nguyên biển với Trung Quốc mà phải chấp nhận “chủ quyền thuộc ngã”?

Và đó cũng là một hình thái “đa phương” mà đảng cộng sản Trung Quốc tận dụng cho mọi hoạt động lâu nay.

Lần này với tái khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, liệu đảng cộng sản Việt Nam sắp tới đây trong mối quan hệ với “đảng anh em” Trung Quốc, có hóa giải được chuyện lâu nay Trung Quốc đang buộc các nước láng giềng chơi ván cờ của họ; và ván cờ đó Trung Quốc có lợi thế.

Bao giờ cũng vậy, cần luôn ghi nhớ đảng cộng sản Trung Quốc luôn nói một đàng, để rồi cứ làm một nẻo cho mộng bá đồ vương…

Tin bài liên quan:

VNTB – Lập quỹ thiện nguyện có cần giấy phép?

Phan Thanh Hung

VNTB – Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hai tàu dân sự bị tên lửa của Nga tấn công ngoài khơi Odessa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.