Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam vẫn loay hoay xây dựng thể chế nhà nước?

Cát Tường

 

(VNTB) – “Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng có nghị quyết xác định rõ các đặc trưng nội hàm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” – Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

 

Sáng 5-12-2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Nghị quyết 27 là lần đầu tiên Trung ương xác định rõ nội hàm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 8 đặc trưng cơ bản.

Đặc trưng đầu tiên là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đặc trưng thứ 2 là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Đặc trưng thứ 3 là quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo hiến pháp và pháp luật. Đặc trưng thứ 4, nhà nước được tổ chức và hoạt động theo hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật.

Đặc trưng thứ 5, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đặc trưng thứ 6, là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.

Đặc trưng thứ 7 là độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đặc trưng thứ 8 là tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.

Bàn luận nhanh về cái gọi là “tám đặc trưng” mà Trung ương vừa cho rằng lần đầu tiên xác định được cho nội hàm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ý kiến của một luật sư rằng, “vậy thì nhà nước nào không có được 8 đặc trưng như ông Phan Đình Trạc nêu, cần gọi tên nhà nước đó là pháp quyền gì?”.

Theo vị luật sư đang là giảng viên trường luật này, thì lâu nay ông vẫn trao đổi với sinh viên của mình về cách hiểu nhà nước rất đơn giản, đó là tổ chức quyền lực, chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, dân cư và chính quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm thiết lập trật tự xã hội nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Còn “pháp quyền” thì đó là một triết lý chính trị mà theo đó, mọi công dân và thể chế trong một quốc gia, nhà nước hoặc cộng đồng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau, bao gồm cả các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo. Pháp quyền, trong tiếng Anh là the Rule of law với nghĩa đen là “sự thống trị của pháp luật”; tiếng Pháp là Etat De Droit, và đó là một khái niệm mở.

Nhà nước pháp quyền được hiểu đơn giản là nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đó là hệ thống pháp luật dân chủ, phản ánh công lý, phù hợp với quyền tự nhiên của con người.

“Tôi cho rằng việc khen ngợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của ông Phan Đình Trạc với chuyện nêu tám đặc trưng gì đó gọi là nội hàm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật ra là một nịnh hót của kiểu tụng ca Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người ký ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đầu tháng 10 thông qua.

Rất đơn giản, ông Phan Đình Trạc có thể mở lại bản Hiến pháp 2013 và chỉ cần đọc mỗi điều 2 thôi, ông sẽ nhận ra ngay là ông đã thậm xưng trong tụng ca đến mức ngớ ngẫn ra sao…” – vị luật sư dẫn chứng cụ thể cho nhận xét của ông trước kiểu tường thuật như trên:

“Điều 2.

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Người viết bài này cho rằng có cách hiểu giản dị hơn nhiều trong phân biệt thế nào là nhà nước pháp quyền “có” hay “không có” thêm phần định hướng chính trị “xã hội chủ nghĩa”, đó là thử nhìn vụ án “chuyến bay giải cứu” lúc căng thẳng dịch giã Covid-19 chẳng hạn, những quan chức đến viên chức trong vụ án này, có ai không phải là đảng viên hay không?


Tin bài liên quan:

VNTB – Điều tra theo hướng ‘mặc định vu khống’ và ‘chính trị hóa’?

Do Van Tien

VNTB – Vì sao cần dàn xếp trong bóng tối vụ việc ‘tiếp rượu’ ở tỉnh Đắk Nông?

Do Van Tien

VNTB – Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo