Nguyễn Huyền
(VNTB) – VOA cố gắng liên lạc với đại diện truyền thông của VinFast để tìm hiểu thực hư về các vụ việc song vị đại diện này không trả lời điện thoại (*)
“Trong mấy ngày gần đây, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội các hình ảnh cho thấy một số xe của hãng VinFast bị “sập gầm”, bánh xe “gãy rời”. Sự việc này lại làm dấy lên lo ngại về chất lượng xe của VinFast, trong khi hãng xe của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chưa đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào” – bản tin trên trang web của Ban Việt ngữ Đài VOA, hôm 22-2, cho biết như vậy.
Chiều ngày 22-2, phía VinFast đã ‘gián tiếp’ lên tiếng qua bài viết ký tên Gia Linh trên báo Thanh Niên điện tử (**), là “Ô tô không thể ‘rụng bánh’ nếu không có va chạm”. Bài viết rất khéo khi không nhắc đến thương hiệu VinFast, nhưng phần hình ảnh thì có chú thích cho tấm ảnh là “Một chiếc VinFast Lux A2.0 “gãy càng” vì tông phải ụ bê tông con lươn”.
Một tấm hình khác cũng trong bài viết này có chú thích: “Camera hành trình trên xe chạy ngược chiều cho thấy, chiếc VinFast bị gãy bánh do tông phải ụ bê tông con lươn trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào ngày 16.2.2021”. Tuy nhiên bài viết không đưa cụ thể clip như vẫn thường thấy mỗi khi đưa tin tức liên quan đến ‘camera hành trình’.
Cái khó hiểu nhất ở đây là vì sao tỉ phú Phạm Nhật Vượng chọn xử lý truyền thông ở vụ việc này bằng… im lặng? Sở dĩ gọi là khó hiểu vì theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), thì “việc bánh xe VinFast bị gãy trong những tai nạn nghiêm trọng là một phần của thiết kế an toàn”.
“Việc đầu tiên mình muốn nói là mấy xe Lux gãy bánh trước trong mấy vụ tai nạn gần đây đều là do các bác tài phang vào phân cách cứng, hoặc cột bê tông nên bánh nó mới gãy. Và khi xe đâm bị gãy bánh, anh em hãy lấy làm mừng.
Thế tại sao nên mừng? Là vì xe của anh chị em đã được thiết kế để an toàn nhất có thể. Khi đâm xe, toàn bộ thân vỏ xe có thể nát bấy nhưng phần cabin xe luôn phải nguyên vẹn. Từ 2012 đến nay, tất cả các xe ở Bắc Mỹ hay Châu Âu đều có thiết kế phần bánh xe, hệ thống treo trước và một phần vách cabin là các chi tiết hấp thụ xung lực.
Tại sao lại là mốc 2012? Là vì trước đó Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ NTHSA và Euro NCAP chỉ test đâm xe trực diện và ngang sườn với mô hình xe hoặc lực đâm tương ứng với kích cỡ xe thử nghiệm.
Đến 2012 Viện Bảo hiểm An toàn Đường bộ Mỹ IIHS mới đưa ra các thử nghiệm mới sau khi các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, lượng đâm xe đối đấu trực diện như mô phỏng của NTHSA và Euro NCAP không nhiều. Mà thực tế các loại đâm xe lệch trục (small overlap, phần bị đâm chiếm 20 đến 40% đầu xe) mới là phổ biến.
Các thử nghiệm mới của IIHS khiến các hãng xe bắt buộc phải thay đổi thiết kế xe để khi xe bị đâm lệch bên lái hay bên phụ thì bánh lái và hệ thống treo phải gập lại như một bộ gối đệm để triệt tiêu xung lực, bảo vệ cabin”.
Vẫn theo ông Nguyễn Thanh Hải, “tiên phong trong việc áp dụng thiết kế này là các mác xe Đức. Audi thậm chí còn đi xa hơn nữa khi thiết kế xe bị đâm ở phía trước là động cơ sẽ rơi xuống để cabin xe trượt lên trên, tránh được va chạm cho anh chị em nào có ngồi bên trên”.
Vậy thì nếu những gì mà chuyên gia Hải Kar lý giải cho các trường hợp “mấy xe Lux gãy bánh trước”, lẽ ra phía VinFast cần thấy rằng đó là ‘điểm son’ cần đẩy mạnh cho quảng bá truyền thông.
Đàng này, thật khó hiểu khi tỉ phú Phạm Nhật Vượng chọn im lặng luôn cả khi được báo chí nước ngoài ‘soi’ đến.
________________
Chú thích:
(**) https://thanhnien.vn/xe/tu-van-xe/o-to-khong-the-rung-banh-neu-khong-co-va-cham-27175x.html