Thu Vân
(VNTB) – Đời là vở kịch, ông đã đóng vai của mình rất giỏi, chế độ cũ đã không phát hiện được. Công trạng của ông đối với cách mạng chắc không phải là nhỏ…
Vụ án Cimexcol Minh Hải vẫn chìm trong bóng tối
“Báo chí trong chính quyền mới từ sau tháng 4-1975 được sự chỉ đạo, hướng dẫn, quan sát, kiểm tra của Đảng để ngày ngày báo chí càng mạnh hơn, càng có sức nặng trước dư luận quần chúng, báo chí góp phần tạo nên tiến trình phát triển của đất nước trong hướng có văn hoá, văn minh, trong hướng càng ngày càng phát triển các quyền tự do dân chủ cơ bản của nhân dân…”.
Đoạn nhận xét trên được trích trong hồi ký “Những ngã rẽ” của tác giả Dương Văn Ba (1942 – 2015) là một giáo viên triết học, nhà báo và dân biểu đối lập trong Hạ nghị viện khóa 1967-1971 thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng là Thứ trưởng Bộ Thông tin trong chính quyền 2 ngày của Tổng thống Dương Văn Minh.
Tháng 11-1971, sau khi thất cử Hạ nghị viện, ông Dương Văn Ba đã về làm phó chủ bút, kiêm Tổng thư ký toà soạn báo Điện Tín, nơi có chủ nhiệm là thượng nghị sĩ Hồ Sơn Đông, chủ bút Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Lý Chánh Trung là giám đốc chính trị.
Sau 30-4-1975, ông Dương Văn Ba không phải ‘học tập cải tạo’, mà tiếp tục làm báo ở nhật báo Tin Sáng. Từ 1984 đến 1987, hoạt động hợp tác kinh tế với Lào với tư cách là phó giám đốc Công ty Cimexcol Minh Hải, và mặc dù ăn nên làm ra nhưng về sau vẫn bị chính quyền cách mạng bắt nhốt vào ngày 25-12-1987, ra tòa tại Bạc Liêu với án chung thân.
Sau khi được ra tù trước thời hạn vào ngày 30-4-1995, ông làm ăn liên tiếp thất bại, mất hết tài sản, phải ở nhà thuê trong suốt nhiều năm. Cuối năm 2014, ông bị tai biến xuất huyết não…
Những năm tháng cuối đời, ông Dương Văn Ba đã viết hồi ký mang tên đầy ẩn tình “Những ngã rẽ”.
Gọi là đầy ẩn tình vì vụ án Cimexcol Minh Hải đình đám một thời, vì vào tháng 5-2008, bất ngờ báo Pháp luật TP.HCM có loạt bài “Cimexcol Minh Hải – 20 năm oan án”.
Ẩn tình còn là vì có thể đã không có vụ án Cimexcol, nếu như tình tiết vụ án “Hoàng Cơ Minh và đồng bọn” không có đoạn mô tả tư lệnh cuộc hành quân “Đông Tiến I” có tên là Dương Văn Tư.
Một số bị can trong vụ Cimexcol đã bị thẩm vấn: “Dương Văn Tư có phải là em ruột của Dương Văn Ba không?”. Một thành viên của “Ban chuyên án Cimexcol”, ông Tống Kỳ Hiệp, phó bí thư thường trực tỉnh Minh Hải, thừa nhận: “Vụ án Cimexcol lúc đầu là vụ án chính trị, khởi tố theo thư từ tố cáo của cán bộ về hưu cũng như đương chức tỉnh Minh Hải: Dương Văn Ba đưa vào Công ty hơn bốn mươi người của chế độ cũ, thao túng và vô hiệu hoá ban giám đốc Cimexcol để hoạt động chống cách mạng”.
Trung tướng Võ Viết Thanh, khi ấy là thứ trưởng Bộ Nội vụ, nói: “Phụ trách an ninh, tôi thấy không có cơ sở nào để tin Cimexcol sang Lào chuẩn bị chiến khu, làm cơ sở thâm nhập vào Việt Nam. Khi ấy ai cũng biết ông Võ Văn Kiệt rất ủng hộ nhóm anh em ở Cimexcol hợp tác với Lào. Trong khi giữa ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Văn Kiệt lại đang có vấn đề. Ông Linh chỉ đạo ông Lâm Văn Thê trực tiếp làm án. Ông Thê lúc ấy là thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh”.
Khi không tìm thấy bằng chứng của một vụ hoạt động chính trị, lẽ ra phải đình chỉ điều tra, vụ Cimexcol lại được chuyển qua thành vụ án kinh tế.
Để có thể xét xử Cimexcol như một vụ án kinh tế, chuyện Dương Văn Ba “móc nối với một số tư nhân có xe ô tô trốn cải tạo ở thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai về Minh Hải hợp đồng kéo gỗ do Ba làm đại diện từ năm 1979” đã được lật lại.
Cho dù Cimexcol “lãi 2,235 triệu đô la và đang có tổng tài sản trị giá mười ba triệu đô la”, nhưng các cơ quan tố tụng chỉ ghi nhận con số mà Cimexcol đang nợ ngân hàng – 5,3 triệu đô la – để đánh giá công ty làm ăn thua lỗ.
Việc nhập xe gắn máy “Honda nghĩa địa” với giá từ 180 – 200 đô la/chiếc về bán “theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ cho cán bộ” với giá từ 400 – 600 đô la cũng bị coi là “tội”, vì tuy công ty vẫn lãi gấp đôi, gấp ba nhưng so với “giá thị trường” thì giá bán này của Cimexcol đã gây “thiệt hại 1063 lượng vàng” cho Nhà nước…
Đến tận hôm nay thì oan án Cimexcol Minh Hải vẫn chìm trong những góc khuất của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa.
Có người nói, đó là nhân – quả.
Trong hồi ký “Những ngã rẽ”, khi viết về báo chí miền Nam trước năm 1975, ông Ba nhận định: “Tự do báo chí thời chế độ cũ là một thứ tự do lừa phỉnh, không nên hình nên dáng cóp nhặt và sao chép không đúng chính hiệu của các nước phương Tây. Thực tế mà nói hoàn toàn không có tự do báo chí thời Ngô Ðình Diệm và thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu.
Ở hai thời kỳ đó nhật báo đã phát triển từ số lượng 4,5 tờ (thời Diệm) lên tới số lượng vài ba chục tờ (thời Thiệu) Tư nhân quả thật trong chế độ cũ có quyền làm chủ báo. Nhưng những ông chủ báo thời đó cũng chỉ là nhà tư bản, nhà chính trị hay tay sai của các nhà chính trị, nhà tư bản núp ở bên trong. Thời Diệm đảng cần lao Nhân vị cũng xuất bản nhật báo. Thời Thiệu có rất nhiều tờ báo của chính quyền trá hình….”.
Viết về báo chí miền Nam sau năm 1975, ông Ba tâng bốc theo đúng bài bản: “Cuộc giải phóng và chiến thắng hoàn toàn ở miền Nam của lực lượng cách mạng, của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, của Ðảng Cộng sản Việt nam đã lật qua những trang hoàn toàn mới cho nền báo chí Nam Việt Nam và nền báo chí đó sau thời kỳ non trẻ đã lần hồi chuyển tải được những nội dung chân thật những kêu đòi mới của dân chúng sau cách mạng, nền báo chí của miền Nam Việt Nam cũng có tác động thay đổi cung cách báo chí cứng ngắc khuôn sáo giáo điều của nền báo chí miền Bắc trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. Hiện nay giữa báo chí Sài Gòn và báo chí Hà Nội đã có nhiều sự thay đổi so với 30 năm về trước”.
Thế nhưng tất cả đều là một vở trường thiên bi-hài mà có lẽ đến cuối đời ông Dương Văn Ba vẫn không dám nhìn nhận về sự đoạn trường.
***
Trích chương “Đời là một vở kịch” của hồi ký chưa xuất bản “Những ngã rẽ”, Dương Văn Ba. Tít tựa phụ do biên tập viên trang Việt Nam Thời Báo đặt.
Phê phán ông Diệm đến ông Thiệu
Bước vào đời tìm sự sống, tôi đã được một “ông lớn” giúp đỡ. Dù vậy, trong đầu óc chàng thanh niên mới lớn, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn vẫn là thể hiện sinh động của chế độ gia đình trị. Đối với nhiều thanh niên trí thức thời bấy giờ, chế độ Ngô Đình Diệm là chế độ độc tài phong kiến bị bà Trần Lệ Xuân thao túng ở trong Nam, còn ở ngoài Huế, ông Cố “Trầu “ làm vương một cõi. Đảng Cần Lao Nhân Vị là một Đảng cầm quyền dựa trên thuyết “nhân vị”, một lý thuyết vừa triết học, vừa chính trị theo kiểu đầu đụng trời mà chân không đạp đất.
Thuyết nhân vị dựa trên tôn giáo là Công giáo nhưng nhấn mạnh con người có bản thể riêng. Chế độ Ngô Đình Diệm hô hào phát huy vị trí của con người nhưng là con người hữu thần theo Kitô giáo. Nếu không phải là người Kitô giáo thì đáng nghi. Do đó phải kềm kẹp, nếu không sẽ bị vô thần cộng sản tha hóa.
Chính dựa trên nền tảng giáo điều nầy mới phát sinh chiến dịch đàn áp.
Phật giáo ở miền Trung, ngòi nổ làm sụp đổ chế độ nhà Ngô. Thuyết nhân vị vấp phải sai lầm lớn trong một đất nước đa số dân theo đạo Phật. Chủ nghĩa nhân vị đã tự đào hố chôn mình khi đối đầu với thực tế đa nguyên, đa giáo tại Việt Nam.
Tôi nhận được tin Sài Gòn có đảo chánh, Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ chiều ngày 1-11-1963 khi đang dạy Việt văn cho lớp đệ thất ở trường Trần Hưng Đạo.
Cả thầy lẫn trò lúc đó nhốn nháo, lớp học được cho tan sớm. Ngoài chợ Đà Lạt chung quanh công trường Hoà Bình, từng đoàn Phật tử mặc áo nâu sòng, áo già lam, tuần hành miệng hô khẩu hiệu “đả đảo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm”.
Sáng hôm sau, tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, ông hiệu trưởng Kỳ Quan Lập cho tập họp toàn thể học sinh trước sân trường để nghe chính quyền mới phổ biến tin tức cách mạng.
Trung tá Đinh Văn Đệ (tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức) và Đại uý Lâm Thành Gia (trưởng ty cảnh sát) đại diện cho Hội Đồng Cách Mạng xuất hiện trước hàng ngàn học sinh và cô thầy giáo, công bố “Hội Đồng tướng lĩnh cách mạng đứng đầu là đại tướng Dương Văn Minh đã lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Việt Nam Cộng Hoà bắt đầu sống trong chế độ tự do, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, không phân biệt tôn giáo.
Mọi người đều bình đẳng tự do trước pháp luật. Đất nước bước vào một thời kỳ mới, an ninh trật tự đã được vãn hồi, mọi sinh hoạt vẫn tiếp tục bình thường, trường học tiếp tục mở cửa, các em học sinh tiếp tục tới lớp học như thường”.
Cả sân trường vang dậy tiếng vỗ tay, mọi người thầy trò đều hoan hỷ. Lúc đó nhìn gương mặt Trung Tá Đinh Văn Đệ vô cùng hớn hở.
Dân biểu nhận tiền ‘lót tay’ của Phủ Tổng thống?
Sau này khi gặp lại ông cựu Tỉnh Trưởng Tuyên Đức, tại Hạ Nghị Viện Sài Gòn, tôi nhận thấy gương mặt ông vẫn không có gì thay đổi. Khi phát biểu những ý kiến căng thẳng, gương mặt đó vẫn đỏ bừng lên như hồi còn thanh niên trong cương vị “Ông Sếp” quyền lực ở xứ hoa đào.
Ông Đệ cuối năm 1963 đóng lon Trung Tá tỉnh trưởng Tuyên Đức, người đứng về phe Dương Văn Minh. Năm 1967, ông Đệ ứng cử dân biểu Đà Lạt, đắc cử vào Hạ Nghị Viện.
Ông Dân biểu Đệ theo phe thân chính phủ, ủng hộ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Cũng như bao dân biểu thân chánh khác, mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ các quyết định của chánh quyền hoặc mỗi lần bỏ phiếu ủng hộ các dự án luật do Hành Pháp đề xuất, các dân biểu thân chánh đều được ông Phụ tá Tổng thống Nguyễn Cao Thăng, nhà tỷ phú thuốc tây OPV, gởi bao thư quà cáp.
Giá trị lá phiếu thân chính quyền được tính bằng tiền. Một lá phiếu 300.000 đồng (2.000 đô la Mỹ). Một năm thông qua khoảng 10 dự luật, mỗi dân biểu thân chính quyền được bỏ “bao thư” chu cấp khoảng 4.000.000 đồng tương đương 35.000 đô la Mỹ.
Lương dân biểu hồi đó 1.400 đô la Mỹ/tháng. Tổng cộng các dân biểu thân chính quyền mỗi năm thu được lợi nhuận trên 50.000 đô la Mỹ. Món tiền béo bỡ đó, ông Đinh Văn Đệ đương nhiên được hưởng.
Nhưng có ai ngờ, sau giải phóng, người theo dõi thời cuộc mới vỡ lẽ ra Trung Tá Đinh Văn Đệ, cựu Tỉnh Trưởng Tuyên Đức, cựu Dân biểu Hạ Nghị Viện, cựu Chủ tịch Uy ban Quốc phòng Hạ Nghị Viện, từng là trưởng phái đoàn Quốc Hội Việt Nam Cộng Hoà được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử sang Mỹ giải độc (1972), lại là một nhân vật Việt Cộng nằm vùng.
Một số hồ sơ và tài liệu mật của Quốc Hội thời đó, liên quan đến Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà, ông Đinh Văn Đệ đã gởi báo cáo cho bên trong.
Sau năm 1975, ông Đệ có lúc làm chánh văn phòng của ông Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Kiệt. Ông Đệ hoạt động đàng sau hậu trường. Giờ đây ông đã về hưu, đi tu theo đạo Cơ Quan Phổ Thông giáo lý. Gia đình yên ấm, con cái đàng hoàng, người nào cũng có tài sản riêng. Cô Đinh Thanh Tùng, con Trung tá Đệ là chủ khách sạn Trúc Mai. Với nhiều chi nhánh tại Quận Phú Nhuận, Quận Gò Vấp và cũng có hoạt động karaoke.
Hồi chinh chiến làm “Việt Cộng” nằm vùng, đồng thời làm quan lớn trong chế độ cũ, làm nhà hoạt động chính trị có uy thế, ông đi đêm âm thầm phục vụ cho cách mạng. Thời bình đi tu và an dưỡng tuổi già, trong khung cảnh con cái đều có sản nghiệp do ông để lại.
Đời là vở kịch, ông Đệ đã đóng vai của ông rất giỏi, chế độ cũ đã không phát hiện được. Công trạng của ông đối với cách mạng chắc không phải là nhỏ (…).
[ads_color_box color_background=”#f2e4e4″ color_text=”#444″]
*Đinh chính:
Trong bản tin này có đưa chi tiết “ông Đinh Văn Đệ tu theo Cao Đài Tây Ninh”, nay xin được đính chính lại
“Ông Đệ là người của Cơ Quan Phổ Thông giáo lý”.
Trân trọng cáo lỗi.
[/ads_color_box]