VNTB – Vô công bất thụ lộc

VNTB – Vô công bất thụ lộc

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Một quan chức bình thường nếu liêm chính chắc chắn sẽ không có chuyện nhận quà cảm ơn mà không rõ mình đã làm gì để được họ trả ơn.

 

Cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD của Việt Á, song theo cơ quan điều tra thì do không chứng minh được có sự thỏa thuận công việc phải làm để được hưởng số tiền đó nên chưa đủ căn cứ để đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.

Hai trăm ngàn đô-la Mỹ, nếu quy đổi sang tiền đồng Việt Nam ở thời giá ngày 27-8-2023 sẽ vào khoảng bốn tỷ chín trăm bảy mươi lăm triệu đồng. Như vậy thời gian mà ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD, tỷ giá có thấp hơn thì tổng số bạc cũng phải ngoài bốn tỷ đồng. Số tiền này cao hơn rất nhiều so mức lương mức lương của bộ trưởng khi đó chỉ là 14.453.000 đồng/ tháng.

Theo kết luận điều tra, bị can Chu Ngọc Anh với vai trò Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (đến hết ngày 11-11-2020), biết rõ quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc sở hữu Nhà nước. Bị can còn biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không đúng quy định của pháp luật nhưng không thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý theo quy định gây thiệt hại cho nhà nước gần 19 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, trong thời gian này, Phan Quốc Việt đã đến phòng gặp bị can Chu Ngọc Anh mang theo một chiếc ba-lo màu xanh có chứa có 200.000 USD (thời điểm đó giá quy đổi là hơn 4,6 tỷ đồng). Tại đây, Việt nói chuyện xã giao và lấy túi màu xanh đưa cho bị can Ngọc Anh nói là “có chút quà cảm ơn”. Sau khi Việt ra về, bị can Chu Ngọc Anh cất túi màu xanh này vào buồng ngủ phía trong phòng làm việc. Khoảng cuối tháng 9-2020, khi dọn phòng làm việc để chuyển về UBND Hà Nội, bị can Chu Ngọc Anh mới kiểm tra và thấy túi quà có tiền.

Bộ Công an kết luận, ông Chu Ngọc Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền.

Hướng bào chữa của luật sư cho ông Chu Ngọc Anh ở vụ án kit test Việt Á, từ kết luận của cơ quan điều tra, cho thấy sẽ là lập luận: “Nếu giữa hai bên có sự thỏa thuận công việc phải làm và giá trị lợi ích được hưởng thì đó là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Còn trường hợp không có thỏa thuận về việc nhờ vả, chỉ là quà cảm ơn mà không có thỏa thuận từ trước thì đây là hành vi nhận quà trái quy định. Riêng hành vi này chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm”.

Nôm na, ông Chu Ngọc Anh nhiều khả năng… “trắng án”.

Dĩ nhiên các lập luận trên là khó tin, dù được thể hiện bằng văn bản ở kết luận điều tra, bởi người Việt lâu nay vẫn hay răn nhau, “vô công bất thụ lộc”.

Một quan chức bình thường thôi, nếu liêm chính thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhận quà cảm ơn mà không rõ là mình đã làm gì để họ trả ơn.

Tích xưa ở bên Trung Hoa: Một lần, sau khi Khổng Tử bái kiến Tề Cảnh Công, Tề Cảnh Công ban cho Khổng Tử vùng đất Lẫm Khâu làm thực ấp. Khổng Tử ngay lập tức khéo léo khước từ, không chịu nhận.

Sau khi trở về, ông nói với các học trò: “Ta nghe nói, người quân tử có công cho nên mới nhận bổng lộc. Hiện tại ta khuyên Tề Cảnh Công nghe theo chủ trương của ta, nhưng Tề Cảnh Công không thực hành theo. Tề Cảnh Công lại muốn ban thưởng cho ta vùng Lẫm Khâu, ông ấy thật sự không hiểu ta rồi”.

Ý nghĩa: Vô công bất thụ lộc thể hiện liêm sỉ, đạo đức của người xưa, không có công cán, không có lý do gì để nhận thưởng, ở đời nếu tham lam sẽ rước lấy họa vào thân.

Tham thì ai cũng có nhưng tham không chính đáng thì người tử tế đàng hoàng không bao giờ làm. Tham không chính đáng là sao? Là không làm mà muốn được hưởng, làm ít mà muốn hưởng nhiều, hoặc muốn hưởng thành quả của người khác.

Ở vụ án Việt Á, ông Chu Ngọc Anh là một người cộng sản không tử tế nên mới xảy ra chuyện “tham không chính đáng”. Đây còn là trách nhiệm cần truy cứu từ “quy hoạch nhân sự cấp cao” của Bộ Chính trị.

Những vụ án tương tự có liên quan đến “quà cảm ơn” gần đây, có thể kể vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành được luật sư bào chữa rằng nhận 14,5 tỷ đồng “chỉ vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật”. Còn cựu Giám đốc bệnh viện kiêm Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khai 14,8 tỷ đồng nhận của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng giám đốc AIC, là “quà cảm ơn” do nhận khi đã đấu thầu xong.

Cái khó hiểu là cũng thời “nhận quà”, nhưng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, người bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần với tổng số tiền lên tới 21,5 tỷ đồng, đã nói phạm tội là do “nhận thức đơn giản” khi ông không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự “nhận tiền cảm ơn” và hành vi phạm tội…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Công nhận, nhận thưc của các quan chức Cs ấu trĩ thật sự! Về cái gọi là quà cám ơn hay là Nhận hối lộ, với giá trị giao dịch cả vài trăm ngàn đô Mỹ đế?Ôi, chán thật, sao tôi không có chức – Quyền để được mấy ” Con Lừa” nó mang quà đến tặng nhảy?