Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vốn cho nền kinh tế và minh bạch của các nhà băng

 

Trường Sơn

 

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

 

Trước đó vào ngày 4-12, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, tối ngày 5-12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với công điện trên cho thấy dường như đang có một tín hiệu tốt về nguồn vốn sắp tới đây mà EU dành cho Việt Nam, vì phải sau ngày 15-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới trở về Việt Nam sau chuyến công du tại châu Âu từ ngày 9 đến 15-12-2022.

Nhiều tổ chức tín dụng đang thiếu minh bạch

Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12-12-2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, có nội dung như sau:

“Thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06-12-2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022, đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

1. Có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại:

a) Xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.

b) Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.

c) Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20 tháng 12 năm 2022 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay”.

Nội dung công điện trên có một chi tiết đáng chú ý về khả năng biến động ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian tới: chống sở hữu chéo trong ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành sẽ phải rốt ráo sửa đổi để có thể điều chỉnh hành vi sở hữu chéo trong ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng.

Những cái tên sẽ được xướng hay…

Tính đến hiện tại, với những gì đang xảy ra với một số ngân hàng thương mại cổ phần, cho thấy vẫn còn nguyên đó mối lo về vấn đề lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt mức quy định tại các ngân hàng, hay còn gọi là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng, dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu minh bạch như ở vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan của nhóm doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát chẳng hạn.

Còn nhớ vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định để rồi chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rõ qua các đại án Trustbank – Hứa Thị Phấn, VNCB – Phạm Công Danh hay Oceanbank – Hà Văn Thắm…

Gần đây xuất hiện một số lãnh đạo của công ty bất động sản nhảy sang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng cho thấy mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn bất động sản với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp, và cần điều chỉnh bằng luật pháp được tu chỉnh thích hợp chứ không phải từ các quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ghi nhận của người viết, việc sở hữu chéo gần như công khai, như tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), sau  Đại hội đồng cổ đông ngày 15-02-2022, danh sách 7 thành viên hội đồng quản trị được thông qua chính thức xuất hiện những nhân vật mới có quan hệ với Tập đoàn Thành Công – đơn vị có tiếng trong lĩnh vực ô tô là Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.

Bà Lê Hồng Anh là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group, và đang là chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land (công ty con của Thành Công Group).

Ông Đào Phong Trúc Đại – Tổng giám đốc của hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty TNHH Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo một số nguồn tin đã lên tới 26,3%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.

Hay một loạt các ngân hàng khác như: ABBank – Geleximco; Sacombank, LienVietPostBank – Him Lam; OCB – Hướng Việt; Techcombank – Masterise; MSB – TNG Holding; HDBank – Sovico; SCB – Vạn Thịnh Phát; Nam Á Bank – Hoàn Cầu; VietBank – Hoa Lâm; VietABank – Việt Phương…


Tin bài liên quan:

VNTB – Chúng ta phải chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự vỗ tay khen mình sau khi đọc diễn văn

Do Van Tien

(VNTB)-“Nhà báo cơ cấu” đang làm gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo